Người S'tiêng xưa nay sử dụng lá bờ nhau bởi nó có vị ngọt hơn tôm, cá được giã ra; thanh mát đến mức chưa loại bột nêm nào đạt được.
Cây bờ nhau (hay còn gọi là cây bột nêm) là cây gia vị nổi tiếng, thường mọc nhiều ở khu vực sinh sống của đồng bào người S'tiêng tại Bình Phước và một số vùng núi khác của Việt Nam.
Người S'tiêng sóc Bom Bo cho biết, khi con tê giác trên rừng yêu thích, chọn lá này để ăn thì đồng bào đã biết chế biến nó thành một loại bột gia vị. Vị ngọt hậu của nó tạo cho từng món ăn nửa như của thịt gà, nửa như bột ngọt, vấn vương trong vòm họng 30 phút sau khi bữa cơm kết thúc.
Lá bờ nhau gần giống với lá bép rừng.
Theo đồng bào S’tiêng, cây bờ nhau mọc ở rẫy cho lá nhỏ hơn cây mọc trong rừng Bù Gia Mập. Chúng cũng ra quả nhưng không ăn được và không có công dụng tuyệt vời giống như lá.
Người S'tiêng xưa nay sử dụng lá bờ nhau bởi nó có vị ngọt hơn tôm, cá được giã ra; thanh mát đến mức chưa loại bột nêm nào đạt được. “Chỉ cần một nắm lá cho vào giã cùng 1/2 chén gạo tẻ/nếp đã ngâm nở vừa mức. Khi lá giã nhuyễn, hòa vào bột gạo tạo thành loại bột màu trắng - xanh (khoảng 20-30 phút) là được”, một già làng ở sóc Bom Bo chỉ cách chế biến bột gia vị lá bờ nhau.
Cũng theo già làng, không dùng chày cối bình thường để giã bột gia vị bờ nhau, phải chọn chày gỗ và cối đá đặc biệt. Điều này giúp bột dẻo đủ mức, không bị chảy nước, dễ quyện đều vào nước khi nấu, cất trữ được lâu.
Một người dân cho biết, hầu như mọi món canh, cháo của người Kinh nấu đều nêm được bột bờ nhau... Nhiều khách lên sóc tham quan đã hỏi đến món ăn nấu từ lá bờ nhau, từ bột gia vị bờ nhau. Thậm chí họ còn muốn thưởng thức các món ăn hiện đại có cho thêm lá bờ nhau. Và ai cũng bất ngờ bởi vị ngọt của cây gia vị này.