2 lần trốn chạy khỏi "cái chết trắng” và câu chuyện hoàn lương của hiệp sĩ đồi chè

Ngày 01/09/2019 06:10 AM (GMT+7)

Rong ruổi từ Bắc vào Nam, nhiều lần trốn chạy khỏi cái “chết trắng", vượt qua định kiến xã hội cùng sự mê hoặc chết người của ma tuý, người đàn ông mạnh mẽ làm lại cuộc đời.

Tìm về ngôi nhà cấp 4 cạnh cây xăng Dốc Võng, Km 8 Sơn Cẩm, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi nhận ra đây chính là điểm dừng chân khi thấy tấm biển tên với dòng chữ “Cứu sốc 24/24”. Căn nhà đơn sơ này lâu nay vẫn là văn phòng - nơi sinh hoạt của các anh đem Câu lạc bộ (CLB) Thành Công – Phú Lương và người đàn ông cao lớn với nước da ngăm, niềm nở đón chúng tôi có tên, hay mọi người còn gọi anh với cái tên thứ hai: “hiệp sĩ cứu sốc” đất chè.

Được thành lập vào năm 2015, CLB Thành Công – Phú Lương là một trong những đơn vị đóng góp tích cực cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng người sử dụng ma túy tại địa phương. Ít ai biết rằng sự ra đời của CLB lại là cú lội ngược dòng đầy gian truân từ vòng xoáy ma túy của chính anh Tấn - trưởng nhóm.

Nhấp chén nước, anh Tấn nhìn xa xăm, nhớ lại quá khứ thăng trầm: "Các anh chị của mình đi thoát ly, hoặc làm cơ quan nhà nước hết. Ở nhà này, bố mẹ chỉ khổ vì thằng út này thôi...".

Ai cũng một thời trẻ trai

Sinh ra trong một gia đình nghèo với 7 anh chị em, anh Lê Trung Tấn sớm vào đời theo bạn bè đi làm ăn. Năm 1990, anh nghỉ học, rong ruổi cùng bạn bè đi làm vàng. Được vàng, chàng thanh niên 25 tuổi về xuôi mua xe Dream, rồi xe Win. Anh kể lúc bấy giờ như thế là “hoành tráng” lắm, nào có nghĩ đến chuyện tậu nhà, tậu trâu, ổn định nhà cửa. 

"Nói thật ra ngày ấy ở trên bãi, nếu mình là người đi làm thuê thì suốt ngày làm ở trong hang, cứ phải nằm bàn đèn hút thuốc phiện thì mới ra dáng “bưởng”, đại ca, là bậc đàn anh đàn chị...”, người đàn ông cho biết.2 lần trốn chạy khỏi amp;#34;cái chết trắng” và câu chuyện hoàn lương của hiệp sĩ đồi chè - 1

2 lần trốn chạy khỏi amp;#34;cái chết trắng” và câu chuyện hoàn lương của hiệp sĩ đồi chè - 2

2 lần trốn chạy khỏi amp;#34;cái chết trắng” và câu chuyện hoàn lương của hiệp sĩ đồi chè - 1Mối lương duyên kì lạ gắn kết người đàn ông từng trải và người phụ nữ tảo tần.

Rồi gió đổi chiều, ròng rã 2-3 năm, nuôi hơn 80 quân trên bãi mà không được vàng, anh Tấn phải bán hết xe cộ, bỗng chốc cuộc đời lại quay về hai bàn tay trắng. Vì muốn cậu con út tu chí, bố mẹ xin cho anh vào làm lái xe tại một công ty ở Hà Nội nhưng ngựa quen đường cũ, anh bị cơ quan phát hiện sử dụng ma túy và bị đình chỉ công tác. Không dám ở nhà, anh Tấn tìm về cuộc sống trên bờ bãi và tiếp tục những tháng ngày chìm đắm trong làn khói trắng.

Nhiều lần vào, rồi lại ra trung tâm cai nghiện mà vẫn không dứt bỏ được ma túy, chàng thanh niên Tấn rong ruổi chạy xe Nam Bắc rồi chuyển vào Tây Nguyên làm ăn, cũng để tạm xa "bão trắng" ngoài Bắc. Vào trong Đắk Lắk, anh thuê một quán nhỏ ở Buôn Ma Thuật, lúc thì cắt tóc, lúc đi lái máy cày thuê, sửa xe máy, xe đạp, và nhận công trình xây. Thế rồi giữa núi rừng Tây Nguyên nắng gió ấy, nhân duyên đưa người đàn ông đến với tình yêu của đời mình.

