Điều chỉnh một vài thói quen và thiết lập kế hoạch tài chính sẽ khiến bạn trở thành một người tiêu tiền khôn ngoan hơn.
Tiêu tiền một cách khôn ngoan về cơ bản có nghĩa là tận dụng tối đa số tiền của bạn sao cho phù hợp nhất với những gì bạn cho là quan trọng. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm nhiều hơn và đưa bạn đến con đường đạt được các mục tiêu tài chính sớm hơn. Điều chỉnh một vài thói quen và thiết lập mục tiêu tài chính có thể khiến bạn trở thành một người tiêu tiền khôn ngoan hơn.
1. Đi ăn hàng tất cả các ngày trong tuần
Bạn có thấy mình luôn ăn hàng trong các bữa trưa tại nơi làm việc hoặc đặt hàng vài lần một tuần không? Giả sử chi phí ăn trưa trung bình cho bạn là 50 nghìn đồng một ngày. Với 5 ngày mỗi tuần, một năm bạn đang chi 13 triệu đồng cho những bữa ăn trưa ở ngoài mỗi năm.
Cách tiêu tiền khôn ngoan:
Hãy cắt giảm một phần ba hoặc một nửa số tiền bạn chi cho bữa trưa và dùng số tiền còn lại để tự chuẩn bị bữa trưa từ nhà. Số tiền tiết kiệm được bạn có thể đầu tư cho các khoản mục khác cần thiết hơn.
Việc tự chuẩn bị đồ ăn không chỉ giúp bạn tiết kiệm tiền mà còn giúp bạn kiểm soát tốt những gì mình đang nạp vào cơ thể. Cùng với việc lập kế hoạch bữa ăn, bạn sẽ tiết kiệm được không ít tiền.
2. Mua cà phê, đồ uống mỗi ngày
Các quán cà phê, trà sữa có phải là điểm đến quen thuộc của bạn? Bạn có thường xuyên gặp gỡ bạn bè ở các quán cà phê hay ghé qua mỗi sáng để gọi một ly khởi đầu ngày mới?
Tuỳ thuộc vào đồ uống bạn chọn song rất có thể bạn đang chi ra 30-50 nghìn đồng cho đồ uống mỗi ngày, số tiền này tương đương với hơn 10 triệu đồng trong 1 năm. Một con số hoàn toàn không hề nhỏ!
Cách tiêu tiền khôn ngoan:
Nếu bạn là tín đồ của cà phê hay trà sữa, hãy cân nhắc đến việc tự pha ở nhà. Sự thật là không tốn nhiều thời gian để bạn có thể tự chuẩn bị đồ uống cho mình mà số tiền tiết kiệm được lại không hề nhỏ. Bạn cũng có thể nghĩ đến việc đầu tư một chiếc máy pha cà phê nếu như cà phê là món đồ uống không thể thiếu mỗi ngày.
Sẽ tốt hơn khi bạn dần điều chỉnh thói quen của mình sang uống nước lọc hay các thức uống lành mạnh khác như trà xanh... Ban đầu bạn có thể sẽ cảm thấy thiếu thiếu khi phải cắt giảm lượng đường từ đồ uống nhưng khi đã quen với thói quen mới, bạn sẽ nhận ra những thay đổi tích cực bên trong mình.
3. Mua quần áo bạn không mặc
Hãy tìm trong tủ quần áo của bạn ngay bây giờ xem có bao nhiêu bộ quần áo còn nguyên mác mà bạn chưa bao giờ mặc tới hay có bao nhiêu bộ bạn chỉ mặc đúng 1 lần và không còn ý định sử dụng nữa?
Mọi người thường chi rất nhiều tiền cho quần áo, giày dép và phụ kiện mà bản thân không hề mặc đến. Có thể bạn sẽ biện minh rằng chỗ tiền đó không đáng bao, chỉ vài trăm nghìn mỗi tháng nhưng khi dừng lại để suy nghĩ kỹ càng hơn, bạn sẽ nhận ra số tiền khổng lồ mà mình đã lãng phí vào tủ quần áo.
Lãng phí 500 nghìn cho quần áo (giày dép và phụ kiện) trong 1 tháng tương đương với 6 triệu đồng trong 1 năm. Đó có thể là một vấn đề lớn, khiến tài khoản tiết kiệm của bạn mãi vẫn khiêm tốn.
