Là phụ nữ, ai cũng mơ ước lấy được một tấm chồng như ý. Và một trong những tiêu chí để đạt đến sự như ý ấy chính là vẻ đẹp trai của chồng.
Chồng đẹp, ai chẳng thích!
Ông bà ta bảo, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, đúng thật, nhưng mà đã tốt gỗ lại còn có thêm nước sơn hào nhoáng phủ lên nữa thì còn gì bằng. Mà lỡ như gỗ không được tốt, dù sao có màu sơn đẹp vẫn còn có niềm vui đắp đổi. Lấy chồng cũng vậy, phải đâu cứ chồng xấu thì có nhân cách tốt, nên vớ được anh nào tốt mã thì trước tiên phải vui, ít ra thì cũng nhìn sướng mắt mình, và có thể làm “lác mắt” một số người.
Ông bà ta lại bảo, “con gái yêu bằng tai, con trai yêu bằng mắt”, cũng đúng, có người con gái nào lại không thích nghe nói ngọt, được chiều chuộng, nâng niu. Nhưng ngoài những lời nói ngọt ra, nếu chồng còn có một vẻ đẹp trai ngời ngời nữa thì càng tốt chứ sao. Tính ra, yêu bằng cả tai và mắt vẫn sướng hơn!
Thế nên, lấy chồng đẹp trai luôn là một mong muốn chính đáng của bất cứ người phụ nữ nào.
Chồng đẹp trai mà vô tích sự…
Trước khi cưới, Nga luôn tự hào về chồng tương lai của mình, đi đâu cô cũng dẫn anh theo với ánh mắt rạng ngời tỏ rõ sự hài lòng trước những cái nhìn đầy ngưỡng mộ của bạn bè. Nga biết rõ nhan sắc mình thuộc loại “thường thường bậc trung”, nên kiếm được anh bồ đẹp trai và hiền lành như Quân thì quả là điều may mắn lớn của cô. Cứ thế, cô nhanh chóng làm đám cưới với Quân mà chẳng cần tìm hiểu kỹ càng về tính cách của anh ta.
Trước khi cưới, Nga luôn tự hào về chồng tương lai của mình, đi đâu cô cũng dẫn anh theo với ánh mắt rạng ngời tỏ rõ sự hài lòng trước những cái nhìn đầy ngưỡng mộ của bạn bè.
(ảnh minh họa)
Sau ngày cưới, Nga vô cùng hụt hẫng khi thấy Quân suốt ngày chỉ chải chuốt, ngắm nghía cơ thể trước gương, đụng vô việc gì cũng sợ xấu tay xấu chân, thêm cái khoản ăn uống vô cùng cầu kỳ vì sợ mất dáng. Cả ngày đi làm, tối về quần quật việc nhà, bếp núc, Nga dần dần trở nên nhem nhuốc, tóc tai bù xù và già trước tuổi.
Quân chẳng bao giờ đụng đến việc nhà, dù đơn giản là lau nhà, giặt đồ hay rửa chén. Mỗi khi ra khỏi nhà, Quân luôn khoác lên người những bộ đồ hàng hiệu, chải chuốt điệu đàng, xịt nước hoa thơm phức nên trông anh cứ càng ngày càng trẻ ra. Ban đầu còn chấp nhận được nhưng càng ngày Nga càng uất ức, khó chịu vì nhận ra sự bất công thái quá trong cuộc sống gia đình. Cứ theo cái đà ấy, chỉ vài năm nữa thì nhìn vào đôi vợ chồng này, sẽ có người trầm trồ tưởng rằng Quân là “phi công trẻ lái máy bay bà già” cũng nên, dù thực tế Quân lớn hơn Nga đến hai tuổi.
Tuấn nhận thức rõ về gương mặt điển trai, vóc dáng chuẩn như người mẫu của mình, nên dù cưới Lan được ba năm, anh vẫn giữ cho mình cái quyền được trêu đùa, chọc ghẹo cùng các em trẻ đẹp bên ngoài. Trai đẹp, cô nào chẳng muốn nhìn, muốn yêu, mà anh đẹp, thế nên anh cứ thuận theo lẽ tự nhiên vậy. Cô nào liếc mắt thì anh đá lông nheo, cô nào rủ đi cà phê thì anh lại mời đi ăn, và cứ theo cái đà ấy, chuyện gì tới cứ tới. Tuấn cho rằng Lan lấy được một người đẹp trai như anh là đã hạnh phúc rồi, nên hãy cứ an phận làm một người vợ ngoan hết lòng chăm chút, thương yêu chồng con, đảm đương việc nhà là đủ.
Gia đình anh cũng thuộc dạng có điều kiện, đâu để Lan phải thiếu ăn thiếu mặc. Thân gái được như vậy là quá hạnh phúc, còn đòi hỏi gì nữa. Còn anh là đàn ông, dù có trăng hoa một chút cũng chẳng sao, đi đâu chẳng về La Mã, anh có chơi bời chút thì cuối cùng cũng về với vợ con thôi. Nên cứ thế, Tuấn lao vào những cuộc vui chơi bù khú, tha hồ bay nhảy, bồ bịch bên ngoài mà chẳng thèm quan tâm gì đến tâm tư, cảm xúc của vợ con ở nhà.
Cái mã đẹp trai không ăn được, không bán được, nhưng lại thường mang kèm theo những người bạn đồng hành đáng ghét như sự lười biếng, tính tự cao tự đại, thói trăng hoa…
(ảnh minh họa)
… Thà ở một mình còn hơn!
Nga và Lan cần một người chồng biết chia sẻ cùng vợ từ những cảm xúc vui buồn cho đến những khó khăn mỗi ngày, biết san sẻ, gánh vác bớt các công việc nhà để cuộc sống trở nên nhẹ nhàng, dễ thở hơn; nhưng cả Quân và Tuấn đều không đáp ứng được. Hơn nữa, cả hai đều đang sống theo chiều hướng ngược lại. Một khi vợ chồng không được chia sẻ thì ắt hẳn là mâu thuẫn sẽ nảy sinh và khoảng cách giữa họ ngày càng lớn.
Nga hối hận vì đã lấy một người chồng đẹp trai chỉ biết chăm chút dáng vóc, ngoài việc yêu chính bản thân mình ra anh ta chẳng làm được điều gì có ý nghĩa hơn. Còn với Lan, cô vô cùng chán ghét thói ham chơi và trăng hoa của chồng. Tuấn chỉ được cái đẹp mã nhưng hoàn toàn vô tích sự, không xứng đáng với vai trò của một người chồng, người cha trong gia đình. Nếu có thể làm lại từ đầu, Lan thà ở một mình còn hơn!
Cái mã đẹp trai không ăn được, không bán được, nhưng lại thường mang kèm theo những người bạn đồng hành đáng ghét như sự lười biếng, tính tự cao tự đại, thói trăng hoa…
Vậy mới biết, lấy chồng đẹp trai đôi khi chính là một điều bất hạnh. Chồng đẹp trai mà vô tích sự như thế, chẳng ham!