Nỗi sợ hãi không có việc làm, không có tiền tiết kiệm, không có khoản đầu tư và không thể nghỉ hưu sớm khiến tôi không ngừng suy nghĩ và trở nên có động lực.
(*) Bài viết là chia sẻ của Sam Dogen, người sáng lập trang web tài chính cá nhân Financial Samurai. Anh đạt được khối tài sản trị giá 1 triệu đô la ở tuổi 28 và nghỉ hưu ở tuổi 34 sau 13 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư.
Có khoảng 11,8 triệu người Mỹ với tài sản ròng ít nhất 1 triệu đô la. Theo báo cáo Thông tin thị trường năm 2019 của Spectrem Group, số người này chiếm khoảng 3% dân số Hoa Kỳ. Dù rằng ngày nay việc trở thành một triệu phú không còn như trước đây nhưng đạt được cột mốc đó vẫn là một thành tựu đáng kể.
Trước khi trở thành triệu phú ở tuổi 28, tôi đã tự nhủ mình phải thật thành công khi bước sang tuổi 30. Nỗi sợ hãi không có việc làm, không có tiền tiết kiệm, không có khoản đầu tư và không thể nghỉ hưu sớm khiến tôi không ngừng suy nghĩ và trở nên có động lực.
Sự thật là không có “công thức bí mật” nào ở đây để giúp bạn tích lũy tài sản. Con đường trở thành triệu phú sẽ dễ dàng hơn nhiều khi bạn bắt đầu từ độ tuổi 20 bởi đó là khi bạn có nhiều năng lượng hơn, ít phụ thuộc hơn và ít mất mát hơn.
Dưới đây là 9 quy tắc đã giúp tôi đạt được giá trị ròng 1 triệu đô la ở tuổi 28:
1. Tập trung học tập
Say sưa với mạng xã hội, điện tử hay lười biếng chỉ khiến điểm của bạn ngày càng tệ. Hãy là một trong số những người thuộc top 1% của trường. Bạn đã tốn rất nhiều tiền cho việc học của mình, vậy tại sao không tận dụng thật hiệu quả?
Bạn có thể nói rằng điểm số không quan trọng nhưng sự thật nó sẽ giúp ích bạn trong việc cạnh tranh trên thị trường việc làm. Tốt nghiệp với điểm trung bình 3,78 (thang điểm 4) đã giúp tôi tìm được việc làm tại Goldman Sachs. Tất nhiên, tôi đã phải mất 6 tháng tích cực xin việc và trải qua 55 cuộc phỏng vấn trước khi nhận được lời đề nghị tốt đó.
2. Tiết kiệm nhất có thể
Tôi đã từng là một sinh viên đại học nghèo. Chính vì vậy, chỉ cần tìm được một công việc với mức thu nhập ổn định cũng đủ khiến tôi thấy mình giàu có. Tôi đã sống như thế, tiếp tục sống như một sinh viên trong nhiều năm ngay cả khi đã có được công việc thu nhập tốt. Đó là quá trình cần đến ý chí và kỷ luật mạnh mẽ.
Tôi không viện lý do này kia để chi tiền cho quần áo mới hay một chiếc xe hào nhoáng để “làm màu” với bạn bè. Tôi đã thuê chung phòng trọ với 1 người bạn trong 2 năm để giảm chi phí sinh hoạt.
Hãy cố gắng tiết kiệm ít nhất 20% thu nhập sau thuế của bạn mỗi năm dù cho có điều gì xảy ra. Nhớ rằng, nếu bạn không cảm thấy khó khăn vì số tiền tiết kiệm của mình, điều đó chứng tỏ bạn đang tiết kiệm không đủ.
3. Làm việc chăm chỉ và biết mình đang ở đâu
Nếu bạn luôn là người đến sớm nhất văn phòng và rời đi cuối cùng, rồi bạn sẽ sớm vượt lên, tạo được bước tiến.
Khi mới bắt đầu sự nghiệp, tôi luôn đi làm lúc 5:30 sáng và về nhà sau 7:30 tối. Tôi đã học được rất nhiều điều trong suốt quãng thời gian đó, làm được nhiều việc và nhận được sự tôn trọng của các đồng nghiệp. Cấp trên cũng ghi nhận sự nỗ lực đó nên tôi đã không gặp phải khó khăn trong thời kỳ khó khăn năm 2000.
4. Biến bất động sản thành người bạn tốt nhất của mình
Để giảm thiểu tác động của lạm phát, hãy đặt mục tiêu sở hữu một nơi ở khi đã xác định sẽ sống ở đó trong 5-10 năm tới.
