Nhìn cha mẹ chạy, học, khóc, cười cùng con mới thấy thương làm sao lớp học đặc biệt của những đứa trẻ tự kỷ

Thiên Phát - Ngày 01/04/2024 07:00 AM (GMT+7)

Những đứa trẻ ú ớ chào thầy, ngờ nghệch nhìn bạn bè xung quanh rồi học theo từng động tác được hướng dẫn. Chốc chốc, tiếng cười đùa của những học viên “đặc biệt” cùng lời hò reo, cổ vũ đến từ các bậc cha mẹ lại vang lên.

Đó là lớp học điền kinh dành cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao TP.HCM do lão tướng thể thao khuyết tật Trịnh Công Luận (52 tuổi) đứng lớp. 10 tháng qua, cứ đúng 16h thứ ba hàng tuần, thầy Luận lại chập chững ra sân để gặp những cậu học trò đặc biệt.

Dù đi lại khó khăn, thầy Luận vẫn đến bên cạnh từng bạn để chỉnh sửa động tác cho chính xác.

Dù đi lại khó khăn, thầy Luận vẫn đến bên cạnh từng bạn để chỉnh sửa động tác cho chính xác. 

Lớp học của sự kiên nhẫn và yêu thương

Bị sốt bại liệt từ lúc 11 tháng tuổi khiến 2 chân không thể đi lại bình thường, thầy Luận đã trải qua quãng thời gian vô cùng khó khăn. Nhưng bằng ý chí và nghị lực vươn lên, khát khao được cống hiến và làm chủ chính bản thân, sau khi có cơ hội lên TP.HCM để học tập, thầy Luận tham gia vào câu lạc bộ thể thao rồi dần dần trở thành một VĐV khuyết tật chuyên nghiệp.

Khi gặp gỡ và tiếp xúc với những đứa trẻ tự kỷ, chậm phát triển, thầy Luận có sự đồng cảm sâu sắc với những khó khăn mà các em phải trải qua. Chính vì vậy, thầy muốn mang đến một sân chơi thể thao hoàn toàn miễn phí để giúp những đứa trẻ tự kỷ, chậm phát triển dần tìm lại niềm vui trong cuộc sống. 

Từng là VĐV thi đấu chuyên nghiệp, thầy Trịnh Công Luận mang đến lớp học này một giáo án “đặc biệt”, đó là “kiên nhẫn”.

Từng là VĐV thi đấu chuyên nghiệp, thầy Trịnh Công Luận mang đến lớp học này một giáo án “đặc biệt”, đó là “kiên nhẫn”. 

“Tôi hiểu được sự khó khăn trong đi lại, sinh hoạt, giao tiếp cộng đồng của các em nên muốn đem những kiến thức, kinh nghiệm mình đã trải qua để giúp các em hòa nhập tốt hơn. Dù tiếp thu chậm nhưng các em luôn có sự cố gắng. Đặc biệt, tôi cảm nhận được tình cảm mà các em dành cho tôi, đó cũng là động lực để tôi đồng hành với các em suốt thời gian qua”, thầy Luận chia sẻ về lớp học đặc biệt của mình.

Khi những đứa trẻ bắt đầu chạy theo chỉ dẫn của thầy Luận, chú Hồ Tuấn Nghĩa (62 tuổi, ngụ Tân Phú) đảo mắt tìm con. Nhờ có lớp học này, chàng trai 26 tuổi tên Thiên Phước cũng trở nên dạn dĩ và ít bệnh vặt hơn xưa.

Giao tiếp trong lớp học là một yếu tố quan trọng giúp các bạn trẻ rèn luyện việc chia sẻ cảm xúc và ứng xử xã hội.

Giao tiếp trong lớp học là một yếu tố quan trọng giúp các bạn trẻ rèn luyện việc chia sẻ cảm xúc và ứng xử xã hội.

Nhìn thấy con hì hục chạy trên sân tập, chú Nghĩa cười hạnh phúc: “Chú còn khoái cho nó đi, muốn cho nó hoạt động nhiều hơn nữa. Vô đây con chú và các bé tiếp xúc, trò chuyện với nhau, hòa nhập hơn trước nhiều lắm. Thấy con mình như vậy, các bậc làm cha mẹ ai cũng vui mừng cả”. 

Chú Nghĩa cho biết, dù lớp học của thầy Luận hoàn toàn miễn phí nhưng việc tổ chức lớp học rất bài bản và hiệu quả. “Thử coi kiếm được lớp học nào như vậy không? Có được những lớp học như thế này dành cho các bé tự kỷ, chậm phát triển, phụ huynh mừng lắm. Nên là dù ở xa mấy cũng ráng mà đi, không có phụ huynh nào nản đâu”, chú Nghĩa khẳng định.

Nhìn cha mẹ chạy, học, khóc, cười cùng con mới thấy thương làm sao lớp học đặc biệt của những đứa trẻ tự kỷ - 4

Chú Nghĩa kiên trì dành nhiều thời gian cho con trai để vợ mình có thể đi làm và chu toàn về mặt tài chính.