Kể chúng tôi nghe về buổi đầu ngồi một góc nhìn trộm chị, anh Tấn tủm tỉm cười, đôi mắt anh ánh lên niềm vui xen chút ngại ngùng. Ngày ấy khó khăn, anh bảo phải chịu khó làm đủ nghề, đi buôn cả phân bò, mong sao kiếm được tiền để rủ người yêu đi chơi. "Lúc ấy cách xa nhau lắm, cả trăm cây số. Hôm đi làm rẫy ở nhà bác xuống, mình lén xem số giày của người yêu mình. Nghĩ thầm người yêu hơi thấp thấp, mình chọn đôi giày cao cao một tí. Lúc đấy cũng khó khăn lắm, cả tuần sau mới có tiền. Nhớ số giày, mình lên Buôn Ma, tìm bằng được đôi giày cảm thấy ưng ý, mua về tặng cô ấy", anh nói.

Chị Đinh Thị Lê, vợ anh Tấn cũng không giấu nổi hạnh phúc khi nhớ về kỷ niệm xưa: "Ngày xưa đi làm, mình toàn đi chân đất thôi, bây giờ nhìn chân là đã biết rồi, chân rất là xấu...”.

 Món quà giản dị và tấm chân tình ấy đã làm rung động trái tim của cô gái hiền hậu được xóm giềng yêu quý. Bước vào tình yêu với anh Tấn, chị không khỏi nghĩ ngợi khi những người xung quanh hỏi chị có xác định gắn bó cuộc đời mình với một người nghiện ma túy không, không sau này khổ thì phải chịu.

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, bố mẹ chia ly, không có điều kiện học hành, chị Lê đi làm công nhân từ sớm. Hoàn cảnh khó khăn từ tấm bé khiến chị thấu hiểu thiện lương cùng tình cảm chân thành mà người đàn ông từng trải này dành cho mình, chị quyết định về chung một nhà với anh.

Hơn một lần đi qua bóng đêm

Những tưởng mái ấm gia đình sẽ khiến mình anh đoạn tuyệt với ma túy nhưng lại một lần nữa, lầm đường lạc lối, anh Tấn tìm đến ma túy. Anh phải vào trung tâm cai nghiện 18 tháng khi vợ mang bụng bầu bảy tháng.

Kể về quãng thời gian đơn độc ấy, chị Lê ngẹn ngào nhớ lại ngày bụng mang dạ chửa, lặn lộn vào Nam sinh con rồi một mình nuôi con. Khi ấy, bà nội của con mới mất, ông nội thì già yếu, ngoài Bắc không người thân, không công ăn việc làm ổn định. "Mình nhớ hồi đó rửa xe, mùa đông, cứ để con đứng ở bộ cửa. Có lúc khách rửa xe đến 2-3 khách liên tục, con khóc, cứ giơ tay, lúc ấy chưa biết nói mà, nước mắt, rồi bong bóng mũi cứ phập phồng, mình lại không bế được, rồi tự nín. Có hôm lại rải cho cái chiếu, con vừa ngồi vừa ngủ, nhìn mà xót xa lắm...”, người phụ nữ ngậm ngùi nói.

Nhiều đêm trong trung tâm cai nghiện, anh Tấn vắt tay lên trán nghĩ cảnh trốn về với vợ con. Thương vợ con bao nhiêu, anh càng cảm thấy bất lực nhưng rồi lại tự mình đấu tranh để ở lại cai nghiện, mong mỏi từng ngày để được đoàn tụ với vợ con. Khi con một tuổi, anh Tấn được về nhà. Tất cả mong chờ của người cha hóa hụt hẫng và tủi buồn khi cậu con chưa một lần gặp mặt, nhất quyết không theo vì nghĩ bố là người lạ. Những ngày ấy, quầy quán vắng leo lét, gạo ăn có bữa còn thiếu, anh xót xa khi bác sĩ kết luận con trai bị suy dinh dưỡng độ 3. Chưa bao giờ cuộc đời lại khó nhọc với vợ chồng anh đến thế.

2 lần trốn chạy khỏi amp;#34;cái chết trắng” và câu chuyện hoàn lương của hiệp sĩ đồi chè - 42 lần trốn chạy khỏi amp;#34;cái chết trắng” và câu chuyện hoàn lương của hiệp sĩ đồi chè - 1

Gia đình hạnh phúc hiện tại của anh Tấn.

