Đây là những sai lầm trong giao tiếp mà rất nhiều người mắc phải, khiến bản thân họ "mất điểm" trong mắt người đối diện.
1. Giới thiệu bản thân một cách rụt rè, thiếu tự tin
Để tạo thiện cảm với người đối diện, ấn tượng ban đầu là điều rất quan trọng. Nhiều người vì cảm giác ngại ngùng, lo lắng khi đứng trước những người mình không quen nên không giữ được sự tự tin mà rất rụt rè, nói ngập ngừng.
Thay vì vậy, hãy đơn giản là nói câu "xin chào", nở một nụ cười tươi để tạo những thiện cảm ban đầu.
2. Không giới thiệu người đi cùng mình cho người khác
Không ai muốn bản thân mình trở thành "người vô hình" trong buổi gặp mặt. Cảm giác đi cùng một người nhưng người ấy lại trò chuyện với người khác và chẳng hề đả động gì tới bạn thật chẳng thích thú chút nào phải không.
Nhớ đừng bao giờ quên sự hiện diện của người bên cạnh mình. Nếu bạn đi cùng người khác tới buổi tiệc, hãy giới thiệu họ với những người bạn gặp mặt.
3. Quên tên người khác
Nhiều người sẽ đưa ra những lý do để biện minh cho việc này như: vì trí nhớ kém, vì tên khó nhớ, vì tên không phổ biến... Tuy nhiên những lý do này đều không giúp đối phương cảm thấy khá hơn.
Khi gặp ai đó và bắt đầu cuộc trò chuyện, hãy cố nhớ tên ngay khi người kia giới thiệu các thông tin cơ bản về mình. Lời khuyên ở đây là bạn nên gọi tên đối phương ít nhất 2 lần trong cuộc trò chuyện để giúp hai người trở nên thân thiết hơn.
4. Giải thích về những điều chẳng ai quan tâm
Đừng bao giờ phí hoài năng lượng vào những vấn đề chẳng ai quan tâm. Đây là một lỗi khá nhiều người hay mắc phải, khi nói tràng giang đại hải về một vấn đề mà người nghe không hề hứng thú.
Một người chỉ thích nằm nghe nhạc sẽ không thích thú khi phải nghe bạn thao thao bất tuyệt về chế độ tập luyện, dinh dưỡng cần thiết cho một vận động viên. Một cô nàng độc thân cũng sẽ cảm thấy lạc lõng giữa những câu chuyện dài bất tận về cách nuôi nấng, chăm sóc con. Hãy lựa chọn chủ đề mọi người cùng biết để cuộc trò chuyện trở nên sôi nổi hơn.
5. Chỉ nói về bản thân mình
Chúng ta thường thích thú khi nói về bản thân mình song hãy tưởng tượng xem, nếu trong cuộc trò chuyện mà người đối diện chỉ nói về bản thân họ, bạn sẽ cảm thấy thế nào?
Thay vì bắt đầu mọi câu chuyện bằng chữ "Tôi...", hãy thể hiện sự quan tâm của bạn dành cho đối phương bằng những câu hỏi quan tâm hay chủ đề cả hai cùng hứng thú.
6. Nói xấu người khác
Một người hay để ý và nói xấu người khác sẽ rất khó để tạo được những hình ảnh đẹp trong mắt người khác. Nhiều người có thói quen đem những câu chuyện của người khác, vốn chẳng liên quan tới bản than mình để phán xét, mổ xẻ.
Dù là người đó có phải bạn chung của hai bạn không, đừng nói xấu mà hãy cố gắng nói một cách khách quan nhất và tránh những bình luận tiêu cực.
7. Nói chuyện lí nhí, thiếu tự tin
Một người nói chuyện luôn lí nhí, nói với thái độ thiếu tự tin sẽ khiến đối phương cảm thấy nhàm chán và không còn hứng thú với câu chuyện.
Dù đó là câu nói gì, một câu hỏi hay một lời cảm ơn, hãy cố gắng nhìn vào mắt người đối diện và nói thật rõ ràng.
8. Trả lời câu hỏi một cách cụt lủn
Đừng bao giờ chỉ trả lời câu hỏi của người khác bằng một, hai từ cụt lủn. Những câu trả lời kiểu nhát gừng này đễ khiến đối phương cảm thấy bạn không tôn trọng họ. Thay vì đó, hãy thêm một vài nhận xét, câu nói đùa hay hỏi lại người ấy.
9. Luôn than vãn
Bạn cảm thấy cuộc đời này thật bất công khi nhìn sang những người xung quanh? Đừng ngồi đó mà than thở vì sự thật là điều đó không giúp ích gì cho bạn mà còn khiến bản thân bị bao vây bởi nguồn năng lượng tiêu cực.
Khi bạn suốt ngày than thở về một vấn đề gì đó mà không có dấu hiệu cải thiện được, điều này chỉ khiến bạn trở nên nhàm chán trong mắt người khác. Bạn có thể chia sẻ về vấn đề mình gặp phải song với thái độ cầu thị, muốn tìm ra cách giải quyết vấn đề đó.
10. Tự phá vỡ những nguyên tắc của mình
Nếu bạn nói một đằng làm một nẻo, không có chính kiến thì người khác sẽ khó lòng mà đặt niềm tin vào bạn. Đừng ngại công khai những quan điểm của mình và tuân thủ các quy tắc bản thân đã đặt ra. Đó sẽ là điều giúp bạn nhận được sự tôn trọng từ phía người khác.