Phương Anh từng mất con ở tuần 26, đến khi mang thai lại cô gặp vô vàn bệnh lý thai kỳ, liên tục phải uống và tiêm thuốc để giữ con. Thấy Phương Anh nằm một chỗ, không ít người nói cô “õng ẹo” lười biếng.
Nỗi đau mất đứa con đầu có lẽ khiến Phương Anh (24 tuổi) ám ảnh đến suốt đời. Đó là một biến cố lớn đầu đời mà cô phải gánh chịu. Ngày hôm nay, khi em bé thứ 2 đã chào đời gần 1 tháng tuổi, song những ký ức về ngày mà hai vợ chồng cô phải nhìn bé đầu xa rời bố mẹ vẫn còn nguyên vẹn.
Hình ảnh bé Sữa gần 1 tháng tuổi.
Tuy nhiên, để được thực hiện thiên chức làm mẹ như ngày hôm nay, Phương Anh đã trải qua một hành trình mang thai vô cùng khó khăn bởi các bệnh lý thai kỳ đem lại. Cán đích thai 39 tuần và em bé Sữa chào đời chính là giấc mơ và thành quả của bao tháng ngày dưỡng thai đến hao mòn sức lực của cô gái trẻ tuổi đôi mươi.
Mất con vì sinh non, phải truyền gần 1 lít máu
Bà mẹ trẻ cho biết, sau ngày cưới không lâu cô cùng gia đình vỡ òa trong hạnh phúc vì hay tin cấn bầu. Thế nhưng, niềm vui ấy chẳng thể trọn vẹn do em bé chào đời thiếu tháng và đã bỏ bố mẹ ra đi khi mới tròn 8 lạng. Lúc này trời đất như đổ sụp dưới đôi chân của bà mẹ trẻ.
Lần mang thai thứ hai này, cô gặp không ít những khó khăn do bệnh lý thai kỳ đem lại
Nhắc nhớ lại quá khứ buồn cách đây đúng 1 năm về trước, cô gái trẻ cho biết: “Hôm nay là tròn 1 năm 3 ngày kể từ ngày con mất. Nhưng mình vẫn không thể nào nguôi ngoai nỗi đau này, nó như xảy ra mới ngày hôm qua. Cả thai kỳ mình đều khỏe mạnh, chỉ mỗi tội nghén rất nhiều, thậm chí nôn ra cả máu, sợ tất cả các mùi, nhất là mùi cơm sôi.
Cái ngày định mệnh ấy, 6 giờ sáng mình dậy mở cửa cho chồng đi làm thì thấy khó chịu trong người. 7h bắt đầu có cơn đau lâm râm, đau bụng muốn đi ngoài liên tục. 10h mình nghe một tiếng bụp, ối vỡ, máu ra toàn đóng cục. Thế là mình bắt xe lên viện, bác sĩ khám đã mở 3cm, thai cực non, không thể nuôi sống được, cho nằm chờ sinh. Nhưng sau đó mình bị ra máu rất nhiều, mất tận 800ml máu, suýt nữa băng huyết. Bác sĩ phải gây mê cho mẹ để kéo thai ra ngoài đảm bảo an toàn cho mẹ. Con mình mất sau khi sinh ra”.
Sau ngày đó, đôi vợ chồng trẻ tiếp tục động viên nhau nghỉ ngơi để sức khỏe mau phục hồi. Ba tháng sau Phương Anh cùng chồng lên kế hoạch “thả cửa” để con về. Vậy là 3/2019 người mẹ trẻ có bầu trở lại, tuy nhiên cảm xúc đón nhận tin lần này khác hoàn toàn so với lần trước, “Khi biết mình mang thai, hai vợ chồng vừa mừng vừa lo cho chặng đường phía trước” – 9X nói.
Phương Anh tâm sự, nếu lần mang thai đầu cô thuận lợi bao nhiêu thì lần này bản thân không được khỏe. Khi em bé mới có tim thai được vài tuần thì Phương Anh thấy có dấu hiệu ra máu, hốt hoảng tới bệnh viện cấp cứu cô được bác sĩ kết luận dọa sảy thai, không kìm nén được cảm xúc cô gái trẻ bật khóc giữa phòng bệnh.
