Nữ bác sĩ trưởng khoa điều trị hiếm muộn: “8/3 tôi mong nhiều thiên thần được sinh ra hơn nữa”

Ngày 08/03/2020 06:09 AM (GMT+7)

 “Là phụ nữ ngày mùng 8/3 ai cũng mong nhận được thật nhiều những tình cảm của người thân nhưng tôi còn mong muốn hỗ trợ để nhiều thiên thần được sinh ra hơn nữa, mang lại nhiều tiếng cười, tô đẹp thêm cuộc sống này” – Bác sĩ CK II Phạm Thúy Nga.

Nữ bác sĩ trưởng khoa điều trị hiếm muộn: “8/3 tôi mong nhiều thiên thần được sinh ra hơn nữa” - 1

Bác sĩ CK II Phạm Thúy Nga - Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản - BV Phụ Sản Hà Nội có gần 20 năm kinh nghiệm trong nghề sản phụ khoa.

Gần 20 năm làm nghề với rất nhiều hy sinh, dù đứng trên cương vị là người đứng đầu khoa, trực tiếp “tìm con yêu” thành công cho hàng trăm nghìn cặp vợ chồng hiếm muộn, thế nhưng Bác sĩ CK II Phạm Thúy Nga (Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội) vẫn vô cùng giản dị. Sự nghiệp y khoa của chị suốt nhiều năm qua nổi tiếng với thành tích trong ngành hỗ trợ sinh sản.

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay, bên cạnh những câu chuyện về nghề sản khoa, bác sĩ Phạm Thúy Nga còn có dịp chia sẻ về cuộc sống gia đình của người phụ nữ khoác trên mình chiếc áo blouse trắng và những đánh đổi để có thời gian hy sinh hết mình với sự nghiệp “tìm con” cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Nữ bác sĩ trưởng khoa điều trị hiếm muộn: “8/3 tôi mong nhiều thiên thần được sinh ra hơn nữa” - 2

Nhìn cách bác sĩ ân cần, chu đáo với các chị em khi họ đến khoa Hỗ trợ sinh sản (HTSS) để được thăm khám và tư vấn, phải chăng vì đam mê nên chị đã chọn nghề hỗ trợ sinh sản này?

Thực ra trong nghề y hay lĩnh vực nào cũng cần đến lòng yêu nghề, sự chu đáo thì mới có thể làm tốt nhất công việc của mình. Đặc biệt trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản còn cần hơn nữa sự thấu hiểu, sự gần gũi, sẻ chia của bác sĩ với bệnh nhân của mình.

Sở dĩ như vậy vì bệnh nhân hiếm muộn họ luôn chịu một áp lực từ dư luận xã hội cũng như quan niệm truyền thống của gia đình Việt Nam. Họ thật sự cần đến bác sĩ để giải tỏa lo lắng. Mà trong lĩnh vực Hỗ trợ sinh sản, yếu tố tinh thần cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị hiếm muộn. Chính bởi vậy, tôi luôn coi việc chia sẻ với người bệnh cũng là một khâu trong điều trị hiếm muộn.

Nữ bác sĩ trưởng khoa điều trị hiếm muộn: “8/3 tôi mong nhiều thiên thần được sinh ra hơn nữa” - 3

Là người tận tụy và cống hiến 5 năm làm việc tại Khoa đẻ và hơn 13 năm làm việc tại Khoa HTSS, trực tiếp “tìm con yêu” cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn, chị mong chờ điều gì cho bản thân từ công việc này?

Tôi rất may mắn vì xuất phát điểm là một bác sĩ sản phụ khoa, có nhiều năm gắn bó với những đêm trực, đối mặt với những ca cấp cứu, tự tay đón biết bao em bé chào đời nên khi làm việc trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, tôi rất hạnh phúc khi tự tay mình tạo ra em bé và cũng tự tay mình đón em bé đến với cuộc sống này.

