Câu trả lời đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu.
Chạy bộ là một hình thức luyện tập thể dục tuyệt vời, thích hợp cho hầu hết mọi lứa tuổi. Chạy bộ dường như đã quá nổi tiếng với những lợi ích cho sức khoẻ như cải thiện sức khoẻ thể chất và cả tinh thần, giảm căng thẳng cũng như tăng cường tim, phổi,... Tuy nhiên, trong quá trình tập luyện bộ môn này, đôi khi, cơ thể bạn có thể gặp một vài vấn đề ảnh hưởng, đặc biệt là phần đầu gối. Có nhiều người vẫn thắc mắc rằng liệu đầu gối của họ bị ảnh hưởng gì khi phải thường xuyên luyện tập chạy bộ, liệu các cơ và xương có bị lão hóa sớm hay không?
Chạy bộ có gây đau đầu gối không?
Câu trả lời đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu.
Cụ thể, theo một nghiên cứu kéo dài gần 20 năm được đăng trên Thư viện Quốc gia Mỹ, trong khi dấu hiệu thoái hóa khớp gối xuất hiện ở 32% nhóm người không chạy bộ, thì với những người chạy bộ thường xuyên, tỷ lệ này chỉ ở mức 20%. Bên cạnh đó, một thống kê trên hơn 2.000 người cho kết quả, những người đang chạy bộ có nguy cơ đau đầu gối ít hơn 29% so với những người không chạy bộ. Ngay cả những người từng chạy bộ nhưng nay đã dừng chạy cũng ít bị đau đầu gối hơn những người chưa từng tập luyện bộ môn này.
Các nghiên cứu cho thấy người chạy bộ có ít nguy cơ đau đầu gối hơn.
Một nghiên cứu khác cũng được HealthDay News đăng tải, các nhà khoa học đã phân tích số liệu quá trình vận động thể lực của 2.600 người tình nguyện. Có 29% trong số người tham gia cho biết đã từng chạy bộ thường xuyên ở các độ tuổi từ 12-18, 19-34, 35 đến 49-50 tuổi trở lên. Nghiên cứu phát hiện những người từng chạy bộ thường xuyên ở khoảng thời gian nào đó trong cuộc đời thường có nguy cơ bị viêm khớp gối mạn tính thấp hơn nhiều so với những người không chạy bộ.
Thực tế, chạy bộ giúp trì hoãn sự khởi phát của các bệnh thoái hóa khớp. Các chuyển động sẽ tạo áp lực lên khớp, giúp sản sinh dịch khớp, duy trì khớp vận động. Theo các chuyên gia vật lý trị liệu, việc giữ cơ thể luôn vận động và khỏe mạnh có ý nghĩa quan trọng với sức khỏe xương khớp. Nếu cơ bắp đủ khoẻ, chúng sẽ chịu lực khi chạy, còn nếu cơ bắp không đủ khoẻ, các khớp sẽ gánh chịu lực. Tình trạng đau có thể xảy ra khi khớp chưa đủ khoẻ để đáp ứng với nhu cầu vận động của người chạy.
Theo các chuyên gia vật lý trị liệu, việc giữ cơ thể luôn vận động và khỏe mạnh có ý nghĩa quan trọng với sức khỏe xương khớp.
Nên làm gì để giảm đau đầu gối khi chạy bộ?
Dù nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc chạy bộ không hề gây tổn thương khớp gối. Tuy nhiên, trong quá trình chạy, đầu gối của bạn vẫn có thể bị đau, chấn thương, tăng nguy cơ thoái hóa nếu tập luyện sai cách, quá sức, chạy sai kỹ thuật.
Do đó, để giảm tối đa nguy cơ tổn thương đầu gối khi chạy bộ, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
Luôn khởi động làm nóng cơ thể
Kéo giãn cơ bắp, làm nóng cơ thể giúp khớp xương bắt nhịp được với sự thay đổi chuyển động khi chạy, tránh tình trạng căng cứng khớp, dẫn đến chấn thương. Một số bài tập khởi động đơn giản có thể áp dụng như đi bộ nhanh hoặc chạy chậm tại chỗ, xoay tròn hai cánh tay, vươn người sang trái/ phải...
Nên khởi động kỹ càng và chọn một đôi giày phù hợp khi chạy bộ.
Lựa chọn giày chạy phù hợp
Mang một đôi giày vừa vặn sẽ giúp người chạy tự tin và thoải mái sải chân, đồng thời hỗ trợ nâng đỡ khớp xương tốt hơn mỗi lần tiếp đất. Người chạy nên chọn đôi giày vừa với gót chân và có khoảng trống nhỏ xung quanh các ngón chân. Không chỉ lựa chọn đôi giày phù hợp, vận động viên nên thay giày mới sau mỗi 643-965km (400-600 dặm) hoặc sau khoảng 6 tháng nếu chạy bộ thường xuyên.
Lưu ý về dáng chạy
Dáng chạy cơ bản là tốt khi bạn nhìn thẳng về phía trước, duy trì tư thế tốt với cánh tay ở góc 90 độ trong khi sải bước nhanh với các cú tiếp đất bằng giữa bàn chân. Nếu bạn tiếp đất bằng gót chân, bạn sẽ dễ bị đau đầu gối.
Trang bị đai gối để bảo vệ khớp gối
Đối với những runners yêu thích những chặng chạy dài, có thể trang bị thêm những chiếc đai bảo vệ gối. Chúng sẽ giúp bảo vệ ổn định khớp gối của bạn và duy trì việc vận động được hiệu quả hơn.
Đai gối giúp bảo vệ ổn định khớp gối của bạn và duy trì việc vận động được hiệu quả hơn.
Khi lựa chọn đai gối, bạn nên lựa chọn kiểu dáng phù hợp nhu cầu vận động của bản thân. Thường những người muốn một phụ kiện gọn nhẹ sẽ chọn bó gối chỉ bó phần đầu gối dưới. Người cẩn thận hơn có thể lựa chọn bó gối cả phần trên và dưới gối. Người chọn phương án an toàn nhất sẽ chọn bó gối nguyên khối ôm trọn đầu gối. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều mẫu đai gối với mức giá đang dạng, từ 200.000 VNĐ đến hơn 1 triệu đồng. Tuỳ theo ngân sách và nhu cầu của mình, bạn có thể lựa chọn cho mình một mẫu phù hợp.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều mẫu đai gối với mức giá đang dạng, từ 200.000 VNĐ đến hơn 1 triệu đồng, tuỳ mẫu mã và thương hiệu.
Nếu bạn đã áp dụng đúng hầu hết các kỹ thuật khi chạy bộ nhưng vẫn gặp hiện tượng đau đầu gối và kéo dài. Có thể, cơ thể bạn đang báo hiệu cho bạn biết một vài vấn đề. Khi đó, bạn nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng sức khoẻ của mình.