Gần 80 tuổi nhưng ngoại vẫn thế, vẫn luôn yêu thương và chăm sóc tôi như đứa trẻ lên năm, lên ba. Cầm chiếc quần rách vá chằng chịt trên tay, nước mắt tôi cứ thế không kìm lại được.
Đứa bạn cùng phòng tôi cười phá lên khi nhìn thấy chiếc quần rách sành điệu của tôi được vá chằng chịt.
“Cái quần của mày sao lại ra nông nỗi kia?”
“Là ngoại tao đấy. Ngoại vẫn như thế, luôn yêu thương và chăm sóc tao mày ạ. Đối với ngoại, tao lúc nào cũng chỉ như đứa trẻ lên năm, lên ba”. Cầm chiếc quần trên tay, nước mắt tôi cứ thế không kìm lại được.
Đứa bạn cùng phòng tôi cười phá lên khi nhìn thấy chiếc quần rách sành điệu của tôi được vá chằng chịt. (Ảnh minh họa)
Ngoại tôi năm nay đã gần 80 tuổi. Từ nhỏ, tôi đã ở cùng ngoại, được một tay ngoại nuôi nấng, chăm sóc.
Bố mẹ tôi đến với nhau khi còn quá trẻ. Tuổi trẻ bồng bột, cái tôi quá cao rồi những cám dỗ từ bên ngoài, bố mẹ tôi đã chẳng chống lại được. Bố tôi bỏ xứ đi theo một người đàn bà khác. Mẹ ôm tôi về ngoại ở. Được một năm, mẹ quyết định đi xuất khẩu lao động, mong có thể tìm được một người chồng ngoại quốc để đổi đời. Những ký ức về mẹ trong tôi chỉ mông lung như thế.
Cứ thế, ngoại một tay nuôi tôi khôn lớn nên người. Ngày còn nhỏ, nhiều lúc tôi ngô nghê hỏi “Ngoại ơi! Bố mẹ con khi nào sẽ về thăm con hả ngoại?”. Ngoại ôm tôi vào lòng rồi bảo tôi cố gắng học hành chăm chỉ, ngoan rồi bố mẹ sẽ về.
Ngày ấy, trên khắp những con đường làng, ngõ nhỏ, nơi nào cũng cũng in dấu chân của hai bà cháu tôi. Bóng bà lớn, bóng tôi nhỏ, cứ thế nắm tay nhau đi ngày này qua ngày khác. Những ngày tháng tuổi thơ bên bà cứ thế trôi qua.
Khi đủ lớn để có thể hiểu rằng, bố mẹ tôi sẽ chẳng quay về dù tôi có cố gắng ngoan ngoãn như nào đi nữa cũng là lúc tôi nhận ra, sự thương yêu của bà suốt bao năm qua đã khiến tôi không còn chờ mong ngày bố mẹ quay về đến thế.
Hai mươi năm bỏ đi không về thăm con, nhưng chưa bao giờ ngoại cho tôi được giận bố mẹ. Nhiều lần tôi khóc rồi nói “Con ghét bố mẹ” thì ngoại lại nắm lấy tay tôi, dỗ dành rồi nói vì bố mẹ có việc rất bận nên mới chưa thể về thăm tôi.
Tết vừa rồi, tôi quyết định sẽ dành trọn cả Tết về bên ngoại. Vừa được nghỉ là tôi lao ngay ra bến xe, bắt chuyến xe sớm nhất để về với ngoại.
Vừa nhìn thấy tôi, ngoại đã nở nụ cười với hàm răng đen nhánh. Luôn coi tôi như đứa trẻ, ngoại lấy cho tôi chiếc khăn mặt rồi bảo tôi đi rửa mặt cho mát, để ngoại đi lấy cái gì cho mà ăn.
Dù tuổi cao nhưng ngoại vẫn còn minh mẫn lắm. Tôi thích ăn gì, không ăn được gì ngoại chẳng bao giờ quên. Lần nào về, ngoại cũng đi vùi ngay mấy củ khoai lang nướng cho đứa cháu nhỏ. Về với ngoại, tôi như đứa trẻ, được yêu thương săn sóc như ngày lên năm lên ba.
Tôi về, ngoại bảo năm nay phải ăn Tết thật “oách”. Thế là hai bà cháu lại đi chuẩn bị lá dong, ngâm gạo để gói bánh chưng. Dù hai người ăn chẳng được mấy nhưng ngoại bảo, không muốn tôi quên đi những giá trị truyền thống.
Tôi cùng ngoại đi lên chợ mua một cành đào nhỏ để bàn thờ cho ông. Cùng ngoại nắm tay đi qua những con đường làng, khóe mắt tôi cay cay. Tôi vẫn như đứa trẻ, được ngoại dắt qua hàng quà, mua cho chiếc bánh rán, cái kẹo dồi.
Về với ngoại, tôi như đứa trẻ, được yêu thương săn sóc như ngày lên năm lên ba. (Ảnh minh họa)
Một tuần nghỉ lễ trôi qua nhanh chóng. Trước khi đi, ngoại còn dúi vào tay tôi 200 nghìn bảo: “Bà đã vá lại chiếc quần rồi, con cầm tiền này mua gì đẹp mà mặc nhé!”. Tôi chưa hiểu chuyện gì nhưng để kịp chuyến xe, tôi ôm ngoại rồi nhanh chóng rời đi.
Hôm nay, ngồi xếp lại đồ tôi mới hiểu những gì hôm qua ngoại nói. Hóa ra, nhìn thấy chiếc quần rách của tôi, ngoại tưởng do tôi tiết kiệm, mặc chiếc quần đến sờn rách nên đã tranh thủ vá lại, và còn cho tôi tiền để mua quần áo mới.
Ngoại ơi, con chỉ mong ước một điều là có thể bên ngoại mãi, được sống trong vòng tay, sự che chở của ngoại. Đối với con, ngoại vừa là bà, vừa là cha, vừa là mẹ của con. Ngoại hãy luôn giữ gìn sức khỏe để có thể sống thật lâu, nhìn con trưởng thành ngoại nhé!