10 năm, 20 năm có thể trôi qua khá nhanh, trước khi nhận ra rằng vợ chồng mình đã luôn sống và chờ đợi lương, đi làm với mục tiêu duy nhất là… thanh toán các hóa đơn. Hãy nghĩ đến những gì xa hơn, những điều bạn muốn đạt được sau này.
Điều gì sẽ xảy ra khi vợ chồng bạn đang từ có 2 thu nhập đột nhiên phải sống bằng một thu nhập? Bạn nghĩ mình có thể vượt qua được không?
Đa phần mọi người có thể thấy hoảng sợ khi nghĩ đến việc sống bằng một khoản thu nhập nhưng thực tế thì đó có thể là một trong những cách tiết kiệm tiền tốt nhất mà bạn thực hiện.
Điều này không có nghĩa là bạn phải sống một cuộc sống khắc khổ, uống nước lã hít khí trời cho qua ngày.
Vì sao bạn nên sống bằng một khoản thu nhập?
Rất nhiều người đã kết hôn và chưa bao giờ nghĩ đến việc sống bằng một khoản thu nhập. Chúng ta thường sẽ nghĩ đến việc làm thế nào để có thể tăng thu nhập của mình. Nào tiền điện, tiền thức ăn, tiền trả nợ mua nhà, tiền học của con cái… bao nhiêu cho đủ.
Nhưng đó là khi chúng ta đang sống với những mục tiêu ngắn hạn. Kiếm tiền, chi tiêu, kiếm tiền, chi tiêu… chúng ta đã làm gì và giữ được gì trong chục năm qua. Khi chúng ta quá tập trung vào việc theo kịp lối sống của những người khác, chúng ta sẽ dễ dàng đánh mất những gì mình thực sự muốn trong cuộc sống này.
Bạn muốn là ai, ở đâu trong vòng 3 đến 5 năm nữa? Bắt đầu một công việc kinh doanh mới, lập gia đình, mua nhà, đi du lịch nhiều hơn…?
Các bước chuẩn bị để sống bằng một khoản thu nhập hoặc tiết kiệm 50%
Bước đầu tiên để vợ chồng bạn có thể sống bằng một khoản thu nhập chính là lập ngân sách và tập trung vào từng khoản chi tiêu. Nếu bạn còn lăn tăn về việc tại sao vợ chồng bạn đang có 2 khoản thu nhập mà phải cố sống bằng một khoản thu nhập thì hãy nghĩ về nó theo cách này:
Bao giờ bạn sẽ tập trung vào những mục tiêu dài hạn hơn hay vì kiểu suy nghĩ sống ngày nào biết ngày nấy?
Bạn có chắc chắn rằng nguồn thu nhập của cả hai sẽ luôn được đảm bảo trong mọi hoàn cảnh, điều kiện kinh tế?
Dưới đây là 6 điều nhằm giúp bạn sống tốt bằng thu nhập của một người và hướng khoản thu nhập còn lại đến những gì hai bạn thực sự mong muốn.
1. Mục đích của bạn là gì?
"Người đạt được những gì họ muốn thường là người nỗ lực để biết bản thân muốn gì", Oprah Winfrey
Nhiều người trong chúng ta thường quá muộn trong cuộc đời mới nhận ra rằng thời gian đã trôi qua nhanh hơn những gì mình tưởng rất nhiều .
Có thể bạn đã có 10-20 năm làm những công việc khiến bản thân chán nản, dường như chưa bao giờ bạn có đủ tiền hay thời gian để thực hiện bước thay đổi.
Có thể bạn luôn mơ một ngày được đứng chụp ảnh trước tháp Eiffel hay ngắm lá phong đỏ ở xứ sở Kim Chi nhưng chúng không bao giờ thành hiện thực.
Việc xác định được mục tiêu trọng tâm mà bạn muốn đạt được trong 3-5 năm tới sẽ là bước tiến lớn, giúp bạn sắp xếp thứ tự ưu tiên tốt hơn cho lối sống của mình.
2. Ngân sách có thể là bản đồ dẫn đường cho bạn
Việc theo dõi từng khoản chi sẽ dễ dàng hơn khi bạn tạo được thói quen ghi lại chúng. Sử dụng ngân sách như khi bạn đeo chiếc dây an toàn, mang lại lợi ích nhưng lại dễ bị nhiều người bỏ qua.
Bạn có thể đang lãng phí hàng triệu đồng mỗi tháng, cả chục triệu đồng mỗi năm cho các khoản chi phí không cần thiết. Khi theo dõi và quan tâm hơn về các hóa đơn cáp, internet, chi phí thực phẩm, mua sắm… bạn có thể tiết kiệm cả triệu đồng mỗi tháng mà không làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.
3. Xây dựng quỹ khẩn cấp
Bạn đã bao giờ cố gắng lập ngân sách và rồi đổ hết những gì mình tiết kiệm được trong 1-2 tháng cho khoản sửa chữa ô tô hay nhà cửa chưa?
