Vẫn biết, sự phát triển của một vùng đất, một đô thị bắt buộc phải gạt bỏ ra rìa một số ít cá nhân không đủ khả năng. Thế nhưng, việc chấn chỉnh không có nghĩa là kêu gọi đám đông khép lại tấm lòng mình.
UBND TP.HCM vừa kêu gọi người dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố không nên tiếp tục cho tiền người ăn xin. Đây là một trong những biện pháp mà chính quyền thành phố tin rằng sẽ giải quyết một cách bền vững vấn nạn người ăn xin, lang thang cơ nhỡ đang tồn tại trên địa bàn.
Có thật nếu không cho tiền người ăn xin sẽ khiến thành phố trở nên văn minh hơn, quang đãng hơn (?!).
Vài năm trước, trong đợt công tác tại thành phố Đà Nẵng, tôi đã vô cùng hốt hoảng khi bắt gặp những ánh mắt sợ sệt, thái độ thập thò của những người bán vé số, bán báo dạo trước những quán cà phê. Đà Nẵng, vẫn được khen ngợi vô cùng vì thái độ quyết liệt của chính quyền trong việc chấn chỉnh văn hóa đô thị bằng những biện pháp cực rắn đối với những cá nhân nhập cư mưu sinh vằng những nghề mà theo lãnh đạo thành phố Đà Nẵng là khiến bộ mặt thành phố lấm lem. Và bây giờ, TP.HCM cũng đang hạ quyết tâm như Đà Nẵng.
Cách đây vài tháng, truyền thông ầm ào vụ người cha nuôi hai con gái ngoài vỉa hè. Không chỉ truyền thông, các trang mạng xã hội, diễn đàn cũng tràn ngập hình ảnh về gia đình khốn khó ấy.
Ngay lập tức, rất nhiều nhà thiện tâm đã 'chìa' tay giúp đỡ cho người đàn ông cùng hai cô con gái có một chỗ trú, ít tiền để dành. Họ không còn phải chịu cảnh sinh hoạt trên vỉa hè, ngủ dưới màn sương.
Cấm người ăn xin, sao cấm được cái tâm của con người (ảnh minh họa)
Nếu như tất cả mọi người đều hưởng ứng lời kêu gọi của UBND TP. Hồ Chí Minh thì những thân phận ấy sẽ ra sao (?!). Tất nhiên, đây không phải là một trường hợp điển hình. Nhưng chắc chắn, đây cũng không phải là trường hợp cá biệt, bởi đã có rất nhiều người không may mắn ở mảnh đất hoa lệ này được giúp đỡ.
Ngày bé ở quê, xóm chúng tôi có lệ cho gạo những người ăn xin. Thấy người ăn xin nào rách quá, thì cho một lon đầy (lon sữa bò), thấy người ăn xin nào còn khỏe khỏe thì cho nửa lon. Người ăn xin ngày đó có cái túi vải để đựng gạo.
Sau này, tôi có đọc nhiều loạt phóng sự trên báo về ngôi làng ăn xin ở Thanh Hóa, nơi dân làng lũ lượt kéo nhau tỏa đi khắp nơi để hành nghề khất cái dành dụm tiền về quê xây nhà to, dựng vợ gả chồng cho con, nuôi cháu học Đại học.
Theo nghề báo, tôi lại còn biết nhiều hơn về công nghệ của những kẻ lười lao động thích xài tiền của thiên hạ. Họ giả bộ động kinh để xin tiền, họ chăn dắt người già trẻ em, họ giả tàn tật… họ làm tất tần tật mọi thứ để đánh vào lòng trắc ẩn của đám đông. Họ đã tạo một nghiệp rất lớn theo thuyết nhà Phật, nhưng cái nguy hiểm hơn chính là họ gieo vào đám đông một tâm lý sợ bị lừa đảo và đánh đồng tất cả những mảnh đời bất hạnh khác đều là đóng kịch.
Tại các quốc gia khác, ăn xin cũng liên quan đến nhiều hình thức tội phạm. Ở Anh, những đối tượng nghiện ngập, lười biếng đóng góp một phần không nhỏ trong cộng đồng ăn xin. Những đối tượng này ngồi tại các góc phố, bên ngoài các cửa tiệm, nhà hàng, dưới ga tàu điện ngầm, cầu xin lòng thương hại của người qua đường, thậm chí dọa nạt bắt ép họ đưa tiền. Hay như ở một số quốc gia như Đan Mạch, việc lợi dụng trẻ em đi ăn xin cũng bị khép thành một tội.
Khi trẻ con không được giáo dục về lòng trắc ẩn, thì quá khó để hy vọng vào những điều tốt đẹp trong tương lai. (ảnh minh họa)
Ở Na Uy cũng đã có chính sách cấm ăn xin, tuy nhiên lại phân chia đối tượng bị cấm, vì thế xảy ra nhiều bất ổn và bất cập cũng như khó khăn trong vấn đề này. Nói chung việc cấm ăn xin còn nhiều vấn đề nan giải và không phải là dễ dàng gì, khó khăn nhất là ở cái tâm của con người ta. Có nhiều người ăn xin nhưng chắc gì đã nhận được đồng nào từ người đi đường, có những người lại nhận được rất nhiều, đó là ở cái tâm của con người (người cho) mà thôi.
Dẫu vậy, như tôi vẫn thường nghĩ, từ tâm là gieo phúc, là khiến cá nhân cho đi cảm thấy được an lòng. Ít ai thực tâm làm từ thiện mà lại băn khoăn, làm từ thiện như vậy là đúng hay sai (?!).
Vẫn biết, sự phát triển của một vùng đất, một đô thị bắt buộc phải gạt bỏ ra rìa một số ít cá nhân không đủ khả năng. Thế nhưng, việc chấn chỉnh không có nghĩa là kêu gọi đám đông khép lại tấm lòng mình.
Khi trẻ con không được giáo dục về lòng trắc ẩn, thì quá khó để hy vọng vào những điều tốt đẹp trong tương lai.
Xem bài viết cùng tác giả: Tình công sở và đường ngược chiều (P.1) Tình công sở và đường ngược chiều (P.2) |