Hôm Mai Phương nói với tôi về việc sẽ chấp nhận cuộc hôn nhân với Khang, tôi chới với như người sắp chết đuối.
Tôi không tin cô ấy có thể bỏ lại sau lưng 6 năm tình yêu với tôi để lấy một người chỉ vừa quen biết được 6 tuần lễ.
Nhưng thực tế đúng là như vậy. “Anh ấy đã bỏ tiền ra cho mẹ em trị bệnh, cất lại nhà, cho em của em mở tiệm ăn... Giờ em không có gì để trả lại...”- Mai Phương tấm tức khóc. Tôi quát lên: “Vậy thì chẳng khác nào mẹ bán em cho thằng đó. Được rồi, anh sẽ tìm nó nói chuyện phải quấy”. Nhưng người yêu tôi giữ chặt tay tôi: “Em xin anh, đừng làm lớn chuyện bên gia đình anh ấy biết sẽ làm khó mẹ em. Hôm nay em chỉ muốn nói rõ cho anh mọi chuyện và muốn... ở lại với anh một đêm... Dù sao thì em cũng còn nợ anh”.
Tôi nhìn người yêu tôi, những lời nàng nói khiến lòng tôi chùng xuống. Tôi hận mình nghèo không có tiền để giúp gia đình người yêu vượt qua khó khăn. Thế nhưng tôi cũng trách gia đình nàng dễ dãi trong chuyện tiền nong bởi ở đời, đâu có ai vô cớ cho không ai điều gì? “Thôi, em về đi. Anh đưa em về. Anh muốn được yên tĩnh một mình”- sau một hồi lưỡng lự, tôi nói dứt khoát.
Tôi nhìn người yêu tôi, những lời nàng nói khiến lòng tôi chùng xuống. (ảnh minh họa)
Mai Phương không cho tôi đưa về. Có lẽ nàng sợ ai đó thấy được sẽ nói lại với tên kia khiến nàng gặp phiền phức. Cũng được. Với tâm trạng như hiện tại, tôi không chắc mình có vững tay lái để chở nàng về nhà bình yên hay không?
Khi Mai Phương đi rồi, tôi một mình uống cạn chai rượu. Thật lạ, rượu suông chẳng có mồi màn gì mà tôi không say. Đúng hơn là tôi chỉ lơ mơ. Trong cơn lơ mơ ấy, có lẽ tôi đã khóc rất nhiều. Tôi nhớ mẹ già và đàn em tôi ở quê. Đứa em út vừa tốt nghiệp đại học. Coi như tôi đã làm xong trách nhiệm của một người anh cả trong gia đình. Tôi đã hứa với mẹ năm nay sẽ kiếm cho bà cô con dâu. Vậy mà đùng một cái, tôi chỉ còn lại một mình. Ngẫm lại cái số tôi thật khổ. Năm 15 tuổi, ba tôi mất, tôi phải bỏ học đi làm để phụ mẹ nuôi 4 đứa em. Rồi số phận đưa đẩy tôi vào Sài Gòn làm công nhân trong một xưởng dệt ở Tân Bình.
Ông chủ cơ sở có lần đứng nhìn tôi làm việc rất lâu rồi bảo: “Thằng này làm việc coi được”. Mấy hôm sau, ông gọi tôi lên văn phòng: “Mày phải đi học con à. Chỉ có đi học sau này mới mong đổi đời”. Ông đưa tôi tới trung tâm giáo dục thường xuyên của quận đăng ký cho tôi học bổ túc văn hóa, tiền học ông cũng đóng luôn cho tôi, lại còn sắp xếp giờ giấc làm việc thuận tiện để tôi vừa học, vừa làm. Chuyện này khiến tôi rất cảm kích. Tốt nghiệp THPT, ông lại bảo tôi thi vào Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức với lời động viên: “Tao tin là con làm được. Ban ngày học, ban đêm làm, tuy có cực nhưng như vậy mới rèn luyện mình thành người”.
