Ngày vợ ra viện, tôi bảo cô ấy nghỉ hẳn việc ở chỗ chị gái, chỉ ở nhà dưỡng thai thôi. Tôi cũng đưa hết món tiền tiết kiệm từ thời độc thân trị giá 500 triệu cho vợ giữ.
Vợ tôi hiện đang mang thai được 7 tháng. Cô ấy vừa nhập viện theo dõi một tuần vì bị động thai. May mắn là sức khỏe con tôi và vợ không bị ảnh hưởng gì lớn.
Chỗ làm của vợ xa nhà chồng nên cô ấy đã nghỉ việc từ trước đám cưới. Tôi bảo cô ấy thôi cứ ở nhà vài năm sinh con, trông con xong tính tiếp. Mẹ tôi thấy cô ấy nghỉ việc nên bảo con dâu sang nhà chị chồng phụ bán hàng.
Anh rể và chị gái tôi có một cửa hàng nội thất làm ăn cũng được. Tôi thấy khá hợp lý nên bảo vợ đi. Đến lúc vợ có tin vui, tôi hỏi cô ấy còn đi làm được nữa không thì vợ im lặng gật đầu. Công việc của tôi cũng bận, tối về hỏi han không thấy vợ ca thán nên tôi tưởng mọi chuyện bình thường.
Đến lúc vợ có tin vui, tôi hỏi cô ấy còn đi làm được nữa không thì vợ im lặng gật đầu. (Ảnh minh họa)
Cho đến tuần trước vợ đang đi làm thì bị động thai phải nhập viện. Anh rể gọi cho tôi cằn nhằn rằng cuối năm cửa hàng rất bận, vợ tôi nghỉ đột ngột anh không tìm được nhân viên. Thấy anh khó chịu, công việc trên công ty cũng ổn rồi nên tôi xin nghỉ 1 tuần thay vợ làm cho anh chị.
Trong một tuần làm cho cửa hàng của anh rể, tôi điếng người nhận ra nhiều điều mà trước nay mình quá vô tâm không để ý. Thứ nhất là công việc này quá vất vả, không phù hợp với thai phụ. Tôi tưởng vợ chỉ đứng bán hàng, ghi chép sổ sách, không ngờ cô ấy còn phải bê vác cả đồ nội thất. Chị gái tôi làm việc riêng, cửa hàng này mình anh rể quản lý, anh sai bảo, quát mắng xơi xơi.
Thứ hai là lương của vợ thì cô ấy không được lĩnh, chị gái sẽ đưa cho mẹ tôi. Bình thường tôi đã đưa tiền chi tiêu để mẹ ở nhà cơm nước, nội trợ, vậy mà bà còn cầm lương của con dâu?
Tôi đi làm nên nhờ mẹ chăm sóc vợ trong viện, buổi tối mới vào được với cô ấy. Chiều tối đó tôi đi về làm về, đứng bên ngoài nghe mẹ nói chuyện với cô ruột của tôi: “Chán cái con đấy quá, từ lúc về nhà chồng chưa làm được cái gì nên hồn. Làm có tí việc thì cũng trở chứng động thai, giờ đang nằm trong viện ấy”.
Tôi buồn và thất vọng vô cùng, đi thẳng vào phòng nói với mẹ: “Mẹ ạ, bây giờ cô ấy đã làm một thành viên trong nhà mình rồi. Con hiểu hai người mới chung sống chưa có nhiều tình cảm gắn bó nhưng mong mẹ đối xử với cô ấy một cách công bằng, đúng lý hợp tình. Một bên là vợ một bên là mẹ, con sẽ không thiên vị bên nào, cũng sẽ chăm sóc tốt cho cả hai”.
Ngày vợ ra viện, tôi bảo cô ấy nghỉ hẳn việc ở chỗ chị gái, chỉ ở nhà dưỡng thai thôi. Tôi cũng đưa hết món tiền tiết kiệm từ thời độc thân trị giá 500 triệu cho vợ giữ. Khoản tiền này tôi có từ trước đám cưới, không phải tôi giấu vợ lập quỹ đen. Tôi muốn xin lỗi cô ấy, vừa để vợ được yên tâm và tự tin hơn khi ở nhà chồng, không cần phải cố gắng nín nhịn nữa. Tôi dặn vợ lấy tiền lãi mà mua sắm, còn tiền ăn uống, sinh hoạt tôi sẽ đưa cho vợ cầm, cô ấy thích ăn gì cứ mua mà bồi bổ.
