Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng có thể nếm thử loại hoa này mà phải đến tận miền Tây ăn mới đúng điệu.
Bông so đũa được xem là một đặc sản của miền Tây bởi vì nó xuất hiện nhiều và chủ yếu ở các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. So đũa hay là điền thanh hoa lớn, là một loài cây thuộc chi điền thanh (Sesbania) trong họ Đậu (Fabaceae). Nhìn bề ngoài bông điên điển và bông súng giống nhau, nhiều người lầm tưởng là một.
Với những người dân nơi đây, không ai là không biết đến bông so đũa và hương vị thơm ngon của những món ăn được chế biến từ loài cây này. Cây so đũa thường mọc hoang hoặc được trồng nhiều ở các vùng bờ quanh ruộng miệt sông nước miền Tây. Cây thon cao, thẳng, vỏ nhám, xù xì, nứt nẻ; trái nhỏ dài, hình dáng như chiếc đũa.
Bông so đũa trắng được đánh giá là ăn ngon hơn so với bông so đũa tím
Tuy nhiên bông so đũa tím cũng được ưa thích vì màu sắc bắt mắt
Đây là loại cây cho hoa hai màu trắng hoặc tím, mọc thành từng chùm và thường sẽ mọc ở trên cao. Hoa được sử dụng như một loại rau trong ẩm thực của nhiều nước. Những sắc tố trong hoa có tác dụng chống oxy hóa cao. Ngoài ra, so đũa còn có các thành phần khác như vitamin nhóm B, C, kali, sắt, chất xơ, đường bột...
Bông so đũa cũng giống như bông điên điển, được người dân miền Tây dùng làm rau xanh, làm thực phẩm cho bữa ăn gia đình. Vào mỗi mùa nước nổi, bông so đũa được người dân hái về nấu canh chua cùng với cá linh. Đây là món ăn ngon trứ danh, đặc sản mùa nước nổi ở miền Tây. Không chỉ có du khách trong nước mà du khách nước ngoài đi du lịch Việt Nam đến miền Tây Nam Bộ thử ăn món canh chua cá linh bông so đũa cũng phải tấm tắc khen ngon, dù trước đó hơi khó ăn một chút.
Bông so đũa cùng nhiều loại rau khác thường xuất hiện trong những bữa ăn của người miền Tây
Ngoài canh chua cá linh, bông so đũa còn được người miền Tây dùng để làm rau ăn lẩu cùng với các loại rau khác như chuối, cúc, cà chua, cải… hoặc chấm với mắm kho, hoặc nấu canh chua với cá lóc, tôm tép… Nhiều vùng ở miền Tây Nam Bộ cây so đũa phát triển, trổ hoa nhiều, người dân hái về rửa sạch luộc hoặc xào, hấp…
Bông so đũa có vị hơi đắng, nhưng hậu ngọt, tính mát. Khi chế biến món ăn, hoa sẽ không có vị nhẫn nếu được lặt bỏ nhụy, đài và cuống. Tuy nhiên, vị nhẫn lại là nét đặc trưng của bông so đũa. Hoa phải được hái vào buổi sáng sớm khi các cánh hoa còn mơn mởn để có vị tươi ngon đặc trưng.
Bông so đũa thường dùng để nhúng lẩu, nấu canh, xào, luộc,... đều rất ngon
Nếu như các món như canh chua bông so đũa nấu với tôm, cá lóc, khế, cá rô… hay lẩu chua có thêm hoa chuối, các loại rau thơm… thường là món ăn khoái khẩu của người miền Tây thì hiện nay bông so đũa luộc riêng hoặc luộc chung với nhiều loại rau củ quả khác và chấm mắm kho quẹt lại rất được người dân phố thị yêu thích. Chính vì thế mà nhiều nhà hàng, quán ăn đều đưa món bông so đũa luộc vào thực đơn để thêm sự lựa chọn mới cho các thực khách.
Bông so đũa khá mong manh, dễ nát nên khi nấu hay xào, kho cũng chỉ cho vào vài phút để giữ được vị giòn ngọt. Hoa có thể nấu canh chua với cá, tôm; ăn sống kèm với các món lẩu, mắm; trộn gỏi hay muối dưa... tạo nên hương vị đồng quê, dân dã, thơm ngon.