Do có tiền sử sinh non ẩn chứa rất nhiều nguy cơ nên cô thường xuyên phải siêu âm theo dõi.
Chuỗi ngày theo dõi thai kỳ và uống thuốc giữ thai, đặt thuốc ổn định nội tiết được thiết lập. Do từng có tiền sử sinh non nên có rất nhiều nguy cơ so với các bà bầu khác, bước sang tuần thai thứ 19, cô được chỉ định khâu eo cổ tử cung giữ thai.
Thai yếu nằm một chỗ, chồng phải dùng xe lăn đẩy vợ đi khắp hành lang
Những tưởng sóng gió đã qua đi nhưng đến tuần thứ 23, lúc này cổ tử cung của cô mở với kích thước 36mm kèm theo các dấu hiệu gò và ra máu, lần này cơn dọa sảy tới dồn dập, buộc bà bầu phải nhập viện dưỡng thai.
Lo lắng bệnh lý sẽ ảnh hưởng đến con trong bụng, cô lập tức tìm đến bác sĩ sản nội tiết để được điều trị và theo dõi lượng đường trong máu cũng như tiêm trưởng thành phổi. Sau đó Phương Anh được truyền thuốc giảm cơn gò để dưỡng não em bé. Những tưởng đơn giản chỉ là một mũi tiêm giúp con phát triển các chỉ số thai nhi nhưng tác dụng phụ của thuốc khiến mẹ bầu chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, tay chân rã rời. Có những đêm, chồng cô phải thức xoa tay bóp chân, thậm chí dùng xe lăn đẩy vợ đi khắp hành lang.
Sau một hành trình dài thì em bé đã chào đời bình an.
Mẹ 9X kể: “Lúc này vừa sợ con ra sớm, vừa mệt mỏi vì bị thuốc vật, ngày nào mình cũng khóc như mưa. Vì thai yếu nên phải nằm dưỡng, thấy nằm một chỗ nhiều người không hiểu nói mình õng ẹo, lười biếng. Thế nhưng, mình không màng gì đến điều tiếng xung quanh mà chỉ tập trung sao cho sức khỏe của mẹ và con được ổn định nhất”.
Dưỡng thai thêm vài tuần, mẹ Sài Gòn được nâng thêm vòng nâng cổ tử cung và bắt đầu ngưng thuốc giảm cơn gò, thuốc đặt nội tiết. Bước vào ngày thứ 4 của tuần 37, bác sĩ tiến hành cắt chỉ khâu eo và tháo vòng nâng để chuẩn bị cho kỳ sinh.
Trải qua những cơn co chuyển dạ và vỡ ối, sau vài hơi rặn sâu, bé Sữa nặng 3kg đã cất tiếng khóc chào đời đến với thế giới. “Ngay khi con chào đời đã cất tiếng khóc to nhất phòng. Lúc này mẹ mới thở phào nhẹ nhõm để có thể cảm nhận được hết hơi ấm của em bé nằm trên ngực mẹ. Được nhìn thấy hình hài và ẵm con trên nay với không chỉ mình mà nhiều bà mẹ khác dù phải đánh đổi cũng rất xứng đáng” – cô cười chia sẻ.
Bé Sữa chào đời khỏe mạnh, chị Phương Anh mới thở phào nhẹ nhõm.
Giờ đây con đã gần 1 tháng tuổi, may mắn rất ngoan, cứ bú no là lăn ra ngủ. Trải qua một hành trình mang thai nhiều dấu mốc đáng nhớ, Phương Anh muốn nhắn nhủ đến các mẹ đã từng có tiền sử sinh non hay các bệnh lý thai kỳ hãy mạnh mẽ, giữ cho mình một tâm lý vững vàng, những điều may mắn, tươi đẹp vẫn luôn chờ đón mình ở phía trước. Mang thai, sinh và chăm sóc con tuy vất vả nhưng được nhìn thấy con khoẻ mạnh mỗi ngày là điều tuyệt vời của mỗi người phụ nữ mang thiên chức làm mẹ.