Nếu nói bà nội vì xót cháu đau 1 thì thân làm mẹ, cô ấy chắc hẳn phải đau gấp trăm gấp ngàn lần.
Là cha mẹ, ai lại không muốn mình con mình chào đời nguyên vẹn và khỏe mạnh. Thế nên, trong suốt 9 tháng 10 ngày, mẹ bầu luôn cố gắng mang đến những điều tốt nhất cho thai nhi. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn, bởi có nhiều biến chứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thai kỳ.
Ôn Noãn (24 tuổi, sống ở Thanh Đảo, Trung Quốc) gặp chồng khi hai người cùng làm chung một tòa nhà nhưng khác công ty. Sau nửa năm kết hôn, cô vui mừng thông báo mình đang mang thai. Ngay lập tức, mẹ chồng cô đã khăn gói từ quê lên thành phố sống cùng nhà để tiện chăm sóc cho con dâu.
Những lần khám thai đầu tiên bác sĩ đều thông báo em bé phát triển tốt, khỏe mạnh, sức khỏe của Ôn Noãn cũng ổn định vì cô không bị nghén nặng như các bà bầu khác. Song, trong lần siêu âm 4 chiều ở tuần 20, bác sĩ báo rằng chân của thai nhi đang bị một sợi dải nước ối vướng vào.
Ôn Noãn đã rất buồn khi bác sĩ thông báo thai nhi bị hội chứng dải sợi ối, cô còn phải sinh mổ trước 32 tuần để tránh chân con bị hoại tử quá nặng (Ảnh minh họa)
Bác sĩ giải thích đây là được gọi là "hội chứng dải sợi ối" hiếm gặp, mô tả tình trạng một phần màng ối của người mẹ bị vỡ nên có nhiều thứ trôi nổi trong nước ối, điển hình nhất là các dải sợi. Nếu chẳng may một trong những dải sợi này quấn vào chân tay hay cơ thể của thai nhi như kiểu người ta dùng một sợi dây buộc lại thì máu sẽ bị chặn, dẫn đến hoại tử một phần thân thể.
Nghe những lời này, Ôn Noãn rất buồn. Khi về nhà cô kể lại cho chồng và mẹ chồng nghe, cả hai người dù buồn nhưng vẫn cố gắng an ủi mẹ bầu. Để bớt lo lắng và suy nghĩ nhiều, Ôn Noãn lại dành thời gian đan móc mũ, bao tay và giày cho con bằng len. Đối với cô, đây không đơn giản là cách “giết thời gian” hay giải tỏa tâm trạng, mà nó còn là phương thức để cô gửi gắm mong ước con mình bình an khỏe mạnh, lành lặn đến với thế giới.
Do dải sợi ối ngày càng quấn chặt vào 3 ngón chân bên bàn chân trái của thai nhi nên bác sĩ bắt buộc phải chỉ định Ôn Noãn sinh mổ bắt con trước 32 tuần. Mẹ chồng cô vốn dĩ muốn con dâu sinh thường cho cháu được thông minh, nay nghe tin không những phải sinh mổ mà còn là sinh non nữa nên đã không ngần ngại mắng chửi Ôn Noãn suốt dọc đường từ nhà đến bệnh viện đi sinh.
Ngay cả khi con dâu đã vào phòng mổ, bà vẫn ở ngoài không ngừng ca thán với những lời lẽ khó nghe về Ôn Noãn. Sau khi em bé chào đời, bác sĩ chỉ thông báo tình hình với người nhà sau đó vội vàng chuyển bé qua phòng nhi nằm theo dõi, cần thiết sẽ làm phẫu thuật cắt cụt chi.
Vì bị sợi ối quấn quanh 3 ngón chân nên chân của con Ôn Noãn cần được theo dõi, điều này càng khiến mẹ chồng cô mắng con dâu nặng lời (Ảnh minh họa)
4 tiếng sau, y tá mới đẩy Ôn Noãn ra khỏi phòng hồi sức. Vừa thấy con dâu, mẹ chồng Ôn Noãn đã tiến đến và tát con một cái “cháy má”. Bà bảo: “Tôi đã bảo cô rồi, đang có bầu thì đừng có khâu vá đan móc cái gì. Thế mà cô không nghe tôi. Cô nhìn đi, cô ham móc len nên con cô thành người tàn tật. Cô biết chưa?”.
Mặc cho chồng Ôn Noãn, bác sĩ và mọi người xung quanh giải thích nhưng bà vẫn không nguôi giận. Cuối cùng, ông xã cô đành chở bà về nhà nghỉ ngơi. Còn nước mắt Ôn Noãn không ngừng rơi. Con vừa chào đời đã phải chịu nhiều đau đớn như thế, người làm mẹ như cô còn đau hơn gấp ngàn lần.
Hội chứng dải sợi ối là gì?
Theo bác sĩ, hội chứng dải sợi ối (Amniotic Band Syndrome - ABS) hay còn được biết đến với các tên gọi khác như hội chứng dải màng ối, vòng thắt bẩm sinh là một tình trạng hiếm gặp ở thai nhi với tỷ lệ mắc là từ 1/1200 – 1500 trẻ.
Thông thường, màng ối có 2 lớp: màng trong và màng ngoài. Song, vì một lý do nào đó, mà lớp màng trong ối bị vỡ ra khiến các dây màng ối lơ lửng trong túi ối. Nếu chẳng may các sợi dải ối này vô tình quấn vào các bộ phận của thai nhi sẽ khiến phần cơ thể đó không thể lưu thông máu, từ đó dẫn đến dị tật như dính ngón, khèo chân, cụt chi… Thậm chí, có một số trẻ vừa chào đời đã phải phẫu thuật cắt bỏ chân tay do bị hoại tử.
Còn nếu sợi dải ối bám vào đầu, mặt, cổ thì sẽ dẫn đến các dị tật như sứt môi, hở hàm ếch. Nguy hiểm hơn nữa là khi những sợi dây này bám vào dây rốn hoặc thân mình, gây cản trở cắt đứt nguồn cung cấp máu thì thai nhi sẽ bị chết lưu.
Siêu âm là cách hiệu quả nhất để chẩn đoán hội chứng dải sợi ối. Vì vậy, đi khám thai thường xuyên, đúng định kỳ chính là cách thức để các bác sĩ dễ dàng phát hiện ra em bé có bị mắc phải hội chứng nguy hiểm này hay không. Nếu chẳng may thai nhi bị hội chứng dải sợi ối, bác sĩ sẽ theo dõi và có phương án thích hợp cho từng thời điểm.