Với 7 mẹo "nhỏ mà có võ này", bạn sẽ tiết kiệm được cả đống tiền mỗi tháng nhờ việc tiêu dùng thông minh.
1. Tưởng tượng
Các cửa hàng quần áo luôn bố trí phòng thử đồ ở góc trong cùng và đặt những món đồ đắt nhất tại vị trí hút mắt. Điều này khiến bạn bị thu hút và luôn muốn mua hết chúng.
Điều bạn cần làm chính là tưởng tượng một chút. Đầu tiên, hãy tưởng tượng một người lạ cầm những món đồ bạn thích trên một tay, tay còn lại cầm số tiền tương đương. Bạn sẽ chọn bên nào? Nếu bạn muốn tiền hơn, chứng tỏ món đồ kia là không cần thiết.
Tiếp theo, hãy tưởng tượng 6 tháng sau, chiếc váy mà bạn mê mệt hôm nay sẽ nằm yên trên tủ quần áo khi bạn chỉ mặc nó đúng một lần. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng từ bỏ những thứ không cần thiết.
2. Đừng chạm vào thứ bạn thích
Sau khi trải nghiệm những thứ mình thích, con người thường có ý nghĩ trong tiềm thức rằng vật đó đã thuộc về mình. Một khi quá phấn khích, giá cả sẽ không còn là vấn đề. Chúng ta sẽ quên hết mọi quy tắc chi tiêu học được và sẵn sàng chi tiền cho thứ mà ta không thực sự cần.
Để tránh điều đó, đừng bao giờ tự tay động vào món đồ mà bạn đắn đo. Hãy nhờ người bán hàng trải nghiệm hộ bạn chiếc điện thoại bạn muốn hay cầm cho bạn xem chiếc áo len mà bạn quan tâm. Khi đó, bạn chắc chắn sẽ suy nghĩ một cách thông suốt hơn.
3. Đi phía bên trái mỗi khi vào cửa hàng
Đa số mọi người đều đi về phía bên phải khi vào cửa hàng vì họ thuận tay phải. Người bán hàng hiểu điều này và họ sẽ bố trí những mặt hàng đắt tiền nhất ở bên phải. Đây chính là một trong những cách để họ "rút" tiền từ túi của bạn.
Mẹo nhỏ ở đây chính là hãy đi về phía bên trái của cửa hàng trước và không đi lòng vòng quá nhiều. Chú ý đến các kệ hàng cao hơn đầu bạn và ở dưới thấp, đây là vị trí của những món đồ có giá rẻ hơn. Ngoài ra, đừng mang theo xe đẩy khi mua. Như vậy, bạn sẽ không tiện tay nhặt thêm nhiều món đồ không cần thiết.
4. Không nhai kẹo cao su khi đi mua sắm
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Ryerson, Canada đã chỉ ra rằng việc nhai kẹo cao su giúp lưu thông máu não tốt hơn và cải thiện chức năng nhận thức. Điều này khiến con người muốn dạo vòng quanh các cửa hàng lâu hơn và suy nghĩ nhiều hơn về việc mua sắm.
Càng ở lâu và càng suy nghĩ nhiều về các món đồ, họ sẽ càng mua nhiều. Để chi tiêu một cách hợp lý, tránh việc mua sắm quá đà, lời khuyên cho bạn là không nhai kẹo cao su khi đi mua sắm và đừng suy nghĩ quá nhiều về nó.
5. Hoãn lại việc mua
Nếu bạn quá muốn mua một thứ gì đó, hãy hoãn lại khoảng một ngày rồi mới đưa ra quyết định. Đối với những món hàng giá trị, hãy hoãn lại 3 ngày. Đó chính là lời khuyên hữu ích với những tín đồ cuồng mua sắm.
Theo nghiên cứu, khoảng thời gian lùi lại này có thể giúp bạn mất dần đi suy nghĩ "mình muốn nó". Đây cũng là lúc bạn có nhiều thời gian hơn để thể tham khảo các đánh giá trên mạng về sản phẩm, suy nghĩ kỹ càng hơn về việc liệu sản phẩm đó có thực sự hữu dụng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
6. Nếu "vô tình" dư ra một khoản, hãy để dành nó
Nếu thỉnh thoảng bạn chi tiêu ít hơn số ngân sách cho phép hoặc có ai đó trả một khoản tiền mà bạn chưa cần dùng đến, hãy tiết kiệm ngay số tiền đó bằng việc bỏ lợn hoặc gửi ngân hàng để đảm bảo rằng bạn sẽ không "nướng" chúng vào việc mua sắm.
7. Tiết kiệm cho từng mục tiêu một
Chúng ta thường đặt ra rất nhiều mục tiêu và muốn hoàn thành tất cả song việc thực hiện cùng một lúc sẽ rất khó giúp bạn có thể thực hiện được, thậm chí không hoàn thành được mục tiêu nào.
Hãy chọn một mục tiêu bạn thấy quan trọng và cần thiết nhất để thực hiện tiết kiệm cho mục đích đó trước. Khi chỉ có duy nhất một mục tiêu, bạn sẽ nhanh chóng để dành đủ tiền để đạt được hơn. Sau khi đạt được, hãy tiếp tục với mục tiêu khác.