Chị yên tâm, em và các bố mẹ vẫn bảo nhau không cần kiện cáo lên Sở vì chẳng có bản án nào sâu sắc hơn bản án lương tâm.
Những ngày qua, sự việc bé gái Phạm Phương A. (trường Tiểu học An Đồng, An Dương, Hải Phòng) nói chuyện trong lớp, nên bị cô giáo chủ nhiệm là Nguyễn Thị Minh Hương bắt uống nước giặt giẻ lau bảng đã gây phẫn nộ lớn trong dư luận, đặc biệt là cộng cồng cha mẹ phụ huynh học sinh cả nước.
Giữa khi những giằng co phân xử giữa gia đình bé P.A và cô giáo vẫn chưa ngã ngũ, nhiều cha mẹ lại dấy lên một cuộc tranh luận nữa xoay quanh chuyện nên ứng xử ra sao, làm thế nào khi rơi vào trường hợp con mình bị giáo viên bạo hành, "trù úm".
Bà nội cháu Phương A rất buồn khi biết cháu bị cô bắt uống nước giẻ lau bảng
Dưới đây là bài viết kể lại những trải nghiệm và tâm tư của TS. BS Phạm Thị Việt Hương (sinh năm 1973) - hiện đang công tác tại khoa Nhi, bệnh viện K Trung Ương hiện đang tạo được sự đồng cảm lớn từ cư dân mạng.
Bản thân cũng là một người mẹ từng có con trai lớp 3 bị cô giáo miệt thị, rơi vào tình trạng khủng hoảng, sợ đi học, chị Việt Hương bày tỏ sự đồng cảm với cha mẹ bé gái P.A, đồng thời khuyên gia đình bé nên "tha thứ" cho cô giáo và để mọi việc lắng xuống.
TS. BS Phạm Thị Việt Hương.
Được sự đồng ý của TS. BS Phạm Thị Việt Hương, xin đăng tải nguyên văn bài viết của chị:
Duy dành phần lớn thời gian trong ngày chỉ để ăn từng thìa sữa suốt từ khi sinh ra đến tận hơn 5 tuổi. Cho đến khi sắp đi học lớp 1, Duy vẫn chưa ăn được cơm. Vì thế, trong khi các bạn đọc thông viết thạo thì Duy bắt đầu đến trường với số 0 tròn trĩnh.
Duy thông minh, nhạy cảm, có phần non và ngây thơ hơn các bạn cùng lớp. Bố mẹ Duy đến gặp cô chủ nhiệm đề nghị cô coi Duy như tất cả các bạn, không muốn Duy được ưu ái hơn, càng không cần Duy đáng thương.
Bỗng nhiên nhiều tuần liền Duy bị điểm kém. Bố hay cáu và đánh đít Duy. Một đêm, Duy nói muốn tâm sự với riêng mẹ. Với sự gợi mở của mẹ, Duy kể rằng Duy không muốn đi học, về nhà thì bị bố mắng, đến lớp thì bị cô giáo quăng vở, ném sách vào mặt, cô nói rằng những bạn có tên sau đây trong đó có Duy tốt nhất là bảo bố mẹ xin cho về lớp cũ, không theo được lớp chọn này đâu, rồi cô thấy Duy nộp mỗi 5000 đồng từ thiện thì cô nói trước lớp rằng cô chưa bao giờ gặp gia đình nào chỉ nộp từ thiện keo kiệt như thế, cô ngày nào cũng mắng Duy học dốt...
Duy vừa tâm sự với mẹ vừa cố kìm nén tiếng khóc nức nở. Mẹ bàng hoàng đau đớn như ai bóp nghẹt tim mình. Rồi mẹ bình tĩnh an ủi Duy. Nhưng mẹ vẫn phân tích cho Duy hiểu theo hướng tử tế và bao dung. Mẹ nói cô giáo muốn Duy ngoan, muốn Duy học giỏi nên cô giận dữ như vậy. Mẹ sẽ cùng Duy cố gắng lên nhé.
Ngày hôm sau, bố Duy đến trường gặp cô. Rất tiếc rằng cô đã kẻ cả như người đang đi ban ơn nên cô không thèm tiếp. Thậm chí cô gọi điện cho mẹ Duy kêu gào rằng mẹ Duy lên mà xem, bố Duy đang nói cô đây này.
Tối đó, mẹ một mình lên nhà cô, định chân thành bàn luận với cô cách giảng dạy cho Duy sao cho phù hợp vì Duy chỉ là đứa trẻ lớp 3, Duy cần được đối xử công bằng thay vì bị khinh thường. Cô không cho mẹ Duy gặp mặc dù mẹ Duy chờ dưới sân nhà cô đến tận khuya.
