Việc phát sinh mâu thuẫn là điều khó có thể tránh khỏi. Điều chúng ta có thể kiểm soát là khéo léo lựa chọn ngôn từ để không khiến tình hình trở nên căng thẳng. Dưới đây là những câu nói khôn ngoan giúp bạn xoa dịu mọi cuộc tranh cãi, khiến cuộc trò chuyện phát triển theo hướng xây dựng hơn.
-
Tốc độ phátChuẩn
-
Giọng đọc
Trước khi bất kỳ cuộc trò chuyện nào biến thành một trận la hét lẫn nhau, chỉ với một vài thay đổi nhỏ, bạn có thể khiến tình hình trở nên thân thiện hơn. Nếu bạn nhận thấy mình hoặc người đang nói chuyện đang dần khó kiểm soát được cảm xúc, hãy dừng lại, không nói gì trong một hoặc hai nhịp, hít sâu thở chậm vài lần. Những câu nói dưới đây sẽ giúp bạn nhanh chóng xoa dịu tình hình, hướng cuộc trò chuyện đến với sự tích cực và mang tính xây dựng hơn:
1. "Bạn vừa nói là..."
Đa phần mọi người tức giận nhất khi họ cảm thấy mình bị đối phương gạt bỏ, phớt lờ hoặc hiểu lầm. Đó là lý do tại sao chúng ta nên nhắc lại những gì ai đó đã nói với mình. Điều này nhằm thể hiện rõ sự quan tâm của bạn đến quan điểm của đối phương. Nếu ai đó lỡ nói điều gì mà họ hoàn toàn không có ý đó, hoặc những gì bạn nghe không đúng ý họ thì họ cũng có cơ hội để đính chính.
2. "Bạn cần gì bây giờ?"
Một lần nữa, bạn đang cho người kia thấy được sự quan tâm của bạn đến nhu cầu của họ. Bạn cũng đã mở ra cánh cửa để tìm kiếm sự thỏa hiệp mang tính xây dựng vì việc giải quyết những vấn đề cấp bách nhất của họ có thể cho bạn thời gian và thiện chí để tìm ra giải pháp lớn hơn, mang tính lâu dài hơn.
3. "Điều gì có thể khiến bạn vui?"
Đây là câu nói phát triển hơn của câu nói số 2. Câu nói này sẽ gửi đi thông điệp rằng bạn quan tâm đến điều có thể làm đối phương vui, hạnh phúc của họ. Một câu nói đơn giản thôi nhưng sẽ khiến bạn phải ngạc nhiên vì tác dụng nó mang lại với không khí của buổi trò chuyện.
4. "Bạn cảm thấy thế nào?"
Đây là câu nói giúp bạn có thể hiểu hơn về trạng thái cảm xúc và thể chất của người khác. Bạn đang mở ra cơ hội để đối phương chia sẻ về cảm xúc của mình, liệu có sự khó chịu nào trong cảm xúc hoặc thể chất ảnh hưởng đến cuộc trò chuyện hay không.
5. "Tôi buồn vì..."
Chúng ta rất dễ nhầm lẫn giữa nỗi buồn với sự tức giận. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy như mình đang hướng tới một cuộc tranh cãi, hoặc bạn thấy mình đang tức giận, hãy dừng lại một chút và tự hỏi bản thân xem liệu bạn có đang phản ứng với cảm giác mất mát hay không. Đừng ngại chia sẻ với người đối diện về điều bạn buồn, điều này có nghĩa là bạn sẵn sàng bỏ qua sự phòng thủ của mình và thành thật với nhau hơn.
6. "Đi ăn kem thôi!"
Kem là món sẽ giúp cả hai bạn hạ nhiệt theo đúng nghĩa đen và dường như luôn dễ khiến cả người lớn và trẻ con cảm thấy vui vẻ. Đó cũng có thể là một tách cà phê, một ly sữa chua hoặc đơn giản là một cốc nước. Điều quan trọng là cùng nhau thỏa mãn một nhu cầu thể chất cơ bản như đói hoặc khát.
7. "Chúng ta tạm dừng cho đến khi..."
Đôi khi, tất cả những gì bạn cần làm để tránh nổ ra tranh cãi là tạo nên khoảng cách, cho nhau khoảng không gian nhất định để cơn nóng giận nguội đi và đôi bên có cái nhìn bình tĩnh hơn về vấn đề. Nhưng đừng quên đặt ra thời gian cụ thể cho cuộc trò chuyện sau đó, nếu không cả hai bạn sẽ dễ để vấn đề trở thành những xung đột không được giải quyết và sự oán giận âm ỉ.
8. "Nếu... thì sao?"
Luôn có giải pháp cho những vấn đề nổ ra. Vậy tại sao cả hai bạn không cùng nhau đưa ra giải pháp và lựa chọn điều có lợi cho cả hai bên?
9. "Chúng ta có nên thống nhất về điều này không?"
Mọi người thường rơi vào xung đột khi người này cố gắng thuyết phục người kia rằng quan điểm của mình là đúng. Trong nhiều trường hợp, điều đó là không cần thiết. Chúng ta chỉ cần tìm ra một hướng hành động mà cả hai đều có thể chấp nhận được. Lần tới khi bạn thấy mình bị mắc kẹt trong một cuộc tranh luận về hệ tư tưởng hay nguyên tắc, hãy tự hỏi bản thân xem liệu bạn có thể tìm ra giải pháp làm hài lòng cả hai bên thay vì thuyết phục mình đúng hay không.