5 thứ mọc hoang dại trở thành đặc sản nổi tiếng, chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng

KHAI TÂM - Ngày 15/02/2021 19:00 PM (GMT+7)

Dưới đây là những loại rau dại mọc bờ bụi trở thành đặc sản nổi tiếng, có thể chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng và hấp dẫn.

Rau muối dại

Đây là loại cây mọc hoang dại ở các vùng miền núi Việt Nam. Nó có rất nhiều nhánh nhỏ, thân cây nhẵn, lá thường mọc so le và có phần cuống ngắn. Trên bề mặt của lá có một lớp phấn bột giống như rắc muối nên người dân gọi là là cây rau muối.

5 thứ mọc hoang dại trở thành đặc sản nổi tiếng, chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng - 1

Từ rau muối, người dân bản địa có thể chế biến thành các món ăn quen thuộc như: rau muối luộc, rau muối xào tỏi, rau muối nấu canh... Theo dân gian, rau muối có tính bình, ngọt, giúp cơ thể thanh nhiệt, thông ấm tỳ vị, trị đau răng, sát trùng, nhuận tràng và đau nhức xương khớp...

Rau cải rừng tía

Rau cải tía rừng (hay còn gọi là rau cẩn, rau bướm) là loài cây hoang dã trong rừng không thuộc họ Cải. Nó có lá mọc chụm ở mắt đất, lá có phiến hình tam giác, đầu lá nhọn, đuôi lá hình tim. Phiến lá không có hoặc có rất ít lông. Cuống lá dài bằng 2/3 phiến lá. Hoa màu trắng hoặc tím dợt.

5 thứ mọc hoang dại trở thành đặc sản nổi tiếng, chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng - 2

Phần ngọn non và lá non của Cải rừng tía có thể ăn được, vị đắng nhạt, dùng trong các món xào, luộc, nấu canh. Thực phẩm từ cải rừng tía còn đem lại tác dụng tiêu độc chống viêm.

Rau tai voi

Còn có tên gọi khác là rau tai nai, thuộc cây thân thảo nhỏ, lá mọc quanh gốc hình bầu dục hoặc trứng thuôn dài. Nó thường mọc ở vách đá, đất ẩm, dọc theo suối trong rừng các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Ðà Nẵng và khu vực Tây Nguyên.

5 thứ mọc hoang dại trở thành đặc sản nổi tiếng, chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng - 3

Dù mọc dại nhưng rau tai voi được coi là đặc sản nổi tiếng, có thể chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon và hấp dẫn như rau tai voi xào với các loại thịt, rau tai voi luộc chấm mắm ớt hoặc nấu canh...

Rau móp gai

Đây là loại cây hoang dã mọc ở nhiều nơi như vườn rậm, bờ bãi, ven sông ven ao và chỗ đất ẩm thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ. Ngày nay, rau móp được trồng nhiều ở huyện Củ Chi, TP.HCM.

Rau móp giống cây khoai môn nhưng thân cứng hơn và có gai; phiến lá có nhiều rãnh sâu; cọng lá già nhiều gai nhọn; cọng lá non có màu xanh nhạt và dài mềm. Trước kia, đây là loại cây dại nhưng giờ được dùng như một loại rau đặc sản cao cấp hoặc dùng làm thuốc chữa bệnh.

5 thứ mọc hoang dại trở thành đặc sản nổi tiếng, chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng - 4

Thường, cây móp non mới có thể chế biến làm các món ăn khác nhau như: Nấu canh chua và nhúng lẩu, ăn sống và bóp gỏi; dùng làm rau xào; rau móp luộc và muối dưa chua...

Theo y học cổ truyền, thân rễ móp gai là một vị thuốc hay, có vị cay, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, tán ứ. Còn theo tây y, thân và rễ cây móp chứa nhiều polyphenol và a xít ascorbic có tác dụng chống oxy hóa.

Rau vẩy ốc

Thường mọc ở nơi ẩm mát, ven rừng nương rẫy, nhất là dọc các lối đi vào rừng ở các vùng núi cao từ 700-2000m của nhiều tỉnh miền núi phía Bắc vào tận Lâm Đồng. Người dân có thể thu hái cây vào mùa Hạ - Thu, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô.

Lá và ngọn non của rau vảy ốc có thể dùng để nấu canh ăn rất ngon miệng và đưa cơm.

5 thứ mọc hoang dại trở thành đặc sản nổi tiếng, chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng - 5

                                      Tuyên Quang: Ở thị trấn này, đặc sản là thịt lợn chua, dâu tây, lại còn có cả loài cá râu dài
Thị trấn Na Hang (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) đã xác định cá đặc sản, thịt lợn chua, măng ớt và dâu tây là những sản phẩm chủ lực.

Đặc sản 4 phương

KHAI TÂM (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đặc sản 4 phương