Bằng ngòi bút sắc sảo của tác giả Lê Anh Hoài, hiện thực xã hội hiện lên vừa méo mó, vừa khuôn khổ trong "Trinh nữ ma-nơ-canh"
Trinh nữ Ma-nơ-canh như tên gọi của truyện ngắn làm tên chung của tập, báo hiệu màu sắc hiện thực huyền ảo của lối viết Lê Anh Hoài. Hiện thực rõ rệt ở khía cạnh tác giả khai thác những tình huống đời sống, những sự tầm thường của đời viên chức thành phố, những mối tình nước đường nhạt nhẽo. Nhưng những biến cố đời sống mà các truyện trong tập tóm lấy đều hiện lên dị thường, quái lạ, dưới những mũi dao phẫu thuật lạnh lẽo và sắc cạnh.
Bìa sách "Trinh nữ Ma-nơ-canh"
Những đồ vật vô tri như ma-nơ-canh ở cửa hàng váy cưới suy nghĩ và phản ứng bằng tâm thế con người đương thời, đến độ vượt được ranh giới vật lý, sự ám ảnh về cái ngột ngạt của không gian sinh tồn đô thị qua Bầy mắt, những bản thảo cũng đầy ham muốn dục vọng ảo tưởng như con người trong Cuộc đời khốn nạn của một bản thảo, sự vong thân cũng là hạnh phúc của những cục sáp thơm trong Trái tim trong W.C. Khi con người ở quá gần và quá chật trong vòng vây vật chất và đồ đạc, dường như họ cũng là một biến thể khác của chúng. Khi con người ở tư thế đối diện nhau quá tù túng, dường như họ thực khó khăn để tỏ bày lương tri một cách bình thường.
Nhà thơ Inrasara đã nhận xét: “Phải nhắc đến giọng điệu đặc thù hậu hiện đại đẫm chất Lê Anh Hoài, như anh đã từng làm được với thơ, với nghệ thuật trình diễn, và cả tiểu thuyết. Xuyên suốt tập truyện ngắn này là giọng giễu nhại và bỡn cợt. Đậm nhạt, sâu nông, rộng hẹp khác nhau”. Quả thực, chất trào lộng đã được Lê Anh Hoài dùng như một dung môi cho những hiện thực và tưởng tượng mà anh soạn ra trong tập Trinh nữ ma-nơ-canh. Nó khiến cho truyện của anh đặc biệt thú vị như một cuộc chơi ngôn từ mà đậm chất dân gian phóng túng. Giữa rừng cây bút mới của văn học Việt Nam, Lê Hoài Anh với Trinh nữ Ma-nơ-canh hi vọng sẽ là một làn gió trào phúng mới thổi vào hiện thực để giúp hiện thực hiện ra rõ nét hơn, đau đớn hơn nhưng cũng mang đầy tính nhân văn hơn.