ADN: “Ca” khó trong xác minh hài cốt liệt sĩ (Kỳ cuối)

Ngày 13/06/2014 08:23 AM (GMT+7)

Dù là hai ngôi mộ nhưng thực chất lại là hài cốt của một liệt sĩ. Nếu không nhờ có xét nghiệm ADN thì có lẽ, sự thực đó không được ai phát hiện.

Hơn 10 năm làm Giám đốc Trung tâm xét nghiệm ADN và công nghệ di truyền Hà Nội (CGAT), bà Nguyễn Thị Nga đã chứng kiến biết bao nhiêu câu chuyện của những khách hàng đã tìm đến trung tâm để làm xét nghiệm. Chuyện buồn có mà vui cũng có, mỗi câu chuyện đều gắn liền với mỗi gia đình, mỗi phận đời, mỗi hoàn cảnh cụ thể không ai giống ai và đều để lại trong lòng người nghe những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Đọc thêm các kỳ 1,2,3 tại đây:

Kỳ 1: Chuyện chưa kể về bà giám đốc TT xét nghiệm ADN

Kỳ 2: "Có người đem cả cuống rốn con đến xét nghiệm ADN"

Kỳ 3: Dạy lái xe ô tô rồi “cua” luôn vợ sếp

Kỳ 4: Xét nghiệm ADN: đau một lần rồi thôi

Kỳ 5: Xét nghiệm ADN: Ra tòa ly hôn rồi lại tái hôn

Bà Nguyễn Thị Nga (Giám đốc Trung tâm xét nghiệm ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội) kể lại một câu chuyện xảy ra cách đây không lâu mà theo bà cũng không phải là quá hi hữu, nhất là trong điều kiện chiến tranh.

Bà Nga kể: Cách đây gần một năm, anh T (tên khách hàng, quê ở Hà Tĩnh) đến trung tâm của tôi yêu cầu được phân tích ADN để xác minh thân nhân mình là liệt sĩ. Khi đến, anh T mang theo mẩu xương mà anh là lấy từ hài cốt của một ngôi mộ vừa được tìm thấy.

Theo lời anh T kể, anh trai anh là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, hi sinh ở mặt trận Sa Thầy (Kon Tum) nhưng từ nhiều năm nay gia đình không tìm thấy hài cốt. Mãi đầu năm 2013, gia đình anh mới nhận được tin từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum thông báo cho biết là đã tìm thấy hài cốt của anh trai anh. Việc tìm thấy hài cốt là do một người dân địa phương báo, người này trước kia là quân du kích, đã từng tham gia lễ truy điệu và an táng anh trai của anh T khi hi sinh.

Nhưng có một điều khó khăn là anh trai anh T lại hi sinh trong một trường hợp đặc biệt: bị trúng pháo của địch khi anh cùng với một người đồng đội (cũng là người bạn thân cùng quê) đang ở trên nắp hầm. Quả đạn pháo của địch rót trúng khiến hai người hi sinh, thân thể không còn toàn vẹn nên sau khi đơn vị thu lượm và tổ chức lễ truy điệu đã an táng chung với lý do không thể phân biệt được hai người và “họ là bạn thân của nhau khi sống thì khi chết cũng nên để họ nằm cùng nhau”.

ADN: “Ca” khó trong xác minh hài cốt liệt sĩ (Kỳ cuối) - 1

Phân tích ADN để xác minh hài cốt liệt sĩ là công việc khá khó khăn.

Sau năm 1975, huyện đội tổ chức quy tập hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang đã tách hài cốt trong ngôi mộ trên ra làm hai ngôi mộ với lý do đây là mộ hai liệt sĩ và tách ra để tiện cho việc ghi bia tên tuổi, quê quán, đơn vị, ngày hi sinh… cho thân nhân sau này dễ tìm kiếm.

Với tôi đây là một “ca” khá đặc biệt, bởi đây không chỉ là đơn thuần phân tích ADN để xác minh hài cốt liệt sĩ với thân nhân liệt sĩ mà còn là xác minh hài cốt giữa các liệt sĩ với nhau. Cũng cần nói thêm là phân tích ADN từ mẫu xương để xác minh hài cốt là một công việc có tính đặc biệt và phải làm hết sức cần thận.

Cái khó của công việc này là hài cốt (mẫu) nhiều trường hợp đã bị phân hủy, không thể tiến hành xét nghiệm được nữa. Những trường hợp này ADN ở mẫu còn rất ít. ADN của người sống là ở dạng nhân, chuỗi dài còn ADN của mẫu người đã chết thường tồn tại dưới dạng thi thể, ngắn, những chuỗi mạch ADN dài đã bị phá vỡ. Chính vì thế, nếu quá trình phân tích làm không đúng quy trình sẽ nhiễm ADN của người sống (có khi là của chính người làm xét nghiệm) vào và ADN người sống (bị nhiễm) sẽ vượt trội lên, do đó kết quả sẽ không đúng.

Trở lại câu chuyện phân tích ADN để xác minh hài cốt liệt sĩ là thân nhân anh T mà tôi nói ở trên, sau 1 tuần thì có kết quả. Kết quả phân tích lại khá bất ngờ: hài cốt ở cả hai ngôi mộ đều là của một liệt sĩ. Liệt sĩ này không phải là người nhà của anh T mà của người đồng đội cùng hi sinh. Khi biết tin này, anh T rất buồn, anh ấy cứ một mực bảo không thể nào như thế được, rõ ràng đây là hài cốt của hai người. Anh T cũng cho biết là trước đó, gia đình cũng đã nhờ nhà ngoại cảm đến xác minh, nhà ngoại cảm cũng bảo 2 ngôi mộ này là của hai người.

Khi đó tôi mới hỏi lại là thế anh tin vào khoa học hay tin vào nhà ngoại cảm? Chúng tôi chỉ biết tin vào kết quả thôi. Còn tin hay không là tùy anh. Cuối cùng anh ta tin. Sau đó khoảng 2 tháng, anh T chủ động gọi điện cho tôi và cho biết anh đã tìm gặp trực tiếp những đồng đội cũ của anh trai mình, là những người đã tham gia vào việc thu lượm và làm lễ truy điệu, an táng cho hai liệt sĩ. Họ xác nhận lúc đó cũng không thể phân biệt được đâu là bộ phận thân thể của ai. Cũng có thể ngay khi trúng pháo, một trong hai người đã bị tan vụn, không còn tìm thấy được nữa. Chiến tranh vốn dĩ khốc liệt mà.

“Đây là một ‘ca’ có vẻ đặc biệt với chúng tôi nhưng tôi nghĩ nó không phải là chuyện hi hữu đâu, trong chiến tranh nhiều lắm. Nhưng nếu chúng ta không dựa vào phương pháp phân tích khoa học thì không thể tìm ra được”, bà Nga nói.

H.Sơn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bạn đọc