Cách tiêu tiền khôn ngoan:
Trước khi đi mua sắm, hãy dành chút thời gian để dọn dẹp lại tủ quần áo của bạn, xác định những thứ bạn không mặc đến hoặc không phù hợp. Đừng ngại cân nhắc việc bán những món đồ này đi để kiếm thêm tiền và sau đó sử dụng chúng một cách hữu ích hơn như đầu tư cho một chuyến đi hoặc khoá học nâng cao nghiệp vụ.
Tiếp theo, lập danh sách tất cả những thứ mà bạn cần có trong tủ quần áo của mình, như những món đồ cơ bản bạn cần có hay thứ bạn thường xuyên mặc nhưng đã sờn hoặc quá cũ. Danh sách đó sẽ là kim chỉ nam cho lần đi mua sắm tiếp theo của bạn thay vì mua mà không có kế hoạch trước.
Cuối cùng, hãy xây dựng ngân sách mua sắm của bạn và tạo một tủ quần áo con nhộng với các trang phục cơ bản có thể kết hợp dễ dàng với nhau. Một món đồ chất lượng cao sẽ xứng đáng để mua hơn một món đồ giá rẻ khi bạn có thể sử dụng chúng nhiều lần.
4. Mua sắm khi bạn thấy buồn chán
Một thói quen xấu phổ biến về tiền bạc là mua sắm khi bạn cảm thấy buồn chán. Đó là một giải pháp mà nhiều người đã chọn khi tâm trạng không ổn với suy nghĩ rằng việc tiêu tiền sẽ khiến mình cảm thấy tốt hơn.
Thực tế thì những món đồ vật chất có thể khiến bạn cải thiện tâm trạng lúc đó nhưng cảm giác có được đồ mới nhanh chóng qua đi còn tiền đã tiêu của bạn thì không thể lấy lại. Lựa chọn này đang thực sự gây ra nhiều vấn đề hơn vì bạn đang tiêu tốn ngân sách của mình hoặc tệ hơn là vay nợ để mua những thứ không thực sự cần thiết.
Cách tiêu tiền khôn ngoan:
Để ngăn bản thân khỏi việc chi tiêu một cách phù phiếm như vậy, hãy bắt đầu viết nhật ký chi tiêu. Ghi lại các giao dịch của bạn và cảm xúc bạn cảm thấy khi mua thứ gì đó có thể giúp bạn học cách quản lý tiền một cách khôn ngoan và giúp bạn nhận thức được thói quen của mình.
Khi cảm thấy tâm trạng không ổn, nhớ rằng bạn có nhiều cách để cải thiện tâm trạng mà không hề tốn kém. Bạn có thể đọc sách, nấu ăn, gọi điện cho người thân hay đi dạo cùng bạn bè... Tất cả các hoạt động này sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và tốt cho cả ví của bạn.
5. Không có ngân sách hàng tháng
Nếu bạn luôn tự do trong việc tiêu xài, muốn là mua hoặc nghĩ mình có thể trả được là mua và không có ngân sách hàng tháng thì đã đến lúc bạn dừng lại và lập ngân sách cho riêng mình.
Việc chi tiêu nhiều hơn những gì mình kiếm được bởi không có kế hoạch cho những đồng tiền đó sẽ khiến bạn gặp phải gánh nặng tài chính sau này.
Cách tiêu tiền khôn ngoan:
Hãy lập ngân sách và theo dõi chi tiêu của bạn. Đó chính là cách để quản lý tiền bạc khôn ngoan. Có rất nhiều phương pháp lập ngân sách và chỉ với một chút thời gian, bạn có thể tìm ra phương pháp lập ngân sách phù hợp nhất với mình. Tình hình tài chính của mỗi người là khác nhau, hãy tìm một phương pháp lập ngân sách mà bạn thấy dễ gắn bó nhất để có thể trở nên hiểu biết hơn về tài chính.
Chi tiêu và quản lý tiền của bạn một cách khôn ngoan
Học cách quản lý tiền bạc khôn ngoan là điều cần thiết để bạn có thể đạt được thành công về mặt tài chính. Theo dõi chi tiêu, bám sát ngân sách và tiết kiệm tiền là những bước quan trọng để bạn quản lý tiền bạc.