Phú Thọ: Cỗ lá với lợn lửng, gà nhiều cựa

Ngày 17/02/2021 00:08 AM (GMT+7)

Ở Phú Thọ, người Mường chiếm trên 13% dân số, với khoảng 170.000 người tập trung chủ yếu ở các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập. Thời cuộc đổi thay, đời sống phát triển, người Mường nơi đây vẫn giữ được cho mình những bản sắc truyền thống về ngôn ngữ, trang phục và đặc biệt là món ăn, trong đó có cỗ lá.

Về món ăn truyền thống, người Mường ở Phú Thọ luôn tự hào về mâm cỗ lá. Đây là mâm cỗ không thể thiếu trong những buổi lễ quan trọng, tết đến xuân về. Tuy nhiên, trước sự nổi tiếng của món ăn này, cộng với việc du lịch phát triển, nên món ăn này đã được làm ngay khi du khách có yêu cầu mà vẫn giữ nguyên được nét đặc trưng.

Cụ thể, ngoài những ngày Tết, nếu du khách đi du lịch ở Vườn quốc gia Xuân Sơn hay thưởng lãm phong cảnh tuyệt đẹp của đồi chè Long Cốc (huyện Tân Sơn) cũng có thể được xem cách chế biến và thưởng thức mâm cỗ này.

Phú Thọ: Cỗ lá với lợn lửng, gà nhiều cựa - 1

Một phụ nữ trong trang phục truyền thống đang chuẩn bị mâm cỗ lá của người Mường. Ảnh: B.N

Cỗ lá hiểu giản đơn là mâm cỗ bày trên lá, được chế biến từ những nguyên liệu trong rừng, qua đôi bàn tay khéo léo của người dân trở thành đặc sản mang hương vị đặc trưng của núi rừng.

Nguyên liệu chính cho mâm cỗ có thể là gà, lợn hay bò, trâu nhưng phổ biến nhất vẫn là lợn Mán - một loại lợn lửng thường chỉ nặng 15 - 30kg, được bà con Mường nuôi thả trên đồi núi, quanh năm chỉ biết ăn ngô, khoai, cây cỏ nên cho thịt săn chắc, ít mỡ, có vị thơm ngọt tự nhiên… 

Đặc biệt, mâm cỗ cũng có thể là loại gà nhiều cựa, loại gà được bước ra từ truyền thuyết Hùng Vương kén rể.

Ngoài những món "chủ đạo" đó, sẽ thật thiếu sót khi không có cá suối nướng trên bếp than vàng ruộm. Hay như món măng luộc, món rau rừng đồ, rau rớn nộm hoặc xào và các loại rau sống.

Cỗ lá cũng không thể thiếu xôi, xôi trắng để tượng trưng cho tinh hoa của đất và rừng. Xôi nếp gạo nương được đồ chín tới, gói vuông vức trong tàu lá chuối đã hơ lửa cho mềm. Xôi vừa thơm, vừa dẻo.

Phú Thọ: Cỗ lá với lợn lửng, gà nhiều cựa - 2

Mâm cỗ lá với nhiều món ăn hấp dẫn.

Cầu kỳ hơn nữa là món xôi ngũ sắc với năm màu xanh - đỏ - tím - vàng - trắng thật đẹp mắt. Mỗi mâm cỗ còn được xếp với một đĩa hoa chuối xào, một hoặc hai bát canh loóng chuối - là canh được nấu bằng cây chuối rừng non, thái mỏng, nấu với nước luộc lòng. Canh có vị ngọt đậm đà là món canh đặc trưng và không thể thiếu trong mâm cỗ.

Cuối cùng là gia vị muối hạt dổi, đó là muối sau khi rang hoặc nướng lên, trộn với hạt dổi - loại hạt có màu đen, mùi rất thơm, sau khi đã được nướng trên than hồng và giã nát. Muối hạt dổi làm cho cỗ lá thêm hương vị, thêm đậm đà là một phần không thể thiếu trong mâm cỗ của người Mường.

Cỗ lá là món ăn được bày trên lá chuối. Lá dùng để xếp cỗ là lá chuối rừng, loại bánh tẻ, được hơ lửa cho dẻo và có mùi thơm ngai ngái đặc trưng, biểu tượng sự gắn bó của cư dân với núi rừng.

Phú Thọ: Cỗ lá với lợn lửng, gà nhiều cựa - 3

Cỗ lá thường không thể thiếu món xôi ngũ sắc với năm màu xanh - đỏ - tím - vàng - trắng thật đẹp mắt.

Mâm cỗ lá xứ Mường ở Phú Thọ là một nét đẹp văn hóa tiêu biểu và độc đáo của dân tộc Mường. 

Nhìn mâm cỗ tưởng đơn giản nhưng hóa ra lại không hề đơn giản, bởi trong đó người Mường còn gửi gắm cả tâm tình vào với vạn vật và với con người… Qua mâm cỗ, người Mường đã thể hiện cách linh hoạt tính cộng đồng, tình cảm tương thân tương ái, nền nếp gia đình… là những yếu tố giúp cộng đồng tồn tại và phát triển.

Người Tây Nguyên có món tên lạ nhưng là món ngon trứ danh, chỉ dành cho khách quý
Bạn đã bao giờ nghe đến món canh thụt cà đắng của người Tây Nguyên?
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đặc sản 4 phương