Bố mẹ hiểu rằng không thể tiếp tục để Duy học ở môi trường thiếu kỹ năng sư phạm như vậy. Bố mẹ lẳng lặng chuyển trường cho Duy mặc dù vào thời điểm đó điều kiện kinh tế của gia đình rất khó khăn và không biết liệu quyết định chuyển trường là đúng hay sai.
Duy sang trường mới như được hồi sinh. Ở đây, Duy được tôn trọng, bình đẳng như tất cả các bạn. Mặc dù Duy nói hơi ngọng nhưng Duy vẫn được vào đội hát đồng ca. Tham dự lễ khai giảng, Duy trong đội rước hồng kỳ, nỗi đau của mẹ Duy như còn rất mới, nước mắt tuôn rơi.
Duy đi học với niềm yêu thích trường học, bạn bè, ngưỡng mộ thầy cô giáo mới. Có lần Duy được cô dạy tiếng Việt thưởng 40.000 đồng, Duy mua bánh rán về cho bố mẹ và anh Đạt với niềm vui ríu rít suốt buổi tối. Có tháng Duy được các bạn bầu là Ngôi sao của tháng. Duy được giải Thám hoa trong kỳ thi Trạng nguyên. Duy được giải Huy chương đồng thi Toán quốc tế Singapore, rồi Duy được giải Nhì thi Violympic Toán cấp quận...
Niềm hạnh phúc nhất của bố mẹ không phải ở chỗ Duy được giải này giải nọ mà là ở chỗ Duy vui khi đi học, Duy yêu quý tất cả các thầy cô giáo. Mẹ thường nói với Duy "Các thầy cô luôn luôn yêu thương con và các bạn, con thật may mắn".
Mẹ không bao giờ quên dòng tin nhắn mẹ đã nhắn cho cô giáo lớp 3 của Duy vào ngày cuối cùng Duy rời trường cũ "Chị ạ, em là mẹ của bé Duy. Ngày hôm nay chị có phát hiện trong lớp trống một chỗ ngồi không? Và chị có thấy hụt hẫng không?
Chị đã đối xử với con em và 6 đứa trẻ nữa quá tàn nhẫn. Khi ban ơn cho học trò như vậy, chị đâu biết các bố mẹ chúng đều là những người hiểu biết và có địa vị trong xã hội nhưng vì tôn trọng cô giáo của con mà họ phải nhún mình trước chị.
Em đâu cần chị ưu ái con em, chỉ mong chị coi nó là đứa trẻ bình thường. Ai ngờ chị tàn nhẫn quá. Chị có thể thành công sản xuất ra những robot giỏi toán nhưng em cần con em là người tử tế, vì thế nó đến trường để học làm người chứ không chỉ học kiến thức.
Tại sao chị không nghĩ rằng nhờ có các con mà chị mới được làm nghề ~ cái nghề mang đến cho chị đồng lương để sống, mang vinh quang đến cho chị. Tất cả là nhờ học trò. Tại sao chị không nghĩ chị cần chúng? Thay vì ban ơn cho chúng.
Chị ạ. Chị đã làm 7 đứa trẻ sợ hãi không dám đến lớp, đã làm 7 bố mẹ đau đớn. Em tha thứ cho chị mặc dù chị không hề xin lỗi vì em muốn con em lớn lên trong sáng, giữ mãi niềm tin vào các thầy cô giáo.
Chị yên tâm, em và các bố mẹ vẫn bảo nhau không cần kiện cáo lên Sở vì chẳng có bản án nào sâu sắc hơn bản án lương tâm. Em không giận chị. Em chỉ thấy tiếc".
Bốn năm qua, Duy của mẹ được hồi sinh hoàn toàn. Trái tim của mẹ cũng không còn đau đớn. Mẹ thôi chờ đợi lời xin lỗi của cô. Câu chuyện qua đi nhẹ nhàng và Duy của mẹ vẫn hồn nhiên trong sáng, vẫn đi học như thể hạnh phúc nhất.
Mẹ cũng phẫn nộ tột đỉnh khi đọc câu chuyện về cô giáo ép buộc trẻ uống nước giặt giẻ lau bảng. Đó là hành động phi nhân tính. Bạn PA bằng tuổi Duy ngày đó. Nhưng mẹ muốn nói với gia đình PA rằng: "Cách tốt nhất xóa nhòa nỗi đau cho PA là đừng tiếp tục để truyền thông khai thác, đừng để đám đông bức xúc chửi rủa cô giáo và toàn ngành giáo dục. Hãy tha thứ cho cô. Chỉ có chính cô, bằng sự chân thành yêu thương mới có thể vá lại vết thương cho PA và cho chính cô. Tha thứ là cách xoa dịu nỗi đau của mình"