Bánh tày nồng ệp vừa là thức quà ăn chơi vừa được dùng để làm món đồ cúng ngày lễ Tết của một số địa phương ở Quảng Ninh.
Bánh tày nồng ệp có thể gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Tài lồng ệp, bánh tổ, bánh cấu hay xì lồng cấu, cũng có người gọi rất hay là bánh tài lộc. Đây là một món ăn được xem như đặc sản của người dân tộc Sán Dìu ở Quảng Ninh. Dân tộc Sán Dìu sinh sống chủ yếu ở thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn... và rải rác một số tỉnh miền núi phía Bắc. Bánh tày nồng ệp cũng như các món ăn khác của người Sán Dìu, chúng được yêu thích cũng vì rất dân dã, dễ ăn và ngon miệng.
Bánh tày nồng ệp của người dân tộc Sán Dìu ở Quảng Ninh.
Theo chuyện kể của những người già thì người Sán Dìu vốn có truyền thống làm nông nghiệp giỏi. Bánh tài nồng ệp cũng được chế biến khéo léo từ chính các sản phẩm nông nghiệp được trồng, cấy. Bánh tài nồng ệp mang hình tròn không chỉ là món ăn ngon mà còn thể hiện tín ngưỡng thờ Trời - Đất của người Sán Dìu.
Thông thường, bánh được làm để cúng lễ hoặc thưởng thức trong những dịp đặc biệt như lễ, Tết, hội hè… Phổ biến nhất, bánh được làm vào dịp Tết Nguyên đán và dịp đầu xuân mới. Để làm bánh, người Sán Dìu lựa chọn những nguyên liệu, loại gạo ngon nhất được trồng cấy ở các mùa vụ trong năm.
Nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản nhưng cách thức làm món bánh có cái tên lạ tai này lại khá cầu kỳ và phải qua nhiều công đoạn. Trước đây người ta thường làm bánh bằng cách đong đếm 7 phần nếp 3 phần tẻ nữa, thay vào đó họ dùng bột nếp cùng đường phèn hoặc mật mía. Cứ 1kg bột là dùng 0,5kg đường, cạo mỏng, đường nấu chảy với một ít nước gừng giã dập rồi nhào bột với nước đường gừng vừa nấu.
Món bánh dễ bị nhầm với bánh bò Cao Bằng.
Công đoạn nhào khá mất thời gian, người làm bánh phải nhào đến khi thấy bột dẻo quánh không còn dính tay mới thôi. Sau đó dàn bánh lên lớp lá chuối, rắc lạc, vừng rang lên mặt bánh và thêm một lớp lá chuối khác, cuối cùng là cho bánh vào hấp.
Bánh hấp tốn từ 6 tiếng đến 8 tiếng với bánh mỏng, và khoảng 12 tiếng với bánh dày. Chỉ cần xiên thử đũa qua bột bánh để thử, nếu bột dính vào đũa là chưa chín. Khi thành phẩm đã được đem ra khỏi nồi hơi nước, trong làn khói là thoang thoảng mùi hương vừa thơm vừa ngọt của gừng và đường phèn.
Bánh tày nồng ệp có màu vàng nâu, trên mặt là lớp vừng lạc được rắc đều đặn trông rất ngon mắt. Nhiều người khi lần đầu nhìn thấy bánh tày nồng ệp và ăn thử có vị ngọt còn tưởng đó là bánh bò (đặc sản Cao Bằng).
Từng miếng bánh thơm phức.
Ngày nay, bánh tày nồng ệp được bán rải rác ở nhiều nơi ở Quảng Ninh, nhưng địa điểm phải kể đến các hàng quán dọc con đường đi lên đền thờ Trần Quốc Nghiễn (hay đền Cửa Ông) tại TP Cẩm Phả.
Trong đời sống người Quảng Ninh và đặc biệt là người dân tộc Sán Dìu, món bánh thơm dẻo này không chỉ là một thức quà ăn vặt, ăn chơi mà còn là thứ bánh để cúng những dịp lễ Tết. Khách đến nhà thăm hỏi, bánh tày nồng ệp còn đóng vai trò như thức quà vừa sang vừa nhã khi đưa đẩy được câu chuyện cùng với việc nhâm nhi cốc chè xanh.