Tình hình tài chính của bạn có như bản thân mong muốn không? Bạn có biết giá trị ròng của mình là bao nhiêu không? Dòng tiền hàng tháng của bạn là dương hay âm? Nếu các câu trả lời "không", bài viết này sẽ giúp bạn quản lý tiền của mình tốt hơn, nhanh chóng đạt được mục tiêu mong muốn.
1. Tính giá trị ròng của bạn (Tài sản và nợ phải trả)
Bước đầu tiên để quản lý tiền bạc là bạn cần biết mình sở hữu những gì và nợ bao nhiêu. Nhiều người vẫn luôn mặc định điều này rất khó khăn song toán giá trị tài sản ròng có lẽ là bước đơn giản nhất để bạn bắt đầu hoặc học cách quản lý tài chính.
Để tính giá trị ròng, hãy lấy tổng tài sản trừ đi tổng nợ phải trả (Tài sản - Nợ phải trả = Giá trị ròng). Trong đó, tài sản bao gồm tiền từ tài khoản séc và tiết kiệm, xe, cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản… Nợ phải trả bao gồm các khoản vay sinh viên, thế chấp, vay mua ô tô, vay cá nhân, số dư thẻ tín dụng và bất kỳ khoản nợ nào khác mà bạn có thể có.
Nếu khoản nợ của bạn cao hơn tài sản dẫn đến giá trị ròng âm thì đó không phải là một dấu hiệu tốt. Nó có nghĩa rằng bạn cần thay đổi, nhanh chóng trả hết nợ và tiết kiệm tiền.
2. Thu nhập và Chi phí
Phần tiếp theo của việc quản lý tài chính là kiểm tra tài khoản ngân hàng của bạn chặt chẽ hơn để xem bạn đã kiếm được bao nhiêu và chi bao nhiêu. Tìm ra dòng tiền của bạn và tạo ngân sách đóng vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức tài chính. Chúng cho thấy bạn đang có tình hình tài chính thế nào, hiểu được dòng tiền hàng tháng.
Hãy liệt kê tất cả thu nhập trong tháng của bạn, sau đó viết ra các chi phí hàng tháng, trừ hai khoản cho nhau, bạn sẽ biết mình có bao nhiêu tiền cho những việc khác. Bạn có thể đơn giản là viết ra sổ hoặc chọn bảng tính excel hay các ứng dụng khác.
3. Tính toán dòng tiền tổng thể của bạn
Sau khi đã biết mình kiếm được và chi bao nhiêu tiền, bạn có thể sử dụng những con số đó để tính toán dòng tiền. Để tính toán dòng tiền hàng tháng, hãy lấy thu nhập của bạn và trừ chi phí của bạn.
Trong quản lý tiền bạc, dòng tiền của bạn về cơ bản là “tiền vào và tiền ra”. Đây là công cụ hữu ích nhất trong nỗ lực quản lý tài chính, giúp bạn biết chiến lược tài chính nào phát huy hiệu quả.
Khi thu nhập của bạn tăng lên và chi phí giảm xuống, phép tính này sẽ cho bạn thấy bằng chứng cụ thể rằng bạn đang đi đúng hướng.
4. Đánh giá tài chính cá nhân của bạn từ những điều trên
Có được những con số trên là điều tuyệt vời nhưng hiểu được nó lại là một câu chuyện khác. Bạn cần chúng để biết bạn đang ở đâu, có thể tiết kiệm từ khoản nào và tăng thu nhập ở đâu…
- Giá trị ròng
Mục tiêu của bạn là giá trị tài sản ròng phải luôn dương. Nếu giá trị tài sản ròng của bạn âm thì đó là một lời cảnh tỉnh để bạn kiểm soát tốt hơn tình hình tài chính của mình. Kiến thức là sức mạnh. Khi bạn biết giá trị tài sản ròng của mình, hãy đặt ra mục tiêu tài chính có thể đạt được để gia tăng giá trị đó.
- Dòng tiền
Dòng tiền của bạn phải là một con số dương. Nếu bạn có dòng tiền âm, bạn đang khiến tiền chảy từ tài khoản của mình. Đôi khi, bạn có thể có một tháng chi tiêu quá tay song đừng để nó xảy ra thường xuyên. Tiền đề của việc biết dòng tiền của mình là duy trì ngân sách và nắm bắt tình hình tài chính của bạn. Khi theo dõi các khoản chi tiêu, bạn sẽ có bức tranh rõ ràng hơn về những khoản chi lớn nhất hàng tháng.
5. Tạo ngân sách hàng tháng và hàng năm
Giờ thì bạn đã biết mình đang ở đâu và có thể quản lý tiền của mình tốt hơn. Ngân sách là điều bắt buộc và đảm bảo tuân theo ngân sách đó sẽ khiến bạn có thể tiến xa hơn trên con đường đạt được tự do tài chính. Nhớ rằng ngân sách cần được tuân thủ nghiêm ngặt nhưng đôi lúc bạn cũng cần điều chỉnh khi thực sự cần thiết.
6. Luôn có động lực
Bước tiếp theo để bản quản lý tốt tiền của mình là giữ tư duy tích cực về tiền bạc. Nếu bạn bắt đầu có tư duy tiêu cực về tiền bạc hoặc không hài lòng với kế hoạch quản lý tiền của mình thì mọi việc sẽ dễ đi theo chiều hướng xấu hơn.
Vì sao việc quản lý tài chính lại quan trọng với bạn? Bạn muốn nhanh chóng đạt được tự do tài chính hay tiết kiệm để có thể bắt đầu đầu tư hoặc nghỉ hưu sớm? Bạn có muốn trả hết nợ nhanh hơn?
Một khi bạn có mục tiêu của mình, việc tạo động lực sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
7. Đánh giá liên tục
Sau khi hoàn thành các bước trên, điều quan trọng là phải định kỳ xem lại và thực hiện những thay đổi khi cần thiết. Đừng quay lại con đường cũ sau khi đã biết được tình hình tài chính của bạn. Nếu có sai lầm xảy ra, không sao cả, hãy đứng dậy và bắt đầu lại.
Việc xem xét tình hình tài chính của bạn hàng năm là một thói quen tuyệt vời. Bằng cách so sánh giá trị ròng của bạn từ năm này sang năm khác, bạn có thể thấy nó đang phát triển. So sánh ngân sách hàng tháng của bạn từ năm này sang năm khác, bạn biết mình đang sống dưới khả năng.
8. Thư giãn
Nhiều người có thể không tin song thỉnh thoảng dừng lại một chút để hít thở thật sâu là điều quan trọng trong hành trình của bạn. Việc quản lý tài chính có thể trở nên căng thẳng hơn, khiến bạn muốn nhanh chóng từ bỏ. Vì vậy, đừng quên thưởng cho mình những phút giây nghỉ ngơi, đi xem phim, gọi đồ ăn mang đi hoặc lên kế hoạch cho một chuyến đi nhỏ vào cuối tuần…