Bạn từng rơi vào những cuộc trò chuyện không hồi kết khi đối phương mãi thao thao bất tuyệt về những chủ đề ngày càng lan man? Hãy đọc bài viết sau để biết 8 cách tự cứu bản thân khỏi những người nói quá nhiều đó.
1. Nghe một cách lịch sự
Điều đầu tiên bạn nên làm với những người nói một cách thao thao bất tuyệt chính là nghe một cách kiên nhẫn, lịch sự. Có thể, họ đang cố gắng diễn đạt, chia sẻ mất chốt của vấn đề mà chưa làm được hoặc cũng có thể họ chỉ đang muốn thể hiện điều gì đó và mong nhận lại sự ngưỡng mộ từ bạn.
Hãy nghe một cách cẩn thận và nắm từ khóa xem có phải họ đang muốn nói về một điều gì đó quan trọng không. Nếu đúng, an tâm rằng sau khi nắm bắt được ý chính, cuộc hội thoại sẽ không diễn ra lâu đâu.
2. Hỏi họ đâu là ý chính
Chắc hẳn bạn từng rơi vào những cuộc trò chuyện không biết bao giờ mới đến hồi kết khi người trò chuyện cùng bị lan man khỏi chủ đề chính khiến bạn không biết mục đích của cuộc trò chuyện là gì.
Trong tình huống này, hãy tỉnh táo nhắc nhở hoặc hỏi thẳng người đối diện xem họ đang muốn nói gì, đâu là ý chính của cuộc hội thoại. Bạn hoàn toàn có quyền làm vậy. Đây chính là cách kéo họ về với đúng mục đích muốn nói và là một cách yêu cầu họ tôn trọng thời gian của bạn.
3. Xin phép ngắt lời
Sau tất cả những nỗ lực trước đó của bạn để kết thúc cuộc trò chuyện mà đối phương vẫn không dừng lại thì có lẽ đã đến lúc bạn phải quyết đoán hơn. Hãy hỏi một cách lịch sự và mạnh dạn rằng liệu họ có phiền khi bạn ngắt lời họ.
Một số người sẽ nhận ra rằng cuộc trò chuyện đã kéo dài quá lâu, số khác có thể đề nghị bạn để họ nói nốt ý của mình.
4. Lật ngược tình thế
Sau khi đã lịch sự lắng nghe, tìm cách ngắt lời mà không có hiệu quả, bạn hoàn toàn có thể thoát khỏi kẻ nói nhiều kia bằng cách lật ngược tình thế.
Bạn có thể nói sang những chủ đề vô thưởng vô phạt, về thú cưng của bạn, về bản thân hay về những người thân có sức ảnh hưởng đối với bạn. Đây là cách bạn khiến họ phải đứng trong vị trí người nghe, giúp họ nhận ra mình đã độc thoại quá nhiều và đến lúc cần dừng lại.
5. Nói cho họ biết bạn không có thời gian
Đôi khi, đối phương không đủ nhạy cảm để nhận ra các dấu hiệu khi đang trong cuộc hội thoại. Trong trường hợp này, bạn có thể nói thẳng thắn với họ rằng, bạn không có thời gian để nghe họ kể lể. Hãy cho họ biết bạn đang rất bận và không muốn bị làm phiền thêm nữa.
Bạn có thể hẹn họ rằng cuộc hội thoại sẽ được tiếp tục sau khi bạn hoàn thành công việc dang dở. Và khi họ tiếp tục quay lại để làm phiền, bạn hoàn toàn có thể trả lời họ rằng "Xin lôi! Tôi vẫn chưa xong việc!".
6. Giới hạn thời gian trò chuyện
Hãy chủ động cho đối phương biết thời lượng bạn mong muốn cho cuộc trò chuyện. Trong một vài trường hợp, bạn hoàn toàn có thể than phiền về sự hạn hẹp về thời gian mà bạn có trong khi cuộc trò chuyện lại đang bị đi quá xa nội dung chính.
Nếu cảm thấy họ thực sự không muốn kết thúc cuộc nói chuyện, bạn có thể đề nghị chuyển sang một khoảng thời gian cụ thể khác. Một lý do lịch sự là không phải bạn không muốn nghe họ nói mà chỉ là vì bạn có quá nhiều công việc cần hoàn thành.
7. Thể hiện rõ sự không thích thú
Nếu người đối diện cứ mãi nói hươu nói vượn, đưa câu chuyện đi ngày càng xa và không quan tâm gì đến cảm giác của bạn, đây là lúc bạn cần dừng họ lại. Mục đích của họ khi gặp bạn chỉ để kể câu chuyện cuộc đời họ cho bất cứ ai họ bắt gặp. Nếu tất cả các mẹo phía trên không giúp ích được cho bạn thì câu nói "Tôi không thích nghe" chắc chắn sẽ cứu nguy cho bạn.
Hãy dùng ngôn ngữ cơ thể cùng với thái độ không thích thú trên gương mặt sẽ khiến đối phương hiểu rằng bản thân mình không được chào mừng nữa.
8. Rời đi
Cách làm này tuy không được lịch sự song nó thực sự hiệu quả. Nếu họ không quan tâm đến việc bạn đang có rất nhiều việc để hoàn thành, không để ý đến thái độ bực bội của bạn khi phải nghe những câu chuyện không hồi kết, hãy đơn giản là vẫy tay chào tạm biệt họ và rời đi.
Sau tất cả những hành động lịch sự, kiên nhẫm mà bạn dành cho họ, bạn có cuộc sống của mình và cần tập trung vào nó. Không ai có thừa thời gian để nghe những câu chuyện không hồi kết.