Không cần ứng dụng, không cần công nghệ, không tính toán phức tạp, điều quan trọng với Kakeibo là loại bỏ những thứ không cần thiết, tập trung vào thói quen và quyết định của mình. Người Nhật tin rằng phương pháp Kakeibo giúp bạn cắt giảm chi tiêu đến 35%.
Nếu bạn thấy mình đang cố gắng làm việc, chi tiêu thật tiết kiệm nhưng không hiệu quả thì có lẽ đã đến lúc bạn nên xem lại cách chi tiêu của mình. Hai người có mức thu nhập bằng nhau, cùng đi thuê nhà và trang trải cho cuộc sống độc thân ở thành phố với mức tương đương nhau nhưng một người có thể tiết kiệm tiền để mua xe, thậm chí mua nhà, còn người kia chưa cuối tháng đã nghĩ cách để "xoay" tiền cho tháng sau. Tất cả là do sự khác biệt giữa hai người họ trong việc quản lý chi tiêu.
Khi công nghệ ngày càng phát triển, có rất nhiều ứng dụng giúp quản lý tài chính ra đời. Chỉ một cú nhấp chuột để tải ứng dụng về máy và bắt đầu quá trình tiết kiệm mới nhưng câu hỏi "Tiền của mình đi đâu hết rồi nhỉ" vẫn quanh quẩn với bạn thì hãy thử học người Nhật cách chi tiêu Kakeibo sau đây.
Kakeibo trong tiếng Nhật có nghĩa là một cuốn số gia đình truyền thống. Nghệ thuật tiết kiệm chi tiêu này là ý tưởng của bà Motoko Hani, nữ nhà báo đầu tiên tại Nhật Bản. Kakeibo từng được coi là lối sống mới của người Nhật, giúp mọi người sử dụng hợp lý hơn những đồng tiền mình làm ra.
Việc ghi lại những hoạt động chi tiêu trên giấy giúp bạn có thể nhìn lại việc mình đã làm một cách chi tiết, cụ thể.
Năm 1904, bà Motoko Hani đã cho xuất bản trên tạp chí cuốn sổ chi tiêu được thiết kế dành riêng cho các bà nội trợ. Với niềm tin ổn định về tài chính đóng vai trò quan trọng trong hạnh phúc gia đình, Kakeibo ra đời đã giúp rất nhiều người Nhật và sau này là người dân trên thế giới xây dựng và duy trì lối sống tiết kiệm.
Không cần ứng dụng, không cần công nghệ, không tính toán phức tạp, điều quan trọng với Kakeibo là loại bỏ những thứ không cần thiết, tập trung vào thói quen và quyết định của mình. Người Nhật tin rằng phương pháp Kakeibo giúp bạn cắt giảm chi tiêu 35%.
Có thể mô tả một cách đơn giản về phương pháp chi tiêu này là đầu mỗi tháng, bạn hãy ghi ra giấy những khoản chi phí cần thiết, số tiền muốn tiết kiệm được và cuối tháng tổng kết xem mình đã làm được gì. Thay vì nhấn mạnh những thứ bạn không thể chi tiền vào, hãy chuyển mọi sự tập trung vào những thứ bạn thực sự cần chi tiền.
Một chu trình Kakeibo dựa vào bốn câu hỏi rõ ràng:
- Bạn có sẵn bao nhiêu tiền?
- Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu tiền?
- Bạn đang tiêu bao nhiêu tiền?
- Bạn có thể cải thiện bằng cách nào?
Cụ thể:
Bước 1: Ghi lại tổng thu nhập của tháng và trừ đi các khoản tiền cố định như tiền thuê nhà, tiền gửi xe chung cư, phí dịch vụ hàng tháng... để biết mình còn bao nhiêu tiền cho chi tiêu.
Bước 2: Xác định số tiền bạn muốn tiết kiệm trong tháng và cất riêng khoản này. Hãy cố gắng không động đến khoản tiền đó.
Bước 3: Ghi ra các khoản phải chi theo 4 hạng mục:
Tiền sinh hoạt: thực phẩm, tiền xăng xe, thuốc men...
Tiền giải trí: xem phim, du lịch, sách truyện...
Tiền thụ hưởng: mua sắm, ăn hàng...
Tiền phát sinh: sinh nhật, ma chay hiếu hỷ, thăm đẻ...
Bước 4: Đặt ra mục tiêu của tháng như kế hoạch du lịch, kế hoạch sửa nhà...
Bước 5: Xây dựng cam kết trong tháng như giảm lượng bánh kẹo tiêu thụ, hạn chế ăn hàng...
Bước 6: Cuối mỗi tháng, hãy giở sổ và bình tĩnh xem xét trận chiến giữa "con lợn tiết kiệm" và "con sói chi tiêu", so sánh số tiền ban đầu bạn định ra và những gì bạn đã thực hiện.
Bắt nguồn từ một cuốn sổ ghi chép tài chính đơn giản nhưng Kakeibo không đơn thuần chỉ là một sự liệt kê hàng ngày về thu, chi, nợ. Ngày nay, chúng ta thường xuyên làm việc trên các thiết bị điện tử song cách tốt nhất để làm việc với các con số là trên những trang giấy. Cuốn sổ này là một cách để bạn đối chiếu mình đang chi tiêu hợp lý chưa. Bạn có thể mua sẵn cuốn sổ này hoặc tự tạo một cuốn riêng cho mình với những lời khuyên chi tiêu mà bạn tâm đắc.