Khi một đứa trẻ mắc sai lầm, đương nhiên mẹ sẽ giận, sẽ bực. Vậy nhưng trong cơn nóng giận đấy, đừng vội vàng buông ra những câu nói "sắc nhọn".
Khi trẻ em phạm sai lầm, nhiều bậc cha mẹ không làm gì khác ngoài việc mỉa mai con. Cha mẹ có thể làm con tổn thương sâu sắc con cái chỉ bằng một lời nói.
Có muôn vàn cách nói khi con tức giận, nhưng hy vọng mẹ đừng nói những câu này:
"Mẹ đã bảo con rồi!"
Con không chịu cầm que kem cẩn thận, kết quả khiến kem rơi xuống đất. Con mải chạy nhảy, kết quả bị vấp ngã trên đường... Trong trường hợp này, các bà mẹ hay nói quá nhiều những câu "Mẹ đã bảo con rồi", "Đáng lẽ ra con nên", "Đấy con thấy chưa"... Những câu nói quen thuộc với mục đích giáo huấn trẻ nhỏ, tuy nhiên trên thực tế, khi "giáo huấn" lúc con mới phạm sai lầm, lại chẳng mang lại tác dụng gì.
Thực tế, trẻ em trong hoàn cảnh này đang cần được yêu thương nhất. Kết quả lời mẹ nói lại khiến con cảm thấy tồi tệ hơn.
Trong tình huống này, nếu về sau có gặp, mẹ nên bày tỏ sự quan tâm đến con trước "Con có đau không"... sau đó hãy nhắc nhớ con chú ý lần sau.
"Thế này thì sau lớn lên làm được tích sự gì!'
Một số cha mẹ, chỉ bởi vì con mắc sai lầm nhỏ, ngay lập tức "phán đoán tương lai" đứa trẻ bằng những câu như "Lớn lên thì làm được tích sự gì", "Thế này thì làm sao mà được trò trống gì".
Tất nhiên, cha mẹ nói những điều đó không thực sự cho rằng con lớn lên sẽ "vô dụng" mà chỉ muốn cho con thấy "môi trường khắc nghiệt" khi con lớn lên. Khi nói như vậy, ta yêu con và lo cho con nhưng con không cảm thấy đó là "tình yêu".
Trẻ em mất đi lòng tự trọng, sự tự tin trước mặt cha mẹ và sẽ càng trở nên khép kín hoặc nổi loạn. Nếu rơi vào tình huống tương tự, mẹ nên nói "Mẹ có thể giúp con", "Không sao, mẹ sẽ sẵn sàng đợi đến khi con lớn".... sẽ tốt hơn nhiều cho tâm trạng của trẻ, cũng khiến con nỗ lực hơn lần sau.
"Hồi bằng tuổi con, mẹ không bao giờ làm thế!"
Mẹ có chắc khi nói câu này? Có thể mẹ chưa từng làm thế hoặc đã làm mà quên. Nhưng nói với con chắc như tuyên ngôn thì thật không nên.
Lời nói như ngầm khẳng định mẹ giỏi hơn con nhiều khi ở tuổi của con dễ khiến trẻ tự ái. Lâu dần tạo tâm lý mặc cảm và suy nghĩ tiêu cực rằng mình làm việc gì cũng hỏng. Điều này ảnh hưởng xấu đến sự hình thành nhân cách.
Vì thế, khi trẻ làm sai điều gì, mẹ nên bình tĩnh chỉ dẫn làm lại từ đầu. Khuyến khích để trẻ tập trung hoàn thành từng phần việc nhỏ một, từ việc dễ đến việc khó. Tuyệt đối không nên cười chê, chế nhạo nếu chẳng may bé không tự mình làm được. Thay vào đó, mẹ nên tạo không khí vui vẻ để trẻ không bị căng thẳng.