Ngày 27/2 năm nay, Trung đoàn 52 Tây Tiến long trọng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, chị Bùi Phương Thảo, con gái út nhà thơ Quang Dũng ( tên thật là Bùi Đình Dậu) lại bồi hồi nhớ về cha, đại đội trưởng của Trung đoàn Tây Tiến năm xưa và những thăng trầm của bài thơ "Tây Tiến".
Là con gái út trong gia đình, nên có thể nói chị Phương Thảo được cha cưng chiều nhất và cũng hay tâm sự nhiều nhất. Chị Thảo kể: "Khi còn nhỏ, tôi được gần gũi với cha lâu nhất. Tôi rất hay quan sát bố viết bài hoặc giao du với bạn bè.
Nhà tôi ngày xưa ở phố Bà Triệu, nhà tuy nhỏ và nghèo, nhưng lại rất hiếu khách. Bố tôi thường hay có nhiều bạn bè đến chơi. Bây giờ nhớ lại, tôi thầm ước nếu hồi đó mà có những thước phim ghi lại thì đó là những thước phim vô giá.
Bởi lẽ, có rất nhiều nhân vật văn học điển hình của nước mình thường hay đến nhà tôi chơi, trong đó có bác Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Phạm Hổ, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, cô Xuân Quỳnh, họa sĩ Phan Kế An... Khách đến chơi nhà nhiều khi chỉ có đĩa lạc hay ít đậu phụ thôi, mà mọi người trò chuyện như ngô rang".
Nhà thơ Quang Dũng và cô con gái út Phương Thảo.
Gia tài tinh thần đầy ắp của người cha
Theo lời chị Thảo, bố chị mất đi không để lại của cải vật chất gì nhiều, nhưng để lại cho con cháu kho gia tài tinh thần đồ sộ. Trong số những đứa con tinh thần của nhà thơ Quang Dũng, bài thơ "Tây Tiến" được ông tâm đắc hơn cả. Nó có thể coi là đứa con cả khỏe mạnh nhất, vạm vỡ nhất.
Bài thơ "Tây Tiến" sau này được đưa vào sách giáo khoa và được nhiều thế hệ học sinh biết tới. Thế nhưng, ít ai biết rằng, khi nhà thơ Quang Dũng còn sống, bài thơ này đã từng bị "xét lại" vì cho rằng đi chiến đấu gian khổ mà lại mơ tưởng xa hoa, lãng mạn.
Chị Thảo cho biết, chỉ vì câu thơ "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" mà bài thơ của ông bị một số chỉ trích. Thế nhưng, ai cũng hiểu thời của của các cụ, toàn các thanh niên Hà Nội, những chàng trai được cho là giai cấp tiểu tư sản bỏ lại tất cả để đi theo kháng chiến, có xá chi đâu. Còn cái lãng mạn đó là bản chất, tích tụ trong con người. Chính sự lãng mạn đó đã khiến cho người lính quên đi mọi khó khăn gian khổ và vượt lên phía trước.
Chị Phương Thảo (ngoài cùng bên trái) và các CCB Tây Tiến
Sau này, với tư tưởng cởi mở hơn, bài thơ "Tây Tiến" đã được ghi nhận. Cho tới năm 1988, lần đầu tiên bài thơ "Đôi mắt người Sơn Tây" của ông được nhạc sỹ Phạm Đình Chương phổ nhạc và phát trên Paris by night, một video ca nhạc hải ngoại, cũng khiến nhà thơ lo lắng.
Chị Thảo nhớ lại: "Lúc đó ông hay lo sợ lắm. Rất may, đó thời kỳ đầu của cải cách mở cửa, nên tư tưởng cũng đã bắt đầu thoáng hơn. Chứ trước đó, câu thơ "Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương" trong bài thơ "Đôi mắt người Sơn Tây" cũng bị quy chụp là tơ tưởng đến một cô gái phương Tây nào đó..."
Thực ra, chị Thảo cho biết, sinh thời nhà thơ Quang Dũng cũng ít nói chuyện văn chương với con gái, cũng vì những lo lắng trên. Còn cô con gái Phương Thảo thì là một người mến mộ thơ ông, mà theo ngôn ngữ ngày nay gọi là "fan cuồng". Chị thuộc lòng các bài thơ của bố. Sau này, khi tham gia Câu lạc bộ văn nghệ sĩ Xứ Đoài, quê cha, chị mới biết nhiều hơn về bố mình qua câu chuyện của các bạn văn chương của bố.
Nhà thơ Quang Dũng qua con mắt của con gái Phương Thảo là một người cha mẫu mực, chịu thương chịu khó. Ông luôn giành những việc nặng nhọc nhất trong gia đình về mình vì ông bảo, ông là người khỏe nhất. Ông thường dậy từ 4 giờ sáng để đi lấy nước cho cả gia đình, trong khi mọi người vẫn đang chìm trong giấc ngủ.
Thơ và tranh đều đem tặng bạn
Chị Thảo bộc bạch, bố chị ít lưu lại những bút tích của mình và hay thường tặng cho bạn bè. Chính vì thế, sau khi nhà thơ mất, chị Thảo đã lặn lội tìm đến bạn bè cha với hy vọng tìm được di cảo của cha. Những bài thơ "Nhớ chuyện xa" hay "Cô gái mùa ổi"... là những bài thơ ông chép trong cuốn sổ tay tặng bạn học từ những năm 1940.
Trong cuốn "Nhà thơ Quang Dũng trong hồi ức của người thân", chị Thảo viết: "Cha tôi vốn là người không lưu tâm giữ lại những tác phẩm mình sáng tác, có những bài thơ làm xong thì tặng ngay cho người bạn mình quý mến hoặc tự tay chép thơ tặng nhưng lại chép vào sổ của bạn và quên mất mình đã có những bài thơ như thế..."
Cũng trong lần đi tìm di cảo của cha, chị Thảo đã được xem bức ảnh bà Giáng Kiều, nghệ sỹ trong đoàn kịch của Thế Lữ, tên thật là Kiều Dinh, một trong bốn chị em gái rất đẹp ở phố Hàng Bông những năm 1940, "người tình trong mộng" của người bạn thân. Chữ kiều trong tên bà Kiều Dinh ngày ấy được cho là nhà thơ "mượn" để làm danh từ chung trong bài thơ "Tây Tiến", làm nên một hình ảnh lãng mạn: "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm".
Một số bức ảnh tư liệu gia đình nhà thơ Quang Dũng
Ngoài ra, nhà thơ Quang Dũng có vẽ khá nhiều tranh, trong đó ông tặng bạn bè khá nhiều. Hiện nay, chị Thảo còn lưu giữ tại nhà một số bức tranh quý của ông như bức Mây đầu ô, Ba Vì...
Chị Bùi Phương Thảo, con gái út nhà thơ Quang Dũng sinh năm 1962. Chị hiện là Phó hiệu trưởng trường tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhằm tiếp nối ngọn lửa Tây Tiến, chị Thảo được các Cựu chiến binh (CCB) Tây Tiến bầu là Trường ban liên lạc CCB Tây Tiến. |