Đây cũng là niềm đam mê của tôi và tôi mong muốn mình sẽ còn được cống hiến nhiều hơn để mang nhiều hơn nữa những tiếng khóc, những nụ cười đến với các gia đình hiếm muộn.

Nghề y nói chung và ngành HTSS nói riêng rất vất vả, vậy động lực nào giúp chị dốc hết tâm huyết với nghề?

Quả thật động lực lớn nhất chính là những tiếng khóc chào đời của các em bé và những nụ cười, giọt nước mắt hạnh phúc của bố mẹ. Khi chứng kiến những giây phút xúc động này thì gần như mọi vất vả, mệt nhọc đã tan biến, chỉ còn lại lòng yêu nghề và niềm hạnh phúc trong mình.

Nữ bác sĩ trưởng khoa điều trị hiếm muộn: “8/3 tôi mong nhiều thiên thần được sinh ra hơn nữa” - 4

Chị luôn tận tình và gần gũi với người bệnh.

Vậy những áp lực mà chị phải chịu đựng khi làm nghề điều trị hiếm muộn là gì?

Đặc thù làm việc trong lĩnh vực này thì công việc chiếm khá nhiều thời gian, hầu hết không có ngày nghỉ cuối tuần, thậm chí cả những ngày lễ, vì vậy thời gian bên gia đình cũng ít.

Song cũng thật may tôi có hậu phương vững chắc để yên tâm dành trọn tâm huyết cho nghề.

Chữa hiếm muộn nhiều năm, trải qua rất nhiều buồn vui với nghề, có hoàn cảnh nào khiến chị không thể quên?

Nhiều năm trong nghề tôi gặp rất nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau, nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trường hợp khiến tôi ấn tượng không thể quên, đó là bệnh nhân Lò Thị Doan ở Sơn La. Bệnh nhân này ở vùng miền núi nghèo, nhà có 2 con gái bị bệnh Thalassemia thể nặng, hàng tháng phải đi từ Sơn La lên viện Huyết học truyền máu TW để truyền máu.

Tại thời điểm đó, bệnh viện tôi có chương trình miễn phí làm thụ tinh trong ống nghiệm – chẩn đoán phôi tiền làm tổ cho các gia đình khó khăn có mang gen Thalassemia. Biết được thông tin này, hai vợ chồng chị Doan với hy vọng đẻ thêm được một em bé khỏe mạnh nhờ kỹ thuật chẩn đoán phôi tiền làm tổ mà bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang áp dụng để lấy máu cuống rốn chữa bệnh cho hai con gái và đã được bệnh viện chấp nhận.

Mặc dù được bệnh viện tài trợ hết mọi khoản điều trị, nhưng họ nghèo đến mức không có cả tiền đi lại, ăn uống và nhân viên chúng tôi lại đóng góp lo ăn ở cho gia đình họ. Với hoàn cảnh quá khó khăn như vậy mà vợ chồng chị Doan vẫn quyết tâm khắc phục khó khăn, vượt lên số phận đã làm xúc động trái tim của tất cả nhân viên chúng tôi.

Nữ bác sĩ trưởng khoa điều trị hiếm muộn: “8/3 tôi mong nhiều thiên thần được sinh ra hơn nữa” - 5

Nữ bác sĩ trưởng khoa điều trị hiếm muộn: “8/3 tôi mong nhiều thiên thần được sinh ra hơn nữa” - 6

Công việc của một người quản lý đã khiến chị thay đổi như thế nào?

Công việc của một người quản lý đã khiến tôi thay đổi rất nhiều. Trước kia tôi chỉ cần làm tốt công việc chuyên môn của một bác sĩ hỗ trợ sinh sản là đã ổn. Nhưng khi là một người quản lý, đặc biệt trong lĩnh vực chuyên môn thì ngoài nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, tôi còn phải có một tầm nhìn để đưa khoa Hỗ trợ sinh sản ngày một phát triển, cập nhật tất cả những kiến thức mới nhất trên thế giới và áp dụng tại bệnh viện.

