Con được 4 tháng, tôi không nhịn nổi nữa, bế con đến trước mặt bố chồng xin ông cho về ngoại vì 1 tháng nữa là tôi đi làm lại rồi. Bố chồng vẫn lắc đầu khiến tôi tức nước vỡ bờ, gào lên trách ông...
-
Tốc độ phátChuẩn
-
Giọng đọc
Thời điểm sát ngày dự sinh, vợ chồng tôi có bàn bạc về chuyện ở cữ nhà chồng hay nhà ngoại. Chồng thích vợ con ở nội nên tôi nghe theo. Mẹ chồng sức khỏe không tốt lắm, tuy nhiên để chăm sóc con dâu 1 tháng ở cữ thì bà vẫn rất sẵn lòng.
May mắn tôi mẹ tròn con vuông. Hết 1 tháng ở cữ, tôi lập tức bảo chồng đưa vợ con về ngoại. Ai ngờ anh lại trở mặt nói con còn quá nhỏ, đi đường xa không tiện, bảo vợ chờ thêm.
Tôi tức lắm nhưng vẫn nhịn vì không muốn vợ chồng to tiếng cãi vã. Con được 2 tháng, tôi lại đề cập tới chuyện về ngoại song chồng vẫn không đồng ý. Anh lấy cớ không muốn xa con. Tôi đợi con tròn 3 tháng, tự nhủ nếu chồng vẫn không đồng ý thì tôi sẽ tự bế con đi. Lúc này anh nói thật vì bố anh không muốn cho con dâu đưa cháu nội về ngoại. Đây là cháu đích tôn của ông, phải 1 tuổi ông mới cho tôi đưa con về ngoại chơi.
Con được 2 tháng, tôi lại đề cập tới chuyện về ngoại song chồng vẫn không đồng ý. (Ảnh minh họa)
Tôi tức muốn nổ phổi. Ở đâu ra cái quy định kỳ quặc và lối suy nghĩ vô lý ấy? Nhưng tôi cũng chẳng thể cãi tay đôi được với bố chồng. Con được 4 tháng, tôi không nhịn nổi nữa, bế con đến trước mặt bố chồng xin ông cho về ngoại vì 1 tháng nữa là tôi đi làm lại rồi. Bố chồng vẫn lắc đầu khiến tôi tức nước vỡ bờ, gào lên trách ông: "Nếu bố có con gái thì bố có vui vẻ và đồng tình khi nhà thông gia đối xử với con gái và cháu ngoại mình thế này không? Bố mẹ con cũng mong cháu ngoại về lắm chứ!".
Bố chồng tôi im lặng đi vào phòng không trả lời, còn chồng thì lên tiếng: "Anh hứa với em vài tháng nữa em khỏe hẳn, con cứng cáp hơn, đích thân anh sẽ đưa hai mẹ con về ngoại. Về sớm về muộn một vài tháng không quan trọng, em bình tĩnh lại đi. Từ trước đến nay anh đối xử với em thế nào em còn không biết hay sao?".
Vì câu nói đó của chồng, tôi tiếp tục nín nhịn. Qua điện thoại mẹ tôi cũng bảo đừng làm căng với nhà chồng. Bà dặn tôi cố gắng giữ tinh thần thoải mái để chăm sóc con và bồi dưỡng sức khỏe cho thật tốt, đó mới là điều quan trọng nhất, có thời gian bà sẽ lên thăm con cháu.
Hôm vừa rồi cô em quen biết cùng xóm nhà mẹ đẻ gọi điện cho tôi mời cưới. Em ấy đột nhiên nói thế này khiến tôi rụng rời chân tay: "Em biết giờ chị đang con nhỏ bận bịu, bác lại gặp tai nạn, chắc hẳn cũng không có nhiều thời gian. Nhưng chị cố gắng thu xếp đến chung vui với em nhé!".
Tôi hoảng hốt hỏi lại thì bủn rủn cả người khi biết mẹ tôi gặp tai nạn 3 tháng trước. Hai bên chân của bà bị tổn thương nghiêm trọng, giờ mẹ chỉ có thể ngồi trên xe lăn. Bà đã xuất viện về nhà, sức khỏe cũng hồi phục tương đối nhưng phải mang thương tật vĩnh viễn.
Tôi oà khóc hỏi chồng có biết chuyện đó không? Hóa ra mọi người đều biết cả, chỉ giấu mình tôi. "Lúc đó em vừa mới sinh được gần tháng, ông bà nội ngoại đều thống nhất không cho em biết vì biết cũng chẳng giải quyết được gì. Mà vừa sinh xong, sức khỏe và tinh thần chưa ổn định. Bố là người kiên quyết nhất đấy. Mọi người ai cũng lo cho em, giờ em biết sự thật rồi cũng đừng quá đau buồn để ảnh hưởng sức khỏe mà phụ lòng ông bà hai bên”, chồng tôi nói.
Tôi thương mẹ đến đứt ruột nhưng cũng rất cảm kích gia đình chồng, đặc biệt là bố chồng. Mọi người đã lo lắng cho tôi nhiều như thế, tôi cũng phải cố gắng giữ vững tinh thần, chăm sóc bản thân và con thật tốt…
Tôi thương mẹ đến đứt ruột nhưng cũng rất cảm kích gia đình chồng, đặc biệt là bố chồng. (Ảnh minh họa)
Cần quan tâm hơn nữa việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bà mẹ sau sinh
Thực tế hiện nay là nhận thức của chúng ta về các vấn đề sức khỏe tinh thần này chưa được đánh giá đúng mực như các tổn thương thực thể. Do đó, các mẹ sau sinh thường không được quan tâm, chăm sóc sức khỏe tinh thần sau sinh đúng cách, giúp đỡ kịp thời. Từ đó dẫn đến nhiều chuyện đáng tiếc như tự làm hại bản thân, bé yêu.
Nếu sau sinh mẹ cần kiêng cữ để hồi phục sức khỏe thể chất thì việc tránh cho mẹ sau sinh phải chịu những cú sốc về tâm lý, tổn thương tinh thần cũng quan trọng không kém.
Có 3 vấn đề sức khỏe tâm thần mà các mẹ sau sinh thường có nguy cơ gặp phải:
- Hội chứng buồn chán sau sinh: Hội chứng này ảnh hưởng đến khoảng từ 40 – 70% phụ nữ sau khi sinh.
- Trầm cảm sau sinh: Có khoảng 13 – 19% phụ nữ sau khi sinh bị ảnh hưởng bởi hội chứng này.
- Rối loạn tâm thần sau sinh: Hội chứng này ảnh hưởng đến khoảng 0,1 – 0,5% các bà mẹ sau sinh.
Việc mẹ gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần không chỉ ảnh hưởng xấu đến mẹ mà còn có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất, sự phát triển nhận thức cũng như sự phát triển cảm xúc và hành vi của trẻ sau này.
Thế nên, chỉ khi có tinh thần khỏe mạnh, mẹ mới sinh mới có thể sống tích cực đồng thời chăm con thuận lợi. Do đó, khi chăm sóc sức khỏe cho mẹ sau sinh thì việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho mẹ trước và sau sinh cần được quan tâm hơn nữa.