Trong quá trình giao tiếp nơi công sở, dân văn phòng chớ dại nói 5 câu dưới đây để mất điểm trong mắt cấp trên và đồng nghiệp.
“Đó không phải là việc của tôi”
Đây không phải là câu nói yêu thích của những người thành công. Nó khiến bản thân bạn trở nên xấu đi trong mắt cấp trên cũng như đồng nghiệp vì sự vô trách nhiệm, thiếu chuyên nghiệp.
Nếu bạn bị sếp giao một công việc không đúng nguyên tắc, hãy khéo léo giải thích và từ chối thay vì đưa ra một câu nói cụt ngủn thiếu trách nhiệm như trên. Nếu đó là một sự nhờ vả của đồng nghiệp, nên nhớ rằng, họ chắc chắn có lý do và tin rằng bạn có năng lực để giải quyết vấn đề đó. Trong mọi tình huống, hãy thể hiện mình là người có tinh thần làm việc theo nhóm, cầu thị và sẵn lòng giúp đỡ người khác khi có thể.
"Tôi có thấy bạn làm gì đâu mà kêu bận?"
Không một người sếp nào bỏ tiền ra để thuê một nhân viên về chơi không. Trong mỗi công ty, mỗi người nhân viên đều có công việc khác nhau, điều ta cần quan tâm là đích đến mỗi người đạt được.
Khi bạn thấy họ rảnh rỗi, đừng đánh đồng rằng họ không làm gì cả và cảm thấy ghen tỵ với sự thiên vị đó. Trái lại, điều đó có thể hoàn toàn là do họ biết cách sắp xếp công việc hơn ta để có được thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Đừng bao giờ thể hiện sự coi thường hay ganh ghét đố kỵ khi chưa hoàn toàn hiểu rõ về công việc của họ.
“Đừng nói cho ai biết điều tôi vừa kể nhé!”
Việc nói chuyện, tán gẫu trong giờ giải lao giúp đồng nghiệp có thể hiểu về nhau nhiều hơn song "tám" chuyện riêng của người khác lại không phải là ý tưởng hay chút nào. Bạn có thể "tám" khi ăn trưa, "tám" trong vài phút nghỉ ngơi của cuộc họp căng thẳng, thậm chí tranh thủ "tám" trong nhà vệ sinh song tuyệt đối đừng bao giờ lôi cuộc sống cá nhân của người khác ra để "tám".
Khi họ lựa chọn bạn làm người lắng nghe bí mật của họ, điều đó chứng tỏ với họ bạn rất quan trọng và họ tin tưởng vào bạn. Vì vậy, hãy giữ câu chuyện đó như một bí mật của riêng hai bạn mà thôi, không nên nói tiếp với người thứ 3, tránh để người thứ 4, thứ 5 rồi thứ n cùng biết. Ngay cả khi thông tin đó có vẻ vô hại, nó hoàn toàn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người đồng nghiệp kia.
Bạn buôn chuyện về người khác thì họ cũng có thể sẽ lôi chuyện của bạn ra để bàn tán. Bởi vậy, thay vì "hóng" chuyện nhà người ta, hãy dành những phút rảnh rang để chia sẻ những thông tin hữu ích đến đồng nghiệp.
“4 năm rồi tôi không được tăng lương”
Nhà quản lý sẵn sàng tăng lương khi họ thấy được sự đóng góp của bạn với công ty, thấy bạn xứng đáng với một chế độ tốt hơn. Việc nói ra câu nói trên mà không đi kèm hành động chỉ cho thấy thứ bạn muốn là nhiều tiền hơn. Hãy thể hiện cho cấp trên thấy được rằng việc tăng lương cho bạn là hoàn toàn chính đáng bằng việc làm việc chăm chỉ, cống hiến nhiều hơn cho công ty.
“Nếu không... thì...”
Việc đưa ra "tối hậu thư" nơi công sở không phải là điều được khuyến khích. Điều này khiến người đối diện không mấy có thiện cảm với bạn và thường không mang lại kết quả tốt đẹp. Thậm chí, kiểu nói này còn khiến đồng nghiệp cảm thấy bạn là người thích thể hiện, khó tính, thích bắt bẻ người khác.