Nếu cô giáo nào tôi cũng xao động như với cô Hương thì hạnh phúc gia đình tôi sẽ ra sao?
Con trai tôi đang học mầm non, và hằng ngày, vợ giao cho tôi trách nhiệm đưa đón con tới lớp. Lớp của con tôi có tới 3 cô, nhưng không hiểu sao tôi chỉ quý mỗi cô Hương, dù hai cô kia đều đã lớn tuổi, đã sinh con vài lần nên có kiến thức làm mẹ cùng kinh nghiệm vài chục năm trông trẻ. Trong khi cô Hương chỉ mới đôi mươi, vừa ra trường, trẻ trung, xinh tươi, chưa có người yêu, và cũng chưa sinh nở lần nào.
Hôm đầu tiên đưa con đến lớp, cô Hương ân cần giang tay ra đón. Không biết có phải vì thấy cô dịu dàng, gần gũi nên nhầm là mẹ hay không mà vừa sà vào lòng cô, cu cậu đã vòng tay ôm chầm lấy cô, còn lắc lắc cái đầu giống như khi cu cậu đòi ti mẹ. Cô đỏ bừng mặt, ngượng ngùng khiến tôi cũng thêm phần lúng túng, rồi tôi liền quát con chữa ngượng: "Này con! Nhầm rồi! Không phải mẹ ở nhà đâu!". Cô Hương nghe vậy thì bảo: "Thôi anh! Kệ cháu đi! Trẻ con mà, nó có biết gì đâu!".
Bởi quý nên mỗi khi đưa con đến lớp, tôi chỉ muốn người đón con tôi là cô Hương. Bởi quý nên tôi rất thích nhắn tin hỏi thăm cô, cũng chả nói gì nhiều, chỉ là những câu vu vơ, kiểu như: "Hôm nay con còn nhầm cô là mẹ nữa hay không?"; "Bữa trước thấy cô mặc áo sơ mi đẹp quá, nghĩ rằng cô hợp với áo sơ mi, ai ngờ hôm kia nhìn thấy cô mặc váy, rồi hôm qua được ngắm cô mặc áo dài, thì mới giật mình ngã ngửa nhận ra rằng cô mặc cái gì cũng đẹp"...
Cô cũng rất nhiệt tình đáp lại những tin nhắn của tôi, và nếu tôi cảm nhận không nhầm, thì cô cũng rất vui mỗi khi được cùng tôi trò chuyện. Có lần tôi đón con từ lớp về, đang trên đường thì gặp mưa, tới nhà, mở điện thoại ra, có tin nhắn của cô: "Anh và con có dính mưa không? Có lạnh không?". Tôi trả lời: "Lạnh! Nhưng đọc tin nhắn của em xong thì lại thấy lòng ấm áp!"...
Chiều qua, lúc tới đón con, tôi cố tình nán lại, thủ thỉ với cô:
- Nhân dịp 20-11, cho phép anh mời em đi ăn nhé? Ăn xong, mình sẽ đi xem phim, rồi đi dạo quanh bờ hồ, ngắm đường phố mênh mang, nồng nàn hoa sữa nở...
- Cảm ơn anh, nhưng em ngại lắm! - Cô vừa trả lời vừa thẹn thùng cúi mặt.
- Ô hay! Ngại gì chứ? Em không nghe câu: "Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền" à? Em là cô giáo, thì cũng là mẹ hiền của thằng cu nhà anh; mà là mẹ của thằng cu nhà anh thì như là vợ của anh rồi, sao phải ngại? Đúng 7h tối nay, anh đợi em ở nhà hàng hải sản, chỗ ngã tư, gần nhà em đấy nhé!
Vợ ơi! Anh xin lỗi vợ! Anh về tặng quà 20-11 cho vợ của anh đây! (Ảnh minh họa)
Dứt lời, tôi bế thằng cu quay ra thật nhanh, không để cho cô từ chối. Tới giờ hẹn, tôi hồi hộp, áo quần bảnh bao, nói dối vợ là đi gặp đối tác ký hợp đồng gấp, rồi tôi phóng thẳng tới quán hải sản gần nhà cô như đã hẹn. 10 phút... 20 mươi phút trôi qua... tôi sốt ruột, nhưng không muốn gọi điện, bởi tôi hiểu, có gọi cũng chỉ làm cô thêm khó xử...
- Có người nhờ chuyển thư này cho anh ạ!
Giọng cậu phục vụ làm tôi giật mình quay lại. Là thư của cô giáo. Tôi mở bức thư, chầm chậm, run run:
"Cảm ơn tình cảm chân thành anh dành cho em! Nhưng hẳn là anh cũng không quên câu: "Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền". Vì em như mẹ hiền của con, nên cũng giống như là vợ của anh, mà là vợ của anh thì chắc em không thể vui khi biết chồng mình dối vợ ra ngoài ăn tối và đi chơi cùng một người con gái khác. Hãy dành tình cảm và món quà 20-11 ý nghĩa ấy tặng cho vợ của anh, anh nhé! Bởi lúc ở nhà, chị ấy cũng là cô giáo".
Quả thật, bức thư của cô đã làm tôi bừng tỉnh. Phải rồi! Con tôi học xong mầm non sẽ lên mẫu giáo, rồi tiểu học, trung học, đại học, sẽ còn gặp biết bao nhiêu cô giáo nữa, nếu cô giáo nào tôi cũng xao động như với cô Hương thì hạnh phúc gia đình tôi sẽ ra sao? Vợ ơi! Anh xin lỗi vợ! Anh về tặng quà 20-11 cho vợ của anh đây!