Món bánh lề đường Cao Bằng, ai đến cũng phải nếm thử bởi hương thơm nức mũi

H.M - Ngày 01/07/2022 10:00 AM (GMT+7)

Món đặc sản này có bán ở hầu khắp các khu chợ hay trên đường phố ở Cao Bằng sẽ khiến bạn nhớ mãi dù chỉ nếm thử một lần.

Đến với Cao Bằng, hẳn nhiều người sẽ gợi ý bạn những món đặc sản đặc trưng ở nơi đây như lạp xường hun khói, xôi trám, vịt quay 7 vị,… và nhất định không thể thiếu những chiếc bánh áp chao cực hấp dẫn.

Món bánh có cái tên khá lạ này là một trong những đặc sản nổi tiếng ở vùng đất Cao Bằng. Người dân còn gọi loại bánh này là bánh vịt chao. Cũng bởi không như những loại bánh khác, phần nhân bên trong bánh áp chao được làm từ thịt vịt.

Món bánh lề đường Cao Bằng, ai đến cũng phải nếm thử bởi hương thơm nức mũi - 1

Bánh áp chao sẽ thu hút bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi màu vàng ruộm hấp dẫn, khi nếm thử sẽ thấy vị thơm giòn của vỏ bánh và đậm đà ngọt bùi của nhân thịt vịt, kết hợp với nước mắm chua cay là những dư vị vô cùng đặc biệt của ẩm thực vùng Đông Bắc.

Để làm bánh áp chao, nguyên liệu cũng không cần quá cầu kỳ, bao gồm: bột gạo nếp, bột gạo tẻ, bột đỗ tương, nhân thịt vịt. Bột gạo nếp và bột gạo tẻ cùng đỗ tương sẽ được trộn theo tỉ lệ để tạo thành phần vỏ. Loại gạo được chọn là loại gạo mới thu hoạch, hạt mẩy, được trộn lẫn cùng nhau, ngâm kỹ trong khoảng nửa ngày cho gạo nở mềm mới đem xay thành bột. Cùng với gạo tẻ mới gặt, đỗ tương phải là đỗ Quảng Uyên lòng vàng mới cho ra thứ bột hỗn hợp bột đặc sánh, đảm bảo độ mềm dẻo và thơm ngon. Hỗn hợp bột sau khi trộn ủ khoảng 3, 4 giờ để khi rán bánh phồng đều. 

Món bánh lề đường Cao Bằng, ai đến cũng phải nếm thử bởi hương thơm nức mũi - 2

Thế nhưng điều đặc biệt của bánh áp chao chính là ở phần nhân thịt vịt. Muốn nhân bánh ngon nhất thì thịt vịt phải được lọc bỏ xương, tẩm ướp gia vị gần giống vịt quay rồi cắt thành miếng nhỏ. 

Khi nặn bánh, người ta xắt bột ra thành từng miếng đều nhau, đặt thịt vịt vào giữa rồi nắm chặt bánh lại, sau đó thả từ từ vào chảo dầu sôi. Bánh sẽ được chao qua chao lại trong chảo ngập dầu đến khi chín vàng ruộm hai mặt. Người ta vớt bánh ra rồi để cho ráo mỡ. Bánh áp chao ngon nhất là khi ăn nóng, kèm với bát nước chấm chua ngọt, thêm chút rau thơm và đu đủ thái sợi cho bớt ngấy.

Món bánh lề đường Cao Bằng, ai đến cũng phải nếm thử bởi hương thơm nức mũi - 3

Khi ăn, bánh áp chao giòn nóng hổi, tỏa mùi thơm phức. Phần bột thì dẻo mềm, phần nhân thì đậm đà, ngọt vị thịt vịt rất khác lạ. Chấm chiếc bánh áp chao với nước mắm chua ngọt cho thật đẫm, tất cả hòa quyện lại mang đến hương vị rất độc đáo, thơm ngon. Đặc biệt, hương thơm của bánh áp chao lan tỏa cả một vùng không gian rộng, níu chân bao người khách qua đường ghé vào thưởng thức vài đĩa áp chao nóng hổi, thơm ngào ngạt cho thỏa mãn cả khứu giác lẫn vị giác và để được ấm bụng giữa tiết trời đông.

Bánh áp chao tương tự như những loại bánh ngô, bánh khoai, bánh chuối ở Hà Nội vậy, luôn xuất hiện vào cuối thu đầu đông, kéo dài đến mùa xuân năm sau. Mùa thu đông ở miền núi lạnh hơn miền xuôi, mưa lại nhiều nên những chiếc bánh áp chao nóng hổi, vừa giòn lại vừa mềm vô cùng thích hợp để thưởng thức tại đây.

Món bánh lề đường Cao Bằng, ai đến cũng phải nếm thử bởi hương thơm nức mũi - 4

Mặc dù đơn giản, dễ chế biến, giá thành cũng rất rẻ (chỉ từ 3.000 - 5.000 đồng/chiếc) nhưng hương vị của bánh áp chao Cao Bằng luôn là hương vị mà mỗi người dân nơi đây đều nhớ đến mỗi đợt gió mùa về. Khách du lịch đến Cao Bằng mùa đông mà chưa ăn bánh áp chao thì chưa gọi là đến Cao Bằng. Bánh áp chao cũng từ đó trở thành loại bánh dân giã, bình dị mà vô cùng quan trọng trong mỗi người dân nơi đây.

Chiếc bánh mì bất kỳ ai đến Huế cũng phải nếm thử, chỉ bán về đêm nhưng lúc nào cũng đông khách
Thưởng thức chiếc bánh mì Trường Tiền một lần, chắc chắn sẽ khiến du khách nhớ mãi.

Đặc sản 4 phương

Theo H.M Tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đặc sản 4 phương