Mẹ tôi thì bảo tôi chiều vợ quá, có mang thai thôi mà cũng làm quá, phụ nữ ai chẳng sinh con. Tôi không hiểu sao mẹ là phụ nữ mà lại nghĩ như vậy? Tôi thấy khi mang bầu chính là quãng thời gian cần được quan tâm chăm sóc, có đúng vậy không?
Ngày vợ ra viện, tôi bảo cô ấy nghỉ hẳn việc ở chỗ chị gái, ở nhà dưỡng thai. (Ảnh minh họa)
Phụ nữ mang thai cần được chăm sóc tốt về cả thể chất lẫn tinh thần
Khoảng thời gian mang thai là một khoảng thời gian hạnh phúc nhưng cũng đầy mệt mỏi và khó khăn đối với mỗi người mẹ. Thời điểm này mẹ hãy chăm sóc bản thân thật tốt cả về tinh thần lẫn thể chất, đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh, chào đời bình an, là một em bé vui tươi.
1. Chế độ dinh dưỡng cân bằng
Dinh dưỡng trong thai kỳ rất quan trọng trong việc ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh, giúp cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Mẹ phải bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất thiết yếu: canxi, axit folic, sắt và protein. Đồng thời, thai phụ cần cân bằng các nhóm thực phẩm: rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa, thực phẩm giàu protein (thịt, cá, trứng, đậu…).
2. Chế độ vận động phù hợp
Mẹ bầu nên duy trì chế độ luyện tập từ 3 - 4 lần/tuần với các hoạt động phù hợp như đi bộ, đạp xe, yoga, bơi lội... Điều đó không chỉ giúp mẹ “bầu khỏe, bầu đẹp” mà còn cải thiện sự dẻo dai, sức đề kháng, chuẩn bị tinh thần và thể chất cho sứ mệnh “vượt cạn” thiêng liêng.
Thời gian tập thể dục lý tưởng là 30 - 40 phút. Tuy nhiên, thời lượng này nên được xác định bằng cảm giác của mẹ bầu. Hãy vừa luyện tập vừa lắng nghe cơ thể, để biết chính xác tập bao nhiêu là vừa đủ. Đặc biệt mẹ bầu không nên làm các công việc nặng nhọc, quá sức nhé.
3. Nghỉ ngơi và thư giãn
Stress chính là “kẻ thù” của phụ nữ mang thai. Stress làm rối loạn lượng đường và insulin trong máu, gây ra các vấn đề về sinh sản, có thể dẫn đến trầm cảm, lo lắng và béo phì sau sinh.
Ước tính ít nhất 80% các vấn đề sức khỏe đến từ tâm lý của các phụ nữ sắp làm mẹ. Mẹ hãy chọn cho mình một liệu pháp thư giãn phù hợp nhằm loại bỏ stress, có thể kể đến như thiền, các bài tập thở, viết nhật ký, trò chuyện, sắp xếp cuộc sống trở nên tinh giản hơn để tận hưởng từng giây phút thảnh thơi trong thai kỳ.
4. Tạo môi trường sống lành mạnh
Trong bụng mẹ, trẻ đã tiếp nhận các tín hiệu cảm xúc và tác động từ môi trường sống bên ngoài. Thế giới bên ngoài càng trong lành thì thế giới bên trong nuôi dưỡng bé sẽ càng yên bình.
Mẹ bầu cần tránh môi trường sống độc hại, nơi không khí ô nhiễm, nhiều tiếng ồn, những cơn cãi vã… Đồng thời bạn hãy tạo lập môi trường sống lành mạnh thông qua đa dạng hoạt động: đọc sách, nghe nhạc tiết tấu chậm, hòa mình với thiên nhiên...