Với các bé tự kỷ, chậm phát triển, ứng xử của các bạn đôi khi ngờ nghệch, trí nhớ kém, phản ứng không nhanh nhẹn nên kiên nhẫn là yếu tố quyết định để chỉ bảo cho các em. “Quan trọng nhất là phải kiên nhẫn với các em, nhiều khi 1 động tác phải chỉ tới chỉ lui cả một buổi học. Hôm nay không được thì ngày mai tập tiếp cho các bạn. Nhìn các bạn mỗi ngày tiến bộ một chút là tôi vui rồi”, thầy Luận chia sẻ.

Cha mẹ cùng học, cùng khóc cười với con

Được cha chở đến lớp, anh Nguyễn Tuấn Dũng (41 tuổi, ngụ quận 3) nói từng từ chậm rãi và ngắt quãng khi bày tỏ cảm xúc: “Vui, tập điền kinh, chạy có sức khỏe, được năm rồi”. Tuy đã sang trung niên, khả năng nhận biết, nói chuyện của anh vẫn còn ở cấp tiểu học. Ngoài điền kinh ở lớp thầy Luận, anh Dũng cho biết còn được cha cho đi học nhiều môn thể thao khác nên anh rất vui.

Anh Dũng là học viên chăm chỉ của lớp, anh chia sẻ bộ môn yêu thích của anh là điền kinh cho thầy Luận hướng dẫn.

Anh Dũng là học viên chăm chỉ của lớp, anh chia sẻ bộ môn yêu thích của anh là điền kinh cho thầy Luận hướng dẫn. 

“Mỗi một môn có số lượng thầy cô khác nhau, hễ càng nhiều thì sẽ quản lý được lớp đông hơn”, chị Đoàn Thị Kim Thoa (ngụ Bình Tân) kể một loạt các lớp học vô cùng đa dạng: “Thứ năm bóng chày, thứ bảy võ và Aerobic, chủ nhật đông nhất là học đá banh”.

Tham gia lớp bóng chày, người thân của các học viên “đặc biệt” bất đắc dĩ trở thành trợ giảng không lương. Chị Kim Thoa chỉ vào đứa em trai Đoàn Thanh Phong (18 tuổi) rồi nói tiếp: “Lúc nó học, mình phải theo sát và phụ giúp giáo viên nữa. Thầy cô kêu chạy tới góc nào, đánh quả bóng chày ra sao, mình cũng sẽ quan sát để chỉ lại cho em. Phong hơi tăng động, ưu điểm của em là thể chất tốt. Khác với một số bạn học được chữ và biết tính toán, Phong chỉ học một thời gian rồi quên nên phải học liên tục”.

Buổi học luôn có sự đồng hành của phụ huynh như các PT (huấn luyện viên cá nhân) để theo dõi sức khỏe và hành vi của con em.

Buổi học luôn có sự đồng hành của phụ huynh như các PT (huấn luyện viên cá nhân) để theo dõi sức khỏe và hành vi của con em.

Dõi theo con, chú Hồ Tuấn Nghĩa có thể xử trí kịp thời nếu con bị lên cơn động kinh hoặc thở quá gấp. “Đưa con tới đây thường xuyên, chú được hội phụ huynh truyền nhau bí quyết để chăm sóc, hỗ trợ cho con được tốt hơn. Chẳng hạn như mọi người chỉ cho chú dấu hiệu khi con mình đau bụng, nhức đầu, con học gì là mình cũng học nấy để khi về nhà, con bất chợt hỏi mình còn biết cách trả lời”, chú Nghĩa hào hứng kể.

“Hội phụ huynh” trở nên thân thiết với nhau nhờ chia sẻ những kinh nghiệm, giúp nuôi dạy con tự kỷ, chậm phát triển đỡ vất vả hơn.

“Hội phụ huynh” trở nên thân thiết với nhau nhờ chia sẻ những kinh nghiệm, giúp nuôi dạy con tự kỷ, chậm phát triển đỡ vất vả hơn. 

Từ khi tham gia lớp học điền kinh của thầy Luận, không chỉ chú Nghĩa, chị Thoa mà tất cả các phụ huynh khác đều cảm nhận rõ rệt sự thay đổi về sức khỏe, sức vóc của con em mình. Với sự hỗ trợ địa điểm tập luyện từ Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao TP.HCM, lớp học 0 đồng của thầy Luận đã và đang trở thành môi trường sinh hoạt lành mạnh vừa nâng cao sức khoẻ, vừa giúp những đứa trẻ tự kỷ, chậm phát triển có thêm cơ hội giao tiếp, hoà nhập cộng đồng. Từ đó tiếp thêm động lực, lan tỏa tình yêu thương dành cho những bạn trẻ kém may mắn có cơ hội cải thiện bản thân, cảm ơn thầy Luận, cảm ơn các bậc phụ huynh vì luôn là những người đặc biệt của những đứa trẻ đặc biệt!

Nhìn cha mẹ chạy, học, khóc, cười cùng con mới thấy thương làm sao lớp học đặc biệt của những đứa trẻ tự kỷ - 8

Sự thật bất ngờ đằng sau hình ảnh người phụ nữ bại liệt dẫn người đàn ông mù đi bán vé số ở Bình Dương
Đi 1 khu chợ, ăn 2 bữa cơm, trong 18 tiếng và bán 300 tờ giấy là công việc mỗi ngày của chị Nhàn và anh Khánh suốt một năm nay. Họ cũng chỉ bán duy...

Nhân vật

Theo Thiên Phát
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Việc tử tế