Sau này tôi mới biết, ông thương tôi một phần vì cô con gái út của ông cứ hay khen tôi, nhắc tôi với ông. Khi tôi vào cơ sở làm việc, cô út chừng 13, 14 tuổi; thỉnh thoảng có việc lên văn phòng, cũng là nơi ở của chủ, tôi thấy có đứa bé cứ hay nhìn tôi.
Sau này tôi mới biết, ông thương tôi một phần vì cô con gái út của ông cứ hay khen tôi, nhắc tôi với ông. (ảnh minh họa)
Thế nhưng tôi đã có Mai Phương, con gái của bà chủ quán cơm bình dân mà tôi ăn mỗi ngày. Biết nhau khá lâu nhưng đến khi ra trường tôi mới ngỏ lời với Mai Phương. Tất nhiên là nàng đồng ý ngay bởi hai chúng tôi “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”... Tôi hẹn Mai Phương khi nào lo xong cho thằng út thì chúng tôi sẽ làm đám cưới. Vậy mà khi cái ngày ấy sắp sửa đến gần thì nàng bỏ tôi mà đi...
“Ủa, sao nghe nói mày sắp cưới vợ mà chờ hoài hỏng thấy?”. Một bữa nọ, ông chủ của tôi đột ngột hỏi. Tôi cười: “Chờ lâu quá người ta bỏ con đi lấy chồng rồi”. Đối với tôi, có lẽ ông chủ là niềm an ủi lớn nhất trong chuỗi ngày vất vả mưu sinh. Đến giờ ông vẫn coi trọng tôi dù tôi chẳng để mắt tới cô con gái rượu của ông. Nghe vậy, ông hơi khựng lại một chút rồi nói nhanh: “Vậy bác gả con út cho mày nghen? Tới giờ nó cũng chưa có ai”. Tôi bật cười: “Bác làm như con ế tới nơi rồi vậy? Thôi, con về đây”. Tôi đi như ma đuổi vì sợ ông già ép uổng mình. Tôi không muốn người ta nói tôi lợi dụng tình cảm của chủ bởi những gì ông đã làm cho tôi là quá đủ để tôi phải trả ơn suốt đời. Giờ tôi không thể nào nhận thêm ơn huệ của ông nữa.
Thế nhưng, nói thì nói vậy chớ không ai có thể đoán định được tương lai của mình. Cách đây hơn 1 tháng, tôi được ông chủ giao “hộ tống” cô út đi dự hội nghị của ngành dệt may. Hôm đó, cô út có bài phát biểu về kinh nghiệm làm thế nào một cơ sở sản xuất nhỏ chỉ trong vòng 10 năm đã trở thành một công ty lớn mạnh và phát triển ổn định dù kinh tế khó khăn. Ngồi phía dưới, nhìn cô nói chuyện lưu loát, duyên dáng, tôi bỗng thấy trong lòng trào dâng một niềm tự hào. Tôi tự hào vì nhiều người chung quanh xuýt xoa khen ngợi cô gái mà nếu muốn, tôi dã có thể cưới làm vợ.
Từ sau hôm đó, trong suy nghĩ của tôi đã có một cô út khác. Tôi nghĩ đến cô nhiều hơn, quan tâm đến việc làm ăn của công ty nhiều hơn, thậm chí khi không có chuyện gì trên văn phòng, tôi cũng kiếm cớ lên đó để được nhìn cô út một cái rồi về.
Mai Phương bỏ tôi đi lấy chồng đã 4 năm. Nghe đâu nàng cũng không hạnh phúc. Lúc đầu nghe chuyện đó, tôi thầm van vái họ đổ vỡ để tôi lại đón Mai Phương trở về với mình. Nhưng bây giờ thì tôi hoàn toàn không mong điều đó xảy ra.
Mấy hôm trước, cô út nói với tôi: “Chừng nào anh cưới vợ thì em mới lấy chồng”. Tôi không muốn cưới ai khác mà cũng không muốn cô út lấy ai khác. Nhưng giờ thì tôi không đủ can đảm để nói lên điều đó. Tôi cứ sợ mình hiểu không hết lời nói của người ta; nếu mở miệng ra nói mà không đúng thì chắc tôi chỉ còn có nước bỏ xứ mà đi...