Nhiều cặp vợ chồng đã rơi vào tình huống trớ trêu vì sai lầm của bệnh viện khi sử dụng tinh trùng làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp hỗ trợ sinh sản được ngày càng nhiều các cặp vợ chồng hiếm muộn lựa chọn. Trên thực tế, phương pháp này cũng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt khi giúp đông đảo các cặp đôi có vấn đề về sinh sản mang thai thành công.
Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kĩ lưỡng vì nếu chỉ một nhầm lẫn nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả không ngờ. Những trường hợp bố mẹ "méo mặt" vì bác sĩ nhầm tinh trùng khi IVF dưới đây là ví dụ.
Vợ chồng da trắng sinh con có nét châu Á
Năm 2012, Kristina Koedderich và chồng Drew Wasilewski quyết định chi 500.000 USD để điều trị và tiến hành thụ tinh bằng phương pháp ống nghiệm (IVF) tại Trung tâm hỗ trợ Y học và khoa học sinh sản ở Saint Barnabas (IRMS), bang New Jersey. Kristina sau đó sinh con gái vào năm 2013.
Sau vài năm nuôi con, Kristina thấy lạ khi bé không có nét nào giống chồng mình là lại có những đặc điểm của người... châu Á. Sau đó, cô đưa con đi xét nghiệm ADN và phát hiện bé có 0% tỉ lệ trùng khớp gen với bố. Nói cách khác, con gái đúng là con của Kristina nhưng chồng cô không phải bố đẻ của đứa trẻ. Nguyên nhân là do trung tâm sinh sản đã sử dụng nhầm tinh trùng trong quá trình làm IVF.
Bà mẹ thấy lạ khi con sinh ra không giống bố mà lại có nét châu Á.
Cặp đôi sau đó đã nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến ly hôn. Hiện tại, cả hai cùng đệ đơn kiện trung tâm sinh sản đòi bồi thường. Chồng Kristina còn có thêm nỗi lo tinh trùng của anh có thể đã được thụ tinh cho một người xa lạ nào đó.
Cặp đôi châu Á chi tiền tỉ làm IVF, đẻ cặp sinh đôi lại da trắng mắt xanh
Một cặp vợ chồng người châu Á sống tại New York (Mỹ) đang khởi kiện một trung tâm hỗ trợ sinh sản ở Los Angeles vì khiến họ phải mang thai và sinh con của người khác.
Cặp đôi này được gọi là AP và YZ, kết hôn từ năm 2012 nhưng không thể thụ thai tự nhiên. Sau đó, họ tìm đến trung tâm hỗ trợ sinh sản CHA để khám và điều trị. Tháng 1/2018, AP và YZ có cuộc hẹn khám với tiến sĩ Joshua Berger và Simon Hong, hai đồng sở hữu của trung tâm này. Sau nhiều tháng điều trị bằng thuốc, bổ sung vitamin và làm các xét nghiệm cần thiết, hai người tạo được 8 phôi.
Đến tháng 7/2018, AP chuyển phôi lần đầu nhưng thất bại. Đến tháng 8, cả hai quyết định thử lại lần nữa và lần này chuyển 2 phôi. 1 tháng sau, AP vui mừng phát hiện mình đã mang thai thành công. Vậy nhưng sau một lần siêu âm, vợ chồng AP thấy lạ vì rõ ràng từ đầu bác sĩ nói chuyển 2 phôi nữ nhưng khi siêu âm thì cả hai bé đều là nam. Sau đó, bác sĩ Berger và Hong trấn an hai người rằng siêu âm chỉ là một kiểm tra có tính chính xác tương đối chứ không phải 100%.
Cặp đôi châu Á sốc nặng khi hai con chào đời da trắng mắt xanh mà lại không giống nhau. (Ảnh minh họa)
Ngày 30/3/2019, AP nhập viện và sinh con bằng phương pháp mổ lấy thai. Nhưng ngay khi nhìn thấy con, họ sốc không tin nổi khi hai bé không chỉ đều là nam mà còn có làn da trắng, mắt xanh, hoàn toàn không phải người châu Á.
Xét nghiệm di truyền sau đó đã xác nhận rằng các bé không có mối quan hệ di truyền với AP và YZ. Ngoài ra, hai bé thậm chí cũng không hề có mối quan hệ di truyền với nhau. Cuối cùng, AP và YZ buộc phải trả lại hai bé cho bố mẹ ruột của chúng.
Mua tinh trùng về sinh con, cặp đôi sốc nặng khi con da đen tóc xoăn
Jennifer Cramblett là một người phụ nữ đồng tính. Cô và bạn đời đều muốn có con nên đã chi tiền đến ngân hàng tinh trùng để mua tinh trùng về thụ tinh trong ống nghiệm.
Vì cả Jennifer và bạn đời đều là người da trắng nên cả hai đã dặn đi dặn lại bác sĩ rằng cô muốn lấy mẫu tinh trùng của một người đàn ông cùng chủng tộc với mái tóc vàng và đôi mắt xanh. Vậy nhưng khi mang thai và sinh con thành công, cả hai tá hỏa khi em bé lại là người gốc Phi, da đen và tóc xoăn.
Cặp đôi đồng tính thất vọng vì con gái chào dời da đen, tóc xoăn.
Nguyên nhân là một nhân viên đã đọc nhầm số hiệu của người hiến tinh trùng, từ 380 thành 330 nên "con giống" được đưa cho vợ chồng Jennifer là của một người Mỹ gốc Phi.
Jennifer khẳng định cả hai vợ chồng cô đều yêu thương con gái nhưng họ vẫn đâm đơn kiện ngân hàng tinh trùng vì họ sợ con bé sẽ bị cô lập trong cộng đồng toàn người da trắng mà họ đang sinh sống.
Trên thực tế, ngân hàng tinh trùng nói trên đã đồng ý trả cho cô Jennifer một khoản tiền đền bù, nhưng cô vẫn quyết tâm kiện cơ quan này ra toà án bang Ohio “để họ phải chịu trách nhiệm với sự nhầm lẫn đó”.