“Thật sự lúc đấy, mình suy nghĩ rất là nhiều. Nói thật sự là bây giờ con người mình cứ như thế này mãi thì không thể được, vợ con còn khổ, mình phải thay đổi...", anh kể lại lời tâm niệm ngày ấy.

Chị Lê vẫn còn nhớ như in năm 2013, ngày anh Tấn nhận được cuộc gọi từ xã, báo tin anh được bắt đầu uống methadone: "Nhớ hôm đấy, đang rửa xe ngoài kia, anh Tấn nghe được cuộc điện, anh ấy sướng quá, vừa nhảy vừa reo lên bảo chuẩn bị được đi uống methadone rồi".

Từ khi uống methadone, sức khỏe dần ổn định, anh Tấn dần tu chí làm ăn. Ngày ngày, anh đi khắp các quán nước mía, xin ngọn mía về trồng trên mảnh đất đi mượn của hội cựu chiến binh xóm. Thời gian đó, anh cũng hỗ trợ Trung tâm y tế huyện trong các hoạt động cộng đồng. Sau đó, anh thành lập CLB tự lực hỗ trợ người sử dụng ma tuý, cùng các anh em đi gắp bơm kim tiêm ở các điểm nóng tại địa phương và tiếp cận, tư vấn về lợi ích của methadone.

 Năm 2015, được sự hỗ trợ của Dự án Quỹ toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS, anh Tấn là một trong sáu người của huyện đi học đào tạo xét nghiệm sàng lọc HIV tại cộng đồng. Lúc đó, anh kêu gọi thêm những anh em có tâm huyết với cộng đồng, thành lập nhóm Thành Công – Phú Lương với 18 thành viên nòng cốt. Các công việc chính của nhóm, bao gồm: tiếp cận những người sử dụng ma túy, truyền thông giảm hại, xét nghiệm sàng lọc HIV, chuyển gửi đến các cơ sở điều trị ARV1; tư vấn, hỗ trợ những người sử dụng ma túy điều trị methadone, hỗ trợ Phòng khám ngoại trú methadone Phú Lương truyền thông về việc tuân thủ điều trị ARV và lợi ích của methadone.

Khi được hỏi về động lực để anh theo đuổi các hoạt động cộng đồng, anh chia sẻ: "Cái động lực, thực sự là vì... mình từng khổ quá! Mình nghĩ là trước đây mình khổ như nào, chỉ vì nghiện mà khổ cực, rồi để cho vợ con phải khổ như vậy. Mình thật tâm muốn dìu dắt những người sử dụng ma túy để tham gia vào công việc có ích trong xã hội.”.

Hiện tại, phần lớn các thành viên trong CLB đều là những người từng sử dụng ma túy, những người cũng giống như anh Tấn, từng qua bao đắng cay, ngược dòng tìm về một cuộc đời lương thiện. Thương người, trách nhiệm và nhiệt tình, là những từ mà anh em CLB Phú Lương – Thành Công vẫn thường nói về người trưởng nhóm này.

2 lần trốn chạy khỏi amp;#34;cái chết trắng” và câu chuyện hoàn lương của hiệp sĩ đồi chè - 6

"Mình đã trải qua, mình biết. Ma túy như là một con ma. Bản thân mình cố gắng như nào mình biết..."

Anh Tấn kể rằng khoảng năm 2015, ở địa phương anh rất nhiều người sốc ma túy, khi chỉ trong nửa năm, bãi tha ma đã có thêm mười mấy vòng hoa trắng chết vì sốc. Tham gia buổi tập huấn cứu sốc, anh về địa phương, kết nối những anh em tin cậy, thành lập nhóm cứu sốc gồm 6 thành viên. Vốn nắm hết các địa điểm tập trung người nghiện, Tấn để lại số điện thoại và tờ rơi tới tất cả công an xóm, xã, trạm y tế thôn và những người sử dụng ma túy để khi có trường hợp sốc thuốc, họ có thể gọi ngay cho anh.

“Cái lần đầu tiên đi cứu sốc, mình run lắm. Rồi thấy nằm mặt mũi bệnh nhân nhìn sợ lắm, nhìn tái xám, lúc ấy mình cũng chưa có kinh nghiệm đâu. Mình sờ mạch, sờ nhịp tim, chẳng thấy gì, mình bảo hay là chết rồi. Lúc bệnh nhân tỉnh mình cảm thấy sướng lắm, reo lên bảo: Thôi tỉnh rồi, sống rồi, sống rồi!", anh Tấn nhớ lại.

