Câu chuyện “con nhà người ta” vẫn là một vấn đề gây tranh cãi trong phương pháp nuôi dạy trẻ tại Việt Nam nói chung.
Sau một đêm, Hồ Đắc Thanh Chương với chiến thắng thuyết phục trong chung kết Đường lên đỉnh Olympia không chỉ trở thành cái tên hot xuất hiện trên hàng loạt tờ báo lớn mà chắc chắn còn đi vào câu chuyện trên bàn ăn của biết bao gia đình. Ở Việt Nam, có bao nhiêu phụ huynh nhắc đến Thanh Chương như một hình tượng điển hình cho “con nhà người ta”? Và có bao nhiêu đứa trẻ đã lớn lên với mong muốn tột cùng của bố mẹ là con phải trở thành một người tài năng xuất chúng?
Trẻ em Việt Nam, không phải tất cả, nhưng phần nhiều vẫn lớn lên trong rất nhiều định kiến. Thông minh được định nghĩa bằng việc học giỏi các bộ môn khoa học tự nhiên. Ngoan ngoãn tức là cuối năm hạnh kiểm của con phải đạt loại “tốt”. Công việc chính của con là “học”. Nấu ăn, giặt giũ,… là việc của bố mẹ - Con chỉ có mỗi việc là học, vì sao vẫn học không đến nơi?
Con nhà người ta (Ảnh: Internet)
Nhưng người lớn không biết rằng ngoài trí thông minh cho các môn tự nhiên, các nhà khoa học còn chỉ ra có đến 6 loại hình thông minh khác. Và Einstein đã từng nói, nếu bạn kiểm tra năng lực của một con cá bằng cách bắt nó leo cây, cả đời nó sẽ nghĩ mình là người ngu ngốc.
Theo Maria Montessori – một nhà giáo dục thiên tài người Ý, mỗi đứa trẻ là một thế giới hoàn toàn khác biệt. Mỗi thế giới ấy có một nhịp độ phát triển riêng, có một quy luật khôn lớn riêng, và đã đến lúc trẻ em phải được trưởng thành bằng cách trải nghiệm tối đa mọi phương diện của cuộc sống để phát triển toàn diện mọi giác quan, chứ không phải lớn lên như một cái cây trong các lồng kính định kiến của bố mẹ.
Cũng chính Maria Montessori và phương pháp giáo dục mang tên bà khai sinh cách đây 100 năm - đã truyền cảm hứng để Ève Herrmann viết nên cuốn sách Con không muốn làm cây trong lồng kính. Nằm trong bộ sách “Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori”, Con không muốn làm cây trong lồng kính là một cuốn sách được thiết kế để trẻ chập chững trải nghiệm thế giới tự nhiên từ những bước đầu tiên.
Lối sống của chúng ta hiện nay không dành nhiều chỗ cho tự nhiên. Tự nhiên thường bị lãng quên trong khi nó không chỉ giữ vai trò cốt yếu, thậm chí còn mang tính quyết định cho sự phát triển của trẻ. Trong “Con không muốn làm cây trong lồng kính”, tác giả đã đưa cho bố mẹ một cái nhìn khác về vai trò của tự nhiên trong việc phát triển toàn diện của trẻ và cách thức để trẻ khám phá tự nhiên trên mọi lĩnh vực.
“Con không muốn làm cây trong lồng kính” - Ève Herrmann
Cuốn sách là tuyển tập 100 hoạt động Montessori cho trẻ khám phá thế giới như hoạt động tìm hiểu đất, nước, không khí; ghép hình Trái đất, khám phá các bộ phận của hoa, vòng đời của cây hay làm thuyền bằng bột nặn,… Thông qua các hoạt động đơn giản này, Ève Herrmann đã truyền tải những trải nghiệm thế giới cha mẹ có thể làm với trẻ bắt đầu từ địa lý với các châu lục và đại dương; bắt đầu từ tự nhiên và thực vật học với những khái niệm vĩ mô như chu kỳ của tự nhiên hay vi mô mảnh dẻ như một đường gân lá. Thế giới động vật, thế giới vật chất, thời gian,… sẽ kết nối trẻ với thế giới và khiến trẻ cảm thấy mình là một phần trong một tổng thể rộng lớn.
Bộ sách “Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori” đã được phát hành trên toàn quốc
Các hoạt động Montessori mà Ève Herrman viết nên rất đơn giản và dễ hiểu. 100 hoạt động đi cùng hơn 100 hình ảnh được in màu sinh động, tự nhiên, khiến việc truyền đạt kiến thức của cuốn sách trở nên dễ dàng. Trước mỗi chủ đề, Ève Herrman đều ghi rõ những vấn đề cần lưu ý với độc giả hay tóm lược lại những nội dung cơ bản, vừa để người đọc dễ hiểu, vừa để truyền cảm hứng. Chẳng hạn, trước mục Tự nhiên và thực vật học, người mẹ Montessori này không quên lặp lại một lần nữa “Tiếp xúc với tự nhiên là điều quan trọng cho sự phát triển hài hòa của trẻ. Càng hiểu biết rõ về tự nhiên, trẻ càng tôn trọng tự nhiên hơn”.
Qua những chú thích, chỉ dẫn, lưu ý,… của nữ tác giả người Pháp này trong cuốn Con không muốn làm cây trong lồng kính, độc giả có thể thấy Ève Herrman là một người nghiên cứu sâu rộng về phương pháp Montessori, một người thấu hiểu tâm sinh lý của trẻ em và là một bà mẹ hết lòng chia sẻ những điều mình biết để ngày càng nhiều hơn những đứa trẻ hạnh phúc được nuôi dạy.
Với Ève Herrman, nữ nhiếp ảnh gia đồng thời là sáng lập viên của hiệp hội EMA (Phương pháp giảng dạy Montessori ngày nay), tuổi thơ của trẻ không phải một tuổi thơ gói gọn trong lồng kính của nhiệm vụ đọc thông, viết thạo. Trẻ còn cần phải được trải nghiệm, được hiểu biết về thế giới xung quanh.
Đừng để tuổi thơ của con trẻ bị nhốt lại trong lồng kính chật hẹp
Một cái cây trong lồng kính có thể miễn nhiễm với sâu, bọ nhưng đồng thời sức đề kháng cũng yếu ớt vô cùng. Mầm non muốn phát triển toàn diện, cần phải được lớn lên trong cả những ngày nắng đẹp hay mưa dông, để đủ cứng cáp đón nhận mọi tác động của cuộc sống. Chính việc quan sát thế giới này sẽ giúp trẻ định hướng việc học tập và thỏa mãn lòng ham hiểu biết vô tận của mình.