Bạn không nhất thiết phải theo dõi từng đồng nếu bạn không muốn. Bạn có thể chỉ chọn 1 hoặc 2 hoặc 3 danh mục gây ra cho bạn nhiều vấn đề nhất và đặt ngân sách mà bạn không được vượt quá cho các danh mục đó.
Theo Rob Berger, người sáng lập The Dough Roller, nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc tiết kiệm tiền và trả nợ, quy tắc 50-20-30 chính là dành cho bạn. Quy tắc này sẽ giúp bạn lập ngân sách phù hợp với mục tiêu tài chính của mình. 50-20-30 là quy tắc đơn giản mà linh hoạt, hữu ích dù bạn muốn trả nợ, tiết kiệm, đầu tư hay mục tiêu là cả 3.
Quy tắc này chia thu nhập sau thuế của bạn thành 3 nhóm: 50% thu nhập dành cho nhu cầu, 30% thu nhập cho mong muốn, 20% thu nhậplà để tiết kiệm. Cụ thể:
50% thu nhập: Dành cho tiền thuê nhà/trả thế chấp, thực phẩm, hóa đơn điện nước và các yếu tố cần thiết khác.
20% thu nhập: Dành cho các mục tiêu tài chính như tiết kiệm, đầu tư…
30% thu nhập: Giải trí…
Tìm ra số tiền thực tế bạn có thể tiết kiệm
Trước khi bắt đầu, bạn sẽ cần xác định xem trên thực tế, mình có thể tiết kiệm được bao nhiêu tiền.
Ví dụ, một người có chi phí cao và nợ nhiều có thể cần điều chỉnh quy tắc này thành 80-10-10 cho đến khi các khoản nợ giảm dần và tiết kiệm tăng lên.
Trước khi cho rằng bản thân không thể tiết kiệm được 20% thu nhập, Berger khuyên bạn hãy dành thời gian để kiểm tra các thói quen chi tiêu của mình.
“Thay vì ngay lập tức nói: “Ồ! Điều này còn lâu mới hiệu quả. Tôi làm sao có thể tiết kiệm 20% thu nhập”, hãy dành thời gian và suy nghĩ: “Chờ một chút, mình có thể làm gì để áp dụng quy tắc này đây?””, Berger khuyên.
Cũng theo Berger: “Bạn phải tập trung vào những gì mình cần phải có. Điều này có nghĩa là thu hẹp những thứ bạn muốn nhưng không thực sự cần thiết phải có. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng và không phải lúc nào cũng thoải mái nhưng nếu muốn thay đổi tình hình tài chính của mình, bạn phải đưa ra những quyết định khó khăn.”
Bạn có thể cắt bỏ những gì?
Theo Berger, bạn có thể đang bội chi tiền theo những cách mà bạn không hề nhận ra. Đầu tiên, hãy xem xét các khoản chi tiêu chính của bạn như tiền thuê nhà, tiền mua xe… và tự hỏi bản thân xem liệu có cách nào để giảm bớt các khoản đó hay không. Ví dụ, bạn có thể tiết kiệm bằng cách chuyển ở một nơi khác có chi phí sinh hoạt thấp hơn, mua một chiếc xe đã qua sử dụng thay vì một chiếc xe mới.
“Nếu không thể cắt giảm các chi phí lớn, bạn cần phải xem xét các khoản chi tiêu nhỏ hơn của mình”, Berger nói.
Hãy xem qua danh sách các chi phí trong nhóm 50% của mình và tự hỏi bản thân: “Mình có thực sự cần cái này không? Mình có thể cắt đi khoản chi đó hay bằng cách nào đó để giảm xuống không?”
Bạn cũng nên kiểm tra các khoản chi tiêu trong nhóm 30% của mình để xem bạn có xu hướng lãng phí tiền bạc nhiều nhất vào đâu. Đối với một số người, đó có thể là quần áo, đối với những người khác, đó có thể là đồ điện tử hoặc ăn uống ở ngoài hàng. Berger gợi ý rằng bạn nên tạo cho mình một ngân sách để không những thói quen trong lối sống của mình không khiến bạn bội chi.
