Những tưởng chỉ dành cho “người nghèo” nhưng món ăn này lại đặc biệt được yêu thích và xuất hiện ở nhiều góc phố Hà Nội.
Mỗi khi nhắc tới củ sắn, chúng ta thường liên tưởng đến một loại củ dân dã và… rẻ tiền. Thời không đủ gạo để ăn, người ta thường phải độn thêm sắn, thêm khoai để ăn cho no lâu. Ấy thế mà loại củ tưởng dành cho “nhà nghèo” lại được biến tấu thành một món bánh rất thơm ngon như một loại đặc sản ở Hà Nội.
Vài năm gần đây, món bánh “nhà nghèo” này được bán trên các xe đẩy rong ruổi trên khắp các phố phường Hà Nội. Mùi thơm lừng, khói bay ra nghi ngút trở thành thứ thu hút nhiều thực khách tìm đến và bỗng “nghiện” luôn bánh sắn.
Để làm nên chiếc bánh sắn nướng phải trải qua rất nhiều công đoạn. Sắn sau khi mua về được bỏ vỏ, ngâm qua nước muối cho hết nhựa rồi luộc chín, giã nhuyễn, trộn với nước cốt dừa, dừa bào sợi và thêm 1 chút đường cho dễ ăn rồi cho vào khuôn nướng sơ qua.
Bánh sắn thường được bày bán ở các khu vực trường học, khu vui chơi giải trí,... Đặc biệt ở các trường đại học, món bánh này lại càng quen thuộc hơn. Những hàng bánh sắn cách nhau vài mét đều có các bạn sinh viên dừng lại mua vài chiếc.
Chỉ với 1 chiếc xe đạp hoặc xe máy, để phía trên là chiếc tủ kính nhỏ, chứa hàng trăm chiếc bánh; 1 chiếc khay nhôm đựng than củi; 1 chiếc quạt nan… hàng bánh sắn nướng lại trở nên có sức hút hơn bao giờ hết.
Cái tiết Hà Nội giao mùa se lạnh, nhâm nhi chút bánh sắn ấm nóng, thơm ngậy là vô cùng phù hợp.
Mỗi chiếc bánh sắn được bán với giá từ 2.500 đồng. Một số người bán hàng tiết lộ, mỗi ngày có thể bán từ 500 - 600 chiếc. Ông Long - một người bán bánh sắn chia sẻ với Vietnamnet: “Để sắn ngon phải chọn giống sắn không bị đắng, khi luộc thêm vài hạt muối trắng cho đậm vị. Hơn nữa, bánh sắn làm ra phải bán hết trong ngày nên làm vừa đủ bán. Mỗi chiếc bánh sắn tôi bán có 2.500 đồng, chỉ lãi tí ti thôi nên đông người ăn lắm. Có ngày bán chạy, đứng cổng trường từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều là hết veo 500-600 chiếc, nhưng có những hôm mưa gió, đứng đến khuya vẫn còn quá nửa”