Mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu và những vấn đề tài chính trong gia đình luôn là một bài toán khó xử bởi chứa đầy sự nhạy cảm.
Chị Ngân Anh (Sóc Sơn, Hà Nội) luôn được mọi người ngưỡng mộ bởi cuộc sống riêng tư hạnh phúc và sự nghiệp thăng hoa.
Thế nhưng có trò chuyện như một người thân, chị mới chân thành chia sẻ: "Mọi người nhìn thấy thế thôi, chứ tôi có những nỗi khổ riêng". Và nỗi khổ mà chị cho rằng mình "phải gánh", ấy là việc luôn bị mẹ chồng ròn rút từng đồng.
Theo lời chị kể, chị lấy anh, tuy không phải là con cả nhưng lại là người phải lo lắng cho gia đình mọi việc. Trong gia đình 5 anh em, chồng chị là người khá giả nhất. Có lẽ vì lý do đó mà mẹ chồng chị "bòn của tôi từng đồng", chị kể.
"Gia đình nhà chồng có bất cứ công to việc nhỏ gì đều đến tay vợ chồng tôi. Từ việc con của anh chị đi học, chúng tôi cũng phải nuôi và chu cấp toàn bộ. Đến khi các cháu lần lượt ra trường thì vợ chồng tôi cũng phải lo công ăn việc làm cho các cháu cho thật ổn.
Rồi có những đứa cháu không làm ra tiền, vợ chồng tôi cũng phải lo cho cháu thuê nhà cửa, chi tiêu trong tháng... Nhiều lúc tôi nói đùa với chồng 'các cháu nhà anh phải đi lấy chồng lấy vợ hết thì may ra anh mới yên phận'!"
Công cuộc "bòn rút" không dừng lại ở đó, mỗi khi mẹ chồng chị lên chơi là những tháng ngày bà lôi tha hết của nả trong nhà chị về cho người thân dưới quê.
"Mẹ chồng tôi lấy từng cái ống tăm đẹp, lấy từng con dao, cái rổ, đồ ăn thức uống trong tủ lạnh... bà mang về sạch, nói là để làm quà cho mấy người ở quê", chị tâm sự.
"Tôi không hiểu mẹ chồng tôi nghĩ gì nữa. Tôi tưởng mình chỉ có trách nhiệm với anh em nhà chồng, với con cái của họ đã quá lắm rồi, giờ còn thêm trách nhiệm với họ hàng, hàng xóm nhà mẹ chồng nữa. Nói thực tôi chịu hết nổi!", chị ca thán.
"Tôi nghĩ mình không phải là người ki bo vì nếu ki bo tôi đã không để bà làm thế. Tôi cũng là người làm ra tiền, nên thấy những điều đó chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng cách bà bòn rút vợ chồng tôi, bòn rút kinh tế của tôi khiến tôi dần từ cảm giác thương sang thương hại.
Tôi không còn cảm thấy tôn trọng bà nữa dù rằng tôi biết bà rất thương người. Nhưng cách của bà khiến tôi cảm thấy oải", chị tâm sự.
Ảnh minh họa
Ở hoàn cảnh tương tự, chị Thảo Hương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng chịu cảnh bị mẹ chồng bòn rút. "Nhưng tôi không phải là người làm ra nhiều tiền. Vợ chồng tôi cũng chỉ gọi là kha khá chứ không phải là có của ăn của để gì. Ấy vậy mà mẹ chồng cũng không tha".
Kể về những chuyến "bòn rút" của mẹ chồng, chị Hương bức xúc: "Gia đình tôi không khá giả nhưng mẹ chồng luôn sử dụng tiền của chúng tôi để đi du lịch. Một năm mời các cụ một lần không sao nhưng bà một năm đi mấy lần.
Lần nào cũng nói với chồng tôi là muốn đi đây đi đó tuổi già sắp hết để rồi chồng tôi lại cho tiền. Những lúc như thế vợ chồng lại trục trặc. Tôi thì thiếu tiền học cho con, tiền nọ tiền kia mà mẹ chồng thì liên tục bòn rút.
Chồng tôi thì không muốn mẹ buồn nên không muốn can thiệp. Càng thế tôi càng bức xúc vô cùng", chị chia sẻ.
"Nhưng nếu chỉ có thế mà đã nói là bòn rút thì hơi quá. Nhưng rõ ràng mẹ chồng tôi thể hiện mục đích đó thật. Bởi vì ngay cả việc cưới xin cho em gái chồng, việc làm nhà cho em trai chồng... mẹ chồng tôi cũng bắt vợ chồng tôi phải có trách nhiệm. Như vậy, rõ ràng là cách bà bòn rút chúng tôi còn gì!", Thảo Hương bức xúc.
Mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu và những vấn đề tài chính trong gia đình luôn là một bài toán khó xử bởi chứa đầy sự nhạy cảm. Trường hợp này luôn cần thiết sự vào cuộc và phân minh của người chồng khi phải phân định giữa mẹ và vợ.
Tài chính trong gia đình luôn phải được sự thống nhất rõ ràng giữa hai vợ chồng. Hỗ trợ gia đình hai bên là cần thiết nhưng cũng cần phải có giới hạn không để nửa còn lại của mình cảm thấy phiền muộn vì điều đó.
Những điều vụn vặt dễ gây nên hiểu lầm không đáng có, là nguồn gốc của những bất hòa trong gia đình.
>> Xem thêm: Choáng váng mỗi lần ở quê ra chơi, mẹ chồng đòi đi siêu thị sắm cả chục triệu tiền quà