Ví dụ: Nếu bạn có xu hướng chi tiêu cho việc ăn uống bên ngoài, hãy tạo một ngân sách ăn uống phù hợp hơn với mục tiêu tiết kiệm của bạn.
“Bạn không nhất thiết phải theo dõi từng đồng nếu bạn không muốn. Bạn có thể chỉ chọn 1 hoặc 2 hoặc 3 danh mục gây ra cho bạn nhiều vấn đề nhất và đặt ngân sách mà bạn không được vượt quá cho các danh mục đó,” Berger nói.
Xác định mục tiêu tiết kiệm của bạn
Cách bạn quản lý nhóm tiết kiệm 20% thu nhập của mình sẽ phụ thuộc vào mục tiêu cá nhân của bạn.
Nếu bạn chưa có nhiều tiền tiết kiệm, theo chuyên gia, bạn nên ưu tiên xây quỹ tiết kiệm khẩn cấp. Khi bạn đã có một số tiền tương đối, bạn có thể bắt đầu tiết kiệm cho các khoản khác.
Nếu mục tiêu của bạn là trả hết nợ, bạn có thể bắt đầu với một tỷ lệ phần trăm cụ thể trong nhóm 20% này để trả các khoản vay cho đến khi chúng được trả hết.
Nếu nợ không phải là vấn đề đối với bạn, bạn có thể đóng góp một phần hoặc toàn bộ 20% thu nhập vào quỹ hưu trí. Tất nhiên, trong đa phần các trường hợp, bạn sẽ cần hơn 20% thu nhập cho quỹ này nếu muốn nghỉ hưu sớm.
“Bạn có thể cần ít nhất 30% thu nhập cho quỹ này phụ thuộc vào việc bạn muốn nghỉ hưu sớm thế nào,” ông nói.
Kiểm soát mong muốn của bạn và sống đúng với khả năng
Berger cho biết thách thức lớn nhất đối với hầu hết những người sử dụng quy tắc 50-30-20 là kiểm soát mong muốn của họ và sống dưới mức khả năng. Đối với những người trẻ tuổi, những người lần đầu nghiêm túc với việc tiết kiệm, đây có thể thực sự là vấn đề.
“Bạn có thu nhập khiêm tốn và muốn mua một chiếc xe đẹp cùng căn nhà trong mơ. Sau đó, bạn ngồi lại và chẹp miệng: “Ồ! Mình sẽ không bao giờ tiết kiệm nổi 20% thu nhập. Điều đó là không thể”. Nhớ rằng không phải là không thể mà chính những lựa chọn của bạn mới là điều đưa bạn rơi vào tình trạng khó khăn thực sự”, ông chia sẻ.
Berger chính là người đã trải qua những năm tháng như thế. Sau khi tốt nghiệp trường luật vào những năm 1990, Berger đã mắc nợ hàng chục nghìn đô la. Không chỉ vậy, ông còn phải vật lộn với số tiền thế chấp, tiền mua xe và các khoản chi phí hàng tháng cứ chồng chất lên nhau.
Và rồi, từng bước một, thông qua việc lập ngân sách phù hợp và bám sát, ông đã thanh toán hết các khoản nợ vào năm 2016. Berger chia sẻ, điều khiến ông và vợ mình không mắc vào nợ nần thêm một lần nào nữa chính là giữ lối sống đơn giản ngay cả khi đã trả hết các khoản vay.
“Chúng tôi vẫn sống trong ngôi nhà mà chúng tôi đã mua cách đây 14 năm. Ngày đó, thu nhập của chúng tôi thấp hơn bây giờ rất nhiều. Chúng tôi vẫn giữ nguyên lối sống của mình ngay cả khi thu nhập của tăng lên và dồn hết số tiền từng dùng để trả nợ sang tiết kiệm và đầu tư,” ông chia sẻ.
Lời khuyên của Berger cho những ai muốn không mắc nợ rất đơn giản: Hãy hứa với bản thân để không mắc thêm nợ một đồng nào nữa.