Mới đầu vợ tôi liên tục than hết tiền vì chồng đưa ít quá, lương 20 triệu mà đưa vợ có 2 triệu. Tôi bực bội mắng cô ấy không biết vun vén...
Tôi và vợ yêu nhau hơn 1 năm thì phải tổ chức cưới sớm vì cô ấy nhỡ mang thai. Có con ngoài kế hoạch, về kinh tế tôi chưa chuẩn bị tốt, thành ra cuộc sống vợ chồng còn nhiều khó khăn.
Vợ tôi siêu âm bầu thai đôi, bác sĩ khuyên nên nghỉ ở nhà, thế là chỉ còn mình tôi đi làm. Tôi bảo vợ ở nhà chơi không cũng chán, cố gắng nghĩ cách kiếm việc gì làm thêm. Cô ấy có chút vốn tiếng Anh nên nhận dịch tài liệu cho người ta, thu nhập cũng được mấy triệu một tháng.
Tôi tính sơ sơ tiền nhà với điện, nước là 3 triệu. Tôi ăn trưa và sáng ở ngoài, chỉ bữa tối mới ăn ở nhà. Vợ chồng còn nghèo cần phải tiết kiệm, tiền ăn khoảng 2,5 - 3 triệu/tháng là thoải mái. Nhẩm tính như vậy, mỗi tháng tôi đưa cho vợ 2 triệu, bảo cô ấy bỏ lương của mình ra nữa, thế là đủ chi tiêu sinh hoạt.
Tôi bực bội mắng cô ấy không biết vun vén... (Ảnh minh họa)
Mới đầu vợ tôi liên tục than hết tiền vì chồng đưa ít quá, lương 20 triệu mà đưa vợ có 2 triệu. Tôi bực bội mắng cô ấy không biết vun vén, phải tính toán chi tiêu trong số tiền ấy thôi, đừng đòi hỏi thêm, không làm được là do cô ấy kém cỏi. Con còn trong bụng mẹ cần tiêu gì đâu!
Sau đó không thấy vợ đề cập tới chuyện tiền nong nữa. Vợ tôi bầu thai đôi nên sinh mổ sớm so với ngày dự sinh, cũng may con không cần nằm trong lồng kính. Một tháng ở cữ, mẹ vợ lên chăm con gái. Vợ không dậy chợ búa được, tôi đưa mẹ vợ 2 triệu mà bà không cầm, bà sẽ bỏ ra lo cho con cháu.
Ngày hai con tôi tròn tháng, tôi mới nhớ ra chuyện khai sinh. Tôi vội giục vợ đi đăng ký kết hôn, lúc đám cưới lu bu nhiều việc nên chúng tôi vẫn chưa làm. Ai ngờ vợ trả lời ráo hoảnh rằng không cần đăng ký, cô ấy chưa biết có sống lâu dài với tôi không. Chuyện khai sinh cho con thì cô ấy làm rồi.
Đến khi nhìn 2 tờ giấy khai sinh mà tôi phải điếng người. Trên đó chỉ có tên mẹ là vợ tôi còn phần tên bố thì để trống, các con tôi khai sinh không có bố!
Tôi tức điên người, gằn giọng chất vấn thì nhận được câu trả lời: “Suốt thời gian tôi mang thai, anh không hề quan tâm đến con dù là tình cảm hay vật chất. Tư cách làm bố của anh ở đâu? Anh nghĩ con anh có thể tự dưng phát triển khỏe mạnh rồi chào đời an toàn được à? Anh có biết bầu thai đôi nhiều vấn đề phát sinh cần phải khám xét, xử lý hơn bình thường rất nhiều không? May là tôi khỏe mạnh, nếu phải nằm một chỗ thì còn khổ hơn nữa.
Anh có biết để lo đủ cho con, tôi bụng to vượt mặt vẫn ngồi thức đêm dịch tài liệu không? Xin lỗi nhé, con tôi từ khi xuất hiện trong bụng mẹ đến nay làm gì có bố, chỉ có tôi vừa làm mẹ vừa làm bố thôi. Bởi vậy trong giấy khai sinh để trống tên bố cũng là điều quá dễ hiểu!”.
Tôi tím tái mặt mày. Mọi người thấy cô ấy có quá đáng quá quắt không? Con vẫn trong bụng mẹ, có mẹ nuôi dưỡng, đâu cần nhiều chi phí như khi sinh ra rồi? Tôi cũng rất bận công việc, sao mà hỏi thăm tận tình được, vợ phải thông cảm chứ!
Tôi không hiểu mình sai ở đâu? Con vẫn trong bụng mẹ chưa chào đời thì cần những chi phí gì vậy?
Tôi không hiểu mình sai ở đâu? (Ảnh minh họa)
5 loại chi phí trong thời gian mang thai và sinh con
Trong 9 tháng thai kỳ đến khi sinh, bố mẹ sẽ phải chi trả những khoản sau đây:
1. Chi phí khám thai
Việc khám thai không chỉ giúp mẹ theo dõi sự phát triển của thai nhi mà còn xử trí kịp thời những bất thường xảy ra nếu có. Khám thai đầy đủ sẽ giảm thiểu những rủi ro có thể gặp phải ở mẹ và em bé. Thông thường, mẹ sẽ có khoảng 8 lần khám suốt thai kỳ nhưng có thể khác ở mỗi mẹ bầu tùy tình trạng sức khỏe của mẹ và bé.
2. Đồ dùng cho mẹ bầu
Trong 3 tháng đầu, cơ thể mẹ không có quá nhiều thay đổi, có thể mặc những bộ quần áo đang dùng. Bước sang 3 tháng giữa khi cơ thể có sự thay đổi rõ rệt về vóc dáng, mẹ cần mua những bộ quần áo để phù hợp với sự thay đổi này, để mẹ và em bé cảm thấy thoải mái.
Càng về sau, bụng bầu ngày càng lớn, mẹ bầu có thể cần đến những vật dụng như đai nâng đỡ bụng bầu giúp, gối bầu, kem chống rạn…
3. Vật dụng đi sinh, quần áo sơ sinh cho em bé
Ngoài chuẩn bị vật dụng đi sinh như đồ dùng cho mẹ, bé, còn cần sắm sửa cả quần áo sơ sinh cho con. Đôi khi vì quá thích mà mẹ sẽ mua về rất nhiều thứ không dùng hết. Các bé lớn rất nhanh nên khi mua đồ sơ sinh, mẹ hãy tỉnh táo nhé!
4. Dinh dưỡng mẹ bầu
Trong thời gian mang thai, mẹ cần bổ sung vitamin hoặc uống sữa bầu… Khoản chi này mẹ có thể phải tiêu ngay cả trước khi mang thai, bởi vì axit folic giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh cần bắt đầu bổ sung trước khi mang thai 3 tháng. Ngoài ra thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày cũng cần được chú trọng, mẹ không thể ăn qua loa như khi chưa mang bầu được.
5. Chi phí sinh con
Đây là khoản phí đắt nhất trong giai đoạn tiền sản, phụ thuộc vào việc mẹ sinh thường hay sinh mổ, chọn dịch vụ bệnh viện công hay tư. Chi phí cho một ca sinh hoàn toàn không rẻ nếu mẹ không có bảo hiểm. Bởi thế mẹ hãy lên kế hoạch trước cho khoản phí này để không phải lúng túng khi đi sinh nhé!