Có thể không nhiều người biết đến khái niệm quỹ dự phòng khẩn cấp trước khi đại dịch xuất hiện. Chúng ta không ai có thể biết chắc về những gì sẽ đến với mình trong ngày mai, cho đến khi chúng ập đến và khiến ta cuống cuồng xoay sở.
Cố gắng thanh toán cho những trường hợp khẩn cấp bằng tài khoản tiết kiệm của bạn là một trong những cách tiêu diệt ngân sách lớn nhất vì ngân sách là dành cho những khoản chi có thể đoán trước được. Các trường hợp khẩn cấp, về bản chất là không phải như vậy.
Tuỳ vào tính chất ổn định của công việc, sức khoẻ của bản thân, những người phụ thuộc… mà bạn sẽ có con số phù hợp cần xây dựng cho quỹ khẩn cấp. Về cơ bản, con số được các chuyên gia đưa ra là bạn nên xây dựng quỹ khẩn cấp tương đương 3-6 tháng sinh hoạt phí.
Hai chìa khóa để bạn nhanh chóng thiết lập quỹ khẩn cấp là:
Có một tài khoản riêng, ngoài tài khoản tiết kiệm.
Thường xuyên gửi tiền vào đó, ngay cả những khoản nhỏ.
Đây là cách để bạn thiết lập quỹ khẩn cấp của mình và không còn phải chạy đôn chạy đáo khi có sự kiện bất ngờ xảy ra.
4. Trả hết nợ tiêu dùng
Nợ thẻ tín dụng giống như một cơn đau răng. Nó làm phiền bạn, nhưng lại dễ bị bạn cố chịu một lúc rồi mặt kệ, cố quên đi. Có thể bạn không nhận ra nó ảnh hưởng thế nào đến tâm trạng, sức khỏe và thậm chí là các mối quan hệ của bạn. Đến lúc vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, bạn phải bỏ ra số tiền lớn hơn nhiều lần nếu can thiệp ngay từ đầu.
Dù mục tiêu của bạn là gì, hãy trả hết khoản vay sinh viên, trả sớm khoản thế chấp, nợ thẻ tín dụng…
5. Cân nhắc làm việc tại nhà để tiết kiệm chi phí
Làm việc tại nhà có thể giúp bạn tiết kiệm vài trăm nghìn đến cả triệu mỗi tháng, góp phần giúp bạn tiết kiệm nhanh hơn. Ngay cả khi công ty của bạn không có chế độ làm việc tại nhà, đừng ngại chủ động yêu cầu nếu bạn có thể đảm bảo được công việc. Hầu hết các công ty đều hiểu rằng giữ chân nhân viên giỏi đồng nghĩa với việc có sự linh hoạt nhất định.
Khi làm việc ở nhà, bạn không chỉ giảm được thời gian đi lại mỗi ngày mà còn tiết kiệm được kha khá tiền xăng, hao mòn xe và tiền ăn. Bạn cũng sẽ tạo được thói quen tự nấu nướng ở nhà, tiết kiệm hơn mà đảm bảo vệ sinh hơn. Đây sẽ là sự thay đổi đóng góp lớn cho việc sống bằng 50% thu nhập.
6. Thử giảm quy mô
Khi bạn đủ điều kiện vay thế chấp, các ngân hàng sẽ đề xuất số tiền tối đa mà bạn đủ điều kiện vay. Tuy nhiên con số đó không có nghĩa là bạn nên vay bằng như vậy. Việc cố quá sức để vay tiền mua một ngôi nhà thật rộng có thể khiến bạn phải sống khó khăn trong nhiều năm sau này.
Khi bạn trang trải mọi chi phí bằng cả hai nguồn thu nhập, bạn có thể thấy cuộc sống vẫn ổn nhưng bạn không có khoản tiết kiệm nào cả. Tương lai lâu dài của bạn sẽ ra sao khi mãi tiếp tục cảnh chờ lương của tháng mới vì đã tiêu gần hết lương của tháng này?
Một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra rằng những điều quý giá nhất, chúng ta nhớ nhất là những trải nghiệm, không phải là diện tích ngôi nhà của mình.
10 năm, 20 năm có thể trôi qua khá nhanh, trước khi nhận ra rằng vợ chồng mình đã luôn sống và chờ đợi lương, đi làm với mục tiêu duy nhất là… thanh toán các hóa đơn. Hãy nghĩ đến những gì xa hơn, những điều bạn muốn đạt được sau này.
Có thể bạn không sống bằng một khoản thu nhập và dành toàn bộ khoản thu nhập thứ hai cho mục tiêu của mình nhưng khi học theo những điều trên đây và điều chỉnh ngân sách phù hợp hơn, tăng khoản tiết kiệm nhiều hơn, bạn sẽ thấy bản thân giỏi hơn những gì vẫn tưởng.