Cứu sốc 24/24, bất kể nắng mưa, sớm tối, có chuông điện thoại, là anh lại lên đường. Mỗi lần cứu sốc thành công, là một lần anh và các đồng đội thở phào nhẹ nhõm và có thêm động lực cho công việc “vác tù và hàng tổng” này.

Rồi không tránh khỏi những lần làm ơn nhưng mắc oán. Khi nạn nhân tỉnh dậy, vu cho anh lấy đồ đạc, hay quát mắng, có khi anh còn phải bỏ tiền túi để họ bắt xe ôm về. Rồi có cả những lần cứu sốc cười ra nước mắt. Anh nhớ lại kỷ niệm khi nạn nhân tỉnh dậy, lên cơn thèm nhớ và tìm thuốc. Thấy gói thuốc bên người nạn nhân, anh đã nhanh trí giấu để tránh việc người đó dùng lại và bị sốc. Thế rồi cả chiều hôm ấy, anh đưa người bạn mới quen đi chơi lòng vòng, đến cả khu vui chơi trẻ em để khuây khỏa cơn thèm nhớ. Đến khi thực sự yên tâm, anh Tấn mới đưa anh bạn về tận nhà gặp gia đình.

Nhìn lại chặng đường đời đã qua, anh Tấn càng thấm thía hơn những câu nói trong di chúc bố để lại “Con nên chịu khó học. Nhà mình chỉ có giấy bút, đèn sách thì con mới thành người”. Hành trình anh ngược dòng, đoạn tuyệt với ma túy và quay lại hỗ trợ cộng đồng, thực sự là một cơ duyên.

Từng là người trong cuộc, hơn ai hết anh thấu hiểu nỗi lòng và sự mặc cảm của những người nghiện ma túy. Anh Tấn nói: "Mình đã trải qua, mình biết. Ma túy như là một con ma. Bản thân mình cố gắng như nào mình biết, lúc mình nhìn vợ con khổ, mình chỉ muốn bỏ ma túy để cuộc sống của vợ con đầy đủ hơn. Thế nhưng mà không làm thế nào để bỏ được. Cứ đến lúc vật lên là lại phải mò đi chơi thuốc".

Anh Tấn cũng kể về cái ngày vợ bảo anh xuống xã để đăng ký giấy khai sinh cho con, anh đi những hai lần, mà lần nào cũng chỉ dám đến chỗ công an rồi quay về. Vì sợ vào trong, rồi người ta hỏi han mình sử dụng ma túy hay tác phong mình ăn mặc, những người như anh hồi đó thực sự thấy xấu hổ và mất tự tin. Nhưng rồi anh Tấn, với giọng nói đầy lạc quan, chia sẻ những câu chuyện tại mảnh đất Phú Lương, nơi cuộc sống của nhiều người tham gia điều trị methadone đang dần ổn định và tươi sáng hơn.

“Trước kia, khi nghiện, có khi ngủ đến 9-10h sáng, dậy chỉ nghĩ đến đi quay thuốc. Giờ nhiều bạn chịu khó, người đi hái chè, sửa sang nhà cửa, vợ con nhìn tươi tắn hơn hẳn. Nói thật trước kia, nhìn vợ của nhiều bạn rất khổ. Mình cũng từng như thế, lúc bí lên là bán hết, nhưng bây giờ nhìn lại, nhiều người uống methadone, mùa hè nóng bức lắp được cái điều hòa, rồi mua được quạt, đài, điện, cuộc sống của họ đã tốt lên rất nhiều", anh Tấn nói.

Tâm sự về mơ ước cho riêng mình, anh chỉ mong sao mai này, những bữa cơm gia đình vẫn cứ tràn ngập tiếng cười. Anh Tấn đặt tên con trai là Trung Hiếu, mong con sau này lớn lên hiếu thảo, không bỏ cuộc trước những thử thách và can đảm ngược dòng, sống một cuộc đời tử tế và trọn vẹn nghĩa tình.

Người đàn ông 26 năm làm nghề bốc mộ và những lần giật bắn mình khi lật nắp áo quan
Gần 30 năm làm công việc bốc mộ, không ít lần ông Đạt gặp phải những cảnh tượng kinh hoàng, nhưng ông vẫn hoàn thành công việc vì trách nhiệm với gia...
Thảo Trang- Yến Nhi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động