Loài rau nhiều người nhổ bỏ lại cực hợp với món canh, món xào, đặc biệt mì tôm nấu rau này lại có thể gây nghiện.
Chắc hẳn nhà ai có vườn rau cũng không xa lạ với loại rau chẳng trồng mà có này. Một số nhà để lại vì nghĩ hợp với món canh tập tàng... một số lại nhổ bỏ vì với họ không hợp thì đơn giản chỉ là cỏ nhổ đi. Đó chính là rau tầm bóp.
Trên diễn đàn về ẩm thực, chị Trần Thu đã tâm sự về loài rau tầm bóp: "Trên đời, vạn vật đều có ưu khuyết riêng của mình. Thị Nở không đẹp, nhưng thị có tài nấu cháo hành tuyệt đỉnh công phu có thể thức tỉnh bản tính làm người nơi Chí Phèo... Với các loại rau, tầm bóp không có cái giòn ngọt của cải bắp, giòn tan của xà lách, mĩ miều lúc qua đông của cải cúc, tràn đầy nhựa sống của su hào... Vậy bạn ấy có gì ngoài đắng đót lúc chạm vào lưỡi đầu tiên? Đừng ngó lơ bạn nhé! Tầm bóp có vị ngọt mãi đọng lại nơi cuống lưỡi ạ."
Chị Thu chia sẻ rau tầm bóp cực hợp với món canh tập tàng thanh mát, xào tỏi như xào rau muống... hoặc bạn cứ thử hái vài nắm nhúng lẩu xem sao! Nếu có nghiện thì cũng đừng đổ tội cho người mách nước.
"Ngày sinh viên, mình thường hay ra đồi sau nhà trọ hái rau tầm bóp về nấu với mì tôm, vừa cứu đói vừa bổ sung thêm chất xơ và vitamin... Rồi tầm bóp cứ vậy theo mình 20 năm nay.... khách đến nhà mình đầu năm bao giờ cũng được thưởng thức món lẩu thịt bò nhúng rau tầm bóp. Thành nghiện luôn đấy nhé! Nhiều anh chị ăn xong cứ ngó xem còn không xin về nhà ăn tiếp.", chị Thu kể.
Tranh thủ lúc chưa mưa rào, ăn rau tầm bóp cho ngọt ngào đầu xuân. Ngặt nỗi, năm nay dịch dã, chợ Viềng không mở, vắng khách xuân đến nhà ăn lẩu thịt bò. Nên đành ôn lại kỉ niệm xưa với món mì trứng chần rau tầm bóp.
Rau tầm bóp, loại rau không trồng mà có. Đặc tính của rau: trước mưa rào nhiều ngọt ít đắng; sau mưa rào nhiều đắng ít ngọt.
Tranh thủ lúc chưa mưa rào, hái nắm rau xanh vào ăn cho mát.
Mì trứng chần rau tầm bóp. Chần mì qua nước đun sôi 1p cho bớt các phụ gia và lượng dầu chiên trong sợi mì. 1 trứng chần đun sôi 2-3p có lòng đào(quả bao trong lòng trắng nhiều hơn) 1 trứng chần kĩ 5-6p lòng đỏ chín hơn, giữa dẻo bùi. Rau chần nước sôi lớn 2p là ngon nhất.
Thêm chút núc nắc muối măng và cà đắng. Vẫn mang đậm vị Tây Bắc trong bát mì. Bát mì đủ vị: chua, cay, ngọt, bùi ... nơi cuống lưỡi.
Lòng đỏ quả chần 3p: ngọt ngậy, thơm mùi trứng.