Loại măng này có hương vị đặc trưng và chỉ mọc trên vùng núi cao ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.
Những năm gần đây, nhiều đặc sản núi rừng bỗng trở nên hấp dẫn và được tìm kiếm bởi hương vị tự nhiên, ngon sạch, không hóa chất. Trong đó phải kể đến thứ đặc sản mà bạn nhất định phải nếm thử khi đến Nghệ An: măng loi.
Măng loi là loại măng cùng họ với măng tre, có đặc điểm chỉ mọc ở vùng cao, khí hậu lạnh. Đỉnh núi Pù Loi thuộc xã Tiên Kỳ, Đồng Văn và Tân Hợp của huyện Tân Kỳ được thiên nhiên ban tặng cho loại măng loi hiếm có trên đất Nghệ An này. Tầm tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, măng loi bắt đầu nhú lên mặt đất, bà con cũng rủ nhau lên rừng thu hái.
Sở dĩ người ta gọi đây là măng loi vì loại măng này được mọc trên đỉnh núi Pù Loi (Tân Kỳ). Măng loi mọc thành từng cụm dày, phát triển rất nhanh, cứ trồi lên khỏi mặt đất rồi đâm tua tủa. Ngọn măng nhỏ, nhọn, lá nhỏ, vỏ bóng.
Măng loi khi thu hái về có thể chế biến tươi ngay. Khi sơ chế măng, bà con thường dùng lưỡi dao mỏng, sắc lia nhẹ dọc thân măng, để lộ màu trắng nõn của lõi rồi dùng tay bóc toàn bộ lớp vỏ còn lại.
Măng loi được chế biến thành nhiều món ngon bởi hương vị rất đặc trưng. Măng ăn giòn giòn, lại hơi có vị nhăn nhẳn đắng, nhưng đọng lại sau đó là vị ngọt nơi cuống lưỡi. Nhiều người mê nhất là món măng loi om xương. Để chế biến cũng không quá cầu kỳ, măng bóc vỏ để nguyên ngọn dài khoảng một gang tay. Xương sườn chặt vừa miếng cho vào xào cùng măng trên bếp lửa, chừng 10 phút cho măng và xương ngấm gia vị, cho nước xâm xấp măng rồi đậy vung om khoảng 1 giờ. Khi cả măng và xương đều mềm thì thêm gia vị cho vừa ăn là được. Món này ngon ở vị giòn, bùi, ngọt của măng loi, vị thơm, béo của xương sườn.
Độc đáo và lạ miêng hơn chính là măng loi bỏ trong ống nứa được nướng trên than củi hồng đượm. Mùi thơm của măng hòa quyện vào vị ngọt của ống nứa tạo nên dư vị hấp dẫn và khó quên.
Tuy nhiên nếu không có thời gian thì món măng loi xào cũng đã đủ hút hồn thực khách. Măng loi bóc vỏ, đập dập trên thớt gỗ hoặc thái lát sau đó xào với lòng gà hay thịt bò đều hấp dẫn. Món xào hấp dẫn và nổi bật ở cái giòn sần sật và mùi vị của măng hòa với lòng gà hay thịt bò.
Còn đơn giản nhất nhưng giữ được trọn vẹn hương vị tươi ngon của măng là món măng loi luộc. Đây cũng là món phổ biến nhất. Món này đơn giản bởi sau khi măng đã được bóc sạch vỏ chỉ cần cho vào nồi luộc chừng 15 phút là đã có ngay một món "rau" tươi ngon. Măng loi luộc để cả ngọn nên ăn có vị giòn, thơm và ngọt bùi. Đặc biệt, chấm với muối vừng hoặc mắm tôm dư vị càng thêm đậm đà. Măng loi luộc ăn kèm với món bún đậu mắm tôm cũng rất lạ miệng, ăn nhiều đâm nghiện.
Ngoài ra, người dân địa phương cũng có nhiều cách chế biến để khiến các món ăn từ măng loi nổi lên hương vị núi rừng như măng loi lam cùng cá suối trong ống nứa, măng loi hầm cá, hay măng loi ngâm chua cay...
Trước kia, khi chưa được nhiều người biết tới, bà con lấy măng loi về để tự chế biến như một thứ rau ăn hàng ngày. Nhưng những năm gần đây, sản phẩm măng loi được thị trường ưa chuộng, nên có giá trị hơn. Đặc biệt, măng loi được chế biến thành 2 sản phẩm đặc sản hấp dẫn để cung ứng ra thị trường, đó là măng loi dầm tỏi, ớt và măng loi tươi thanh trùng. Sản phẩm này đều được bán đi đến khắp các tỉnh thành và được nhiều người đón nhận.