Người quản lý cần hiểu tâm lý, tình cảm của từng nhân viên để chia sẻ, động viên họ tạo nên một môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả nhưng vẫn đem lại sự thoải mái, hứng khởi trong công việc.

Hàng ngày vừa chuyên tâm chữa bệnh và “tìm con” cho các cặp vợ chồng hiếm muộn vừa phải làm tròn trách nhiệm người đứng đầu khoa, chị có thấy mình đang hy sinh quá nhiều cho công việc?

Không hề! Ngược lại, tôi thấy mình nhận được rất nhiều đấy chứ. Tôi nhận được sự kính trọng, tin tưởng của đồng nghiệp, nhận được rất nhiều những tình cảm tin yêu của bệnh nhân, họ thường xuyên quan tâm và gửi đến bác sĩ Nga những lời cảm ơn, lời chúc tốt đẹp khiến cho bác sĩ cảm thấy cuộc đời đầy ý nghĩa.

Nữ bác sĩ trưởng khoa điều trị hiếm muộn: “8/3 tôi mong nhiều thiên thần được sinh ra hơn nữa” - 7

Hình ảnh Bác sĩ CK II Phạm Thúy Nga trong quá trình thực hiện thủ thuật chọc hút trứng cho bệnh nhân.

Thế còn những trăn trở gì với nghề mà chị chưa bao giờ có cơ hội thổ lộ?

Đúng là vẫn còn có những trăn trở. Hiện giờ chi phí điều trị thụ tinh trong ống nghiệm vẫn còn khá cao so với thu nhập của phần lớn người dân Việt Nam và bệnh nhân phải tự chi trả tất cả chi phí này. Hy vọng thời gian tới Bảo hiểm y tế sẽ có những chính sách phù hợp để chia sẻ khó khăn cho bệnh nhân hiếm muộn.

Những gia đình sau khi đã gặt xong trái ngọt, họ có hay liên lạc hoặc ghé thăm BS không? Nhất là vào những ngày đặc biệt như 8/3, 27/2?

Có chứ, thường xuyên luôn. Các gia đình ngoài thăm hỏi qua điện thoại và trang cá nhân của tôi, họ thường xuyên mang “sản phẩm” đến khoe bác sĩ. Bé nào cũng thật ngộ nghĩnh, đáng yêu vô cùng.

Nữ bác sĩ trưởng khoa điều trị hiếm muộn: “8/3 tôi mong nhiều thiên thần được sinh ra hơn nữa” - 8

Nếu ngày lễ như 8/3 những người phụ nữ khác tràn ngập trong hoa, quà. Bản thân chị có mong muốn gì trong những ngày lễ dành cho chị em như dịp này?

Là phụ nữ ngày mùng 8/3 ai cũng mong muốn nhận được thật nhiều những tình cảm của người thân nhưng với tôi, tôi còn mong muốn hỗ trợ để nhiều thiên thần được sinh ra hơn nữa, mang lại nhiều tiếng cười, tô đẹp thêm cuộc sống này.

Nhân dịp 8/3, Bác sĩ Nga cũng xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể chị em phụ nữ nói chung và chúc cho chị em hiếm muộn nhanh chóng tìm được niềm hạnh phúc của mình.

Xin cảm ơn Bác sĩ về những chia sẻ thú vị!

Giám đốc BV Phụ sản TW: Nổi tiếng hay quát nhưng lại rơi nước mắt khi nói về mẹ
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Danh Cường nổi tiếng là vị bác sĩ giỏi trong ngành siêu âm, chẩn đoán, sàng lọc trước sinh nhưng cũng vô cùng khó tính. Thế...
Như Loan
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Hạnh, 32 tuổi, chưa có ý định kết hôn song lo khi gặp được ý trung nhân thì đã quá tuổi sinh con, quyết định đến bệnh viện trữ đông trứng.

Tin bài cùng chủ đề Ngày Quốc tế Phụ nữ