Nhật Bản vốn nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, hoa anh đào và cả những món ăn kỳ lạ. Trong đó có những món ăn được làm từ những nguyên liệu khá đặc biệt.
Tempura là một món ăn có lịch sử lâu đời tại Nhật Bản, thường được sử dụng trong các bữa ăn nhẹ hoặc bữa tiệc. Nguyên liệu để làm nên món tempura cũng khá đa dạng, từ rau củ, hải sản hay thậm chí một số các loại nguyên liệu kỳ lạ khác như lá cây hay hoa cũng đều có thể được tẩm bột chiên giòn. Do đó người Nhật thường hay nói đùa “Tất cả mọi thứ ở Nhật Bản đều có thể dùng để làm tempura”.
Một trong số những món tempura kỳ lạ nhất ở Nhật Bản phải kể đến món tempura Momiji hay còn gọi là tempura lá phong. Đây là món ăn vặt rất được ưa thích, xuất hiện nhiều trên các đường phố ở Nhật Bản.
Thông thường, lá cây phong không thường xuyên được sử dụng làm thực phẩm bởi hương vị không có gì đặc biệt và giá trị dinh dưỡng không cao. Vậy nhưng chẳng ngờ, chỉ cần được tẩm bột và chiên giòn, chúng lại có thể trở thành một món ăn vô cùng hấp dẫn.
Người Nhật truyền tai nhau rằng, món ăn độc đáo này đã có từ cách đây 1300 năm. Tương truyền có một nhà sư khổ hạnh đã nhặt nhưng chiếc lá phong rụng, đem đi ướp với muối, sau đó nhúng bột và chiên giòn trong dầu cải. Không ngờ rằng hương vị của món ăn này lại vô cùng độc đáo, từ đó tempura lá phong bắt đầu được lưu truyền rộng rãi.
Thực ra để có thể làm ra món tempura lá phong cũng không hề đơn giản. Công đoạn để chuẩn bị nguyên liệu đã mất tới cả năm trời. Bên cạnh đó, không phải loại lá phong nào cũng có thể ăn được, người Nhật thường chỉ dùng lá phong vàng chứ không dùng lá phong đỏ để làm tempura. Lý do là vì lá phong vàng có gân lá mềm hơn và dễ ăn hơn, bên cạnh đó chúng cũng không bị đổi màu khi chiên giòn.
Những chiếc lá phong được lựa chọn là loại lá to, có hình dáng đẹp và gân lá mềm. Sau khi đem về, chúng sẽ được rửa sạch và được ủ với muối trong vòng một năm để mất đi vị hăng của lá, giúp cho lá mềm hơn và gia tăng hương vị của món ăn.
Khi lá được ướp muối đủ độ, người ta mới dùng nó để tẩm trong một hỗn hợp bột được trộn với đường và vừng sau đó chiên giòn trong chảo dầu sôi. Sau khi hoàn thành, lớp bột rán bên ngoài giòn tan, thơm phức. Vị mằn mặn của lá phong hòa quyện với vị ngọt của lớp bột tempura tạo thành một hương vị tuyệt vời.
Những chiếc bánh tempura lá phong thường được phục vụ trong những bọc giấy gói xinh xắn để thực khách có thể dễ dàng mang đi. Người Nhật thường hay thưởng thức món bánh vừa xinh xắn vừa ngon miệng với một tách trà nóng và ngắm lá phong rơi. Đây là một trong những hoạt động ưa thích mỗi mùa cây thay lá của người dân nơi đây.