Tôi không tức mẹ ruột của mình, mà là tức mẹ chồng đã "chiều hư" cháu.
Tôi không biết các bậc phụ huynh khác có quan điểm như thế nào về việc "trả tiền" để con làm việc nhà, nhưng ngày nay trong nhiều gia đình, tôi thấy "xu hướng" này khá thịnh hành. Và tôi thực sự không đồng tình với cách nuôi dạy con trẻ như vậy của người lớn chúng ta. Dẫu vậy thì tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến phương pháp giáo dục như thế lại được áp dụng trong chính gia đình của mình.
Chuyện là, chỉ còn vỏn vẹn 10 ngày nữa là đến Tết, tôi và chồng chạy đôn chạy đáo với những chuyến công tác xa nhà để kịp xử lý xong công việc cho cuối năm. Không có thời gian chăm sóc cậu con trai đang học tiểu học, tôi đành gửi thằng bé về nhà ngoại ít hôm.
May mắn tôi lấy chồng cùng quê nên nội ngoại của Kít khá gần nhau, mỗi khi công việc nhiều thì vợ chồng tôi đều được bố mẹ hai bên hỗ trợ chăm cháu. Lần trước tôi đã gửi con trai về bên nhà chồng nên lần này tôi nhờ qua ông bà ngoại thằng bé.
Bố mẹ ruột tôi là giáo viên đã về hưu nên hiện tại rảnh rỗi ở nhà, lâu lâu có mấy đứa cháu về ở lại ông bà cũng vui lắm. Vả lại Kít nhà tôi cũng đã lên lớp 5, tôi tự tin thằng bé có thể tự chăm sóc bản thân, không gây phiền hà cho ông bà ngoại quá nhiều.
Ảnh minh hoạ.
Nghĩ vậy nhưng tôi nào có ngờ, vừa gửi con trai về ngoại chưa được một ngày thì thằng bé điện thoại khóc lóc đòi về. Tôi boàng hoàng không biết đứa trẻ gặp vấn đề gì, chỉ nghe con vừa khóc vừa nói muốn qua ở với ông bà nội, không muốn ở với ông bà ngoại nữa.
Để biết rõ nguyên nhân, tôi đã điện cho mẹ ruột nói chuyện, sau đó mới nắm tường tận vấn đề. Nhưng lúc này tôi không cảm thấy tức giận vì mẹ ruột, mà là vì chính người mẹ chồng của mình. Theo đó bà ngoại Kít đã kể rằng:
- Kít đi học về là ôm tivi, điện thoại, quần áo thay ra không xếp gọn mà quăng tứ tung con ạ. Mẹ muốn cháu nó bớt chăm chăm vào màn hình nên tập cho thằng bé rửa bát, quét nhà, lau chùi bàn ghế để đón Tết. Nào ngờ Kít lại ra điều kiện, nếu cháu làm tốt công việc nhà thì bà phải thưởng tiền.
Ảnh minh hoạ.
Thằng bé còn bảo rằng, bà nội luôn làm như thế nên bà ngoại cũng phải có phần thưởng thì nó mới chịu làm. Mẹ không đồng tình với cách "treo thưởng" này của mẹ chồng con. Đó là lý do mà mẹ từ chối, mẹ cũng đã giải thích rõ ràng cho Kít hiểu nhưng thằng bé lại mặt nặng mày nhẹ, không chịu làm việc, nhất quyết đòi qua ở với ông bà nội chứ không thích ở cùng ông bà ngoại nữa.
Nghe xong điều này tôi vô cùng bực bội trong người, làm sao mà mẹ chồng tôi lại nghĩ ra được phương pháp như thế cơ chứ. Đây chẳng phải là bà đang dạy hư cháu hay sao, nếu để thành thói quen thì chả lẽ khi làm bất kỳ việc gì, thằng bé cũng đòi hỏi và đưa ra điều kiện với bố mẹ, ông bà? Các mẹ nghĩ có đúng thế không?
Tâm sự từ độc giả bichnhung...@gmail.com
Việc bố mẹ thưởng tiền để con làm việc nhà là một phương pháp nuôi dạy được áp dụng trong nhiều gia đình. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về tính đúng hay sai của phương pháp này, mỗi bậc bố mẹ cần xem xét cả những lợi ích và hạn chế của nó.
Một trong những lợi ích của việc thưởng tiền để con làm việc nhà là khuyến khích tính trách nhiệm. Khi trẻ nhận được tiền thưởng vì hoàn thành công việc nhà, điều này có thể khuyến khích trẻ phát triển tính trách nhiệm và khả năng tự quản lý. Trẻ học được cách hoàn thành nhiệm vụ, và nhận được sự đánh giá xứng đáng cho công sức mà mình đã bỏ ra.
Một lợi ích khác là việc thưởng tiền có thể giúp trẻ học về quản lý tài chính. Khi nhận được tiền thưởng, trẻ có cơ hội học cách tiết kiệm, chi tiêu và thiết lập mục tiêu tài chính. Điều này giúp trẻ hiểu rõ hơn về giá trị của tiền bạc và cách sử dụng nó một cách hợp lý, có trách nhiệm.
Ngoài ra, việc thưởng tiền cũng có thể giúp xây dựng giá trị lao động cho trẻ. Trẻ sẽ hiểu rõ rằng, muốn kiếm ra tiền thì phải đánh đổi bằng sức lao động và sự cống hiến của mình. Giá trị đồng tiền sẽ tương xứng với giá trị lao động. Điều này có thể giúp trẻ phát triển ý thức làm việc chăm chỉ, nhiệt huyết, trách nhiệm và lòng tự hào về thành quả do chính mình tạo ra.
Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần lưu ý rằng việc thưởng tiền để con làm việc nhà cũng có một số hạn chế. Một trong những hạn chế đó là xung đột giữa trách nhiệm và tiền thưởng. Nếu trẻ chỉ làm việc vì tiền thưởng, có thể dẫn đến việc trẻ không hiểu rõ về trách nhiệm và ý nghĩa thực sự của lao động.
Trẻ có thể trở nên phụ thuộc vào tiền thưởng và không thực hiện công việc một cách tự nguyện. Điều này gây ra sự mất cân bằng giữa việc thực hiện công việc chỉ vì tiền, và việc hiểu, cũng như đảm nhận trách nhiệm gia đình.
Việc thưởng tiền cũng có thể làm cho những đứa trẻ tập trung quá mức vào giá trị tài chính, làm mất đi cơ hội để phát triển các giá trị phi tài chính như lòng biết ơn, tình yêu thương và trách nhiệm xã hội.
Hơn thế nữa, việc quản lý công việc gia đình và phân chia tiền thưởng có thể gây ra tranh cãi, mâu thuẫn trong gia đình. Bởi vấn đề này đòi hỏi bố mẹ phải có sự công bằng, sáng suốt và minh bạch để xác định giá trị công việc cũng như tiền thưởng tương ứng.