Món bánh Hà Giang nghe tên thấy cứng mà ăn lại dẻo giòn, muốn bảo quản cứ ném thẳng xuống suối 

Thảo Anh - Ngày 18/12/2024 14:15 PM (GMT+7)

Những chiếc bánh được làm ra khá cầu kỳ, bảo quản lạ đời và có thể chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn, trở thành đặc sản nức tiếng của Hà Giang.

Nhắc tới Hà Giang quả thực không thiếu món ngon độc lạ đậm chất núi rừng, trong đó có món bánh đá. Bánh đá hay còn gọi là bánh lơ khoải, là món bánh truyền thống của người Dao áo dài và người Nùng ở vùng rẻo cao Hà Giang. Bánh có hình dạng tròn to, thuôn dài. Sở dĩ bánh có tên gọi độc đáo như vậy là do kết cấu cứng như đá. 

Món bánh đá Hà Giang độc lạ từ tên gọi tới cách chế biến

Món bánh đá Hà Giang độc lạ từ tên gọi tới cách chế biến

Món ăn này sở hữu vẻ ngoài hao hao món bánh gạo của Hàn Quốc, nhưng đối với các tín đồ ẩm thực thì đây lại là một đặc sản dân dã, quen thuộc ở vùng cao Hà Giang. Nhiều thực khách khi mới mua về phải nhận định rằng chiếc bánh đúng nghĩa là "cứng như đá". Thậm chí, khi để hai chiếc bánh đánh vào nhau thì sẽ phát ra tiếng kêu “côm cốp” như hai cục đá.

Món bánh này là đặc sản của vùng cao nguyên đá, được nhiều du khách mua về làm quà

Món bánh này là đặc sản của vùng cao nguyên đá, được nhiều du khách mua về làm quà

Để có được chiếc bánh đá nguyên bản, chuẩn chỉnh cũng lắm kỳ công và tốn nhiều công sức. Sau khi thu hoạch lúa chín, người dân tộc thiểu số đã "tuyển chọn" những hạt gạo thơm để làm bánh.

Gạo tẻ trộn với gạo nếp theo tỉ lệ nhất định, sau đó đem ngâm với nước trong từ 4 đến 5 tiếng, ngâm xong thì lại đem phơi khô, mang đi nghiền. Sau đó, đồ bột gạo lên, chín nhừ thì mang ra giã. Giã cho dẻo thì bắt đầu nặn thành chiếc bánh to như cục gạch. 

Thao tác nặn phải thật nhanh vì nếu để bột nguội thì chúng không dính quyện được vào nhau. Người nào khéo tay thì sẽ có chiếc bánh đẹp, vuông vức, nếu không thì bánh sẽ hụt trước, hụt sau. Bánh thành khuôn sẽ để nguội hẳn rồi cho vào hộp, ủ rơm 3 ngày rồi mang đi bảo quản. 

Bánh đá có nhiều màu sắc, được bảo quản ở nhiệt độ thấp

Bánh đá có nhiều màu sắc, được bảo quản ở nhiệt độ thấp

Trước đây, khi chưa có tủ lạnh, bà con địa phương thường thả bánh xuống các suối mát quanh nhà để bảo quản và thưởng thức dần. Bánh để dưới suối nhiều tháng nên cứng lại, trông như hòn đá nên dễ gây nhầm lẫn. 

Ngày nay đã có cách bảo quản khoa học hơn tiện lợi hơn xưa

Ngày nay đã có cách bảo quản khoa học hơn tiện lợi hơn xưa

Có nhiều cách để thưởng thức món bánh lạ đời này, như chiên với dầu nóng hoặc nướng trên bếp than hoa, thái bánh đá thành sợi để nấu bánh canh hay nấu thắng dền…  Lúc chế biến xong, bánh đá sẽ dẻo trong giòn ngoài mà không còn bị cứng như đá nữa. 

Món bánh đá chiên giòn thơm ngon, có thể chấm với tương ớt hay sữa đặc

Món bánh đá chiên giòn thơm ngon, có thể chấm với tương ớt hay sữa đặc

Những chiếc bánh đá Hà Giang đủ sắc màu nhờ vào màu tự nhiên từ các loại lá như lá dứa, lá cẩm, hoa đậu biếc, nghệ hay gấc. Với sự kết hợp cùng các loại lá, bánh đá cũng có hương vị thơm ngon hơn. Xưa kia, bánh đá thường xuất hiện vào những dịp truyền thống, nhưng ngày nay, bạn có thể tìm thấy món ăn này ở nhiều nơi trong mọi thời điểm. 

6 quán bánh mì chả cá nổi tiếng ở Hà Nội, có tiệm vượt ngàn cây số ra Thủ đô, xe đẩy vỉa hè mà khách nườm nượp
Nếu bạn muốn thưởng thức món bánh mì đậm vị biển khơi ngay tại Hà Nội thì hãy ghim ngay 6 địa chỉ nổi tiếng này.

Món ngon Hà Nội

Theo Thảo Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đặc sản 4 phương