Ở tuổi 26, tôi đã sử dụng số tiền may mắn thắng được từ cổ phiếu để mua một căn hộ 2 phòng ngủ, hai phòng tắm ở San Francisco với giá 580.500 đô la. Tôi đã trả hết tiền nhà và hiện tài sản này đang mang lại cho tôi một nguồn thu nhập ổn định.
5. Sống dưới khả năng
Bạn càng trở nên giàu có, bạn càng nên sống tiết kiệm. Có quá nhiều người trẻ lãng phí tiền bạc vào những thứ họ không thực sự cần, chỉ đơn giản là để khoe khoang với bạn bè hoặc trên mạng xã hội.
Nhớ rằng không có gì phải xấu hổ khi bạn nghèo khi còn trẻ. Hãy cứ lái một chiếc xe bình thường mà an toàn, sống trong một ngôi nhà vừa đủ, không ăn ngoài hàng ngày, không mua sắm quần áo phung phí, bạn đang từng bước trở nên giàu có.
Sau khi trở thành triệu phú, tôi mua một chiếc ô tô đã sử dụng 6 năm tuổi và lái nó trong 10 năm tiếp sau đó. Sau đó, tôi thuê một chiếc xe khác và lái nó trong 3 năm. Tôi vẫn mặc bộ quần áo thể thao bình thường mà mình đã mặc từ khi mới 20 tuổi.
6. Bắt đầu một cuộc sống bận rộn
Bạn có thể kiếm tiền bằng cách làm một công việc toàn thời gian hoặc bằng cách bắt đầu kinh doanh hoặc làm cả 2. Theo thời gian, công việc tay trái hoàn toàn có thể trở thành nguồn thu nhập chính của bạn, thậm chí còn tạo ra thu nhập lớn hơn công việc toàn thời gian của bạn.
Năm 2009, tôi ra mắt Financial Samurai như một cách để giải quyết mọi sự hỗn loạn về tài chính của bản thân mình. Chính tôi cũng không ngờ rằng trang web sẽ phát triển lớn và nhanh như vậy. Tôi đã có thể tự tin hơn và chủ động xin nghỉ việc, rời bỏ công việc toàn thời gian của mình vào năm 2012.
7. Xây dựng mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ
Để dẫn đầu, bạn phải xây dựng cho mình càng nhiều đồng minh càng tốt. Chỉ là một nhân viên chăm chỉ thôi chưa đủ. Bạn cần giao tiếp với mọi người, chia sẻ nhiều hơn, thể hiện sự quan tâm đến mọi người và khiến họ thích bạn.
Một khi bạn nhận được sự hỗ trợ tốt, sự nghiệp của bạn sẽ thăng tiến nhanh chóng hơn rất nhiều. Tôi luôn quan tâm đến cùng đồng nghiệp đi uống cà phê ít nhất một lần một tuần. Việc xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp đã giúp tôi được thăng chức lên phó chủ tịch năm 27 tuổi.
8. Đầu tư vào giáo dục bản thân
Nhớ rằng bộ não của bạn chính là tài sản lớn nhất của bạn. Một nền giáo dục vững vàng là điều quý giá nhất mà bạn có. Vì vậy, hãy tiếp tục mở rộng kiến thức của mình, ngay cả khi đã tốt nghiệp đại học. Với internet phát triển như ngày nay, bạn có thể học được hầu hết mọi thứ miễn phí.
Sau khi hoàn thành chương trình MBA bán thời gian, tôi đã tiếp tục tham gia các khóa học liên quan đến tài chính. Chính điều này đã giúp ích cho tôi nhiều hơn trong việc viết trên Financial Samurai và càng viết được nhiều, tôi càng kiếm được nhiều tiền.
9. Theo dõi tiến độ của bạn
Số tiền bạn tiết kiệm được quan trọng hơn số tiền bạn kiếm được. Tôi biết rất nhiều người đã kiếm được hàng triệu đô la và nhanh chóng trắng tay sau vài năm sau đó vì không biết tiền của mình đi đâu.
Hãy luôn theo dõi chi tiêu cũng như tiến trình thực hiện của mình. Bạn có thể theo dõi qua một cuốn sổ hoặc tận dụng các công cụ tài chính miễn phí trực tuyến. Bằng cách chăm chỉ theo dõi dòng tiền của mình, phân tích danh mục đầu tư, tính toán nhu cầu tài chính cần khi nghỉ hưu, bạn có thể tối ưu hóa tài sản của mình một cách tối đa.