Mỗi ngày ra đường, chúng ta lại sợ hãi vì bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể gặp những rủi ro... Đâu còn ít những rủi ro như thế?
Giờ ra đường nhiều người nơm nớp những nỗi lo sợ vô hình, sợ bị tai nạn không còn được trở về nhà, sợ lời chào sáng mai với người thân bởi có thể đó là lời chào cuối, sợ cướp, sợ bị thôi miên, sợ bị tạt axit nhầm, sợ thực phẩm bẩn … và nỗi lo sơ bao trùm là chết bất đắc kỳ tử trên đường vì những thứ chẳng phải do mình gây nên… Chao, sao mà lắm nỗi…
Đó là nỗi ám ảnh của không ít phụ huynh khi đâu đó trên mảnh đất hình chữ S này vẫn tiếp tục có những sự việc đau lòng kiểu: sáng sớm đưa con tới lớp vẫn nói cười tươi rói, trưa đón con về trong nỗi đau tột cùng vì con đã bất động trên tay; Hoặc sáng con còn nguyên vẹn, trưa tức tốc đến đón mặt mày, thân thể con đã thâm tím bởi cơn “cuồng nộ” của bảo mẫu. Nỗi đau mất con hay cơ thể con bị dày vò, đau đớn là đòn đau có thể khiến phụ huynh trở thành những người không còn sáng suốt và có những hành vi mất kiểm soát… Nỗi đau đó họ không chỉ mang 1 tháng, 1 năm hay 10 năm mà sẽ ám ảnh, day dứt họ đến khi nhắm mắt, nỗi đau không thể đặt tên, không bao giờ nguôi đặng.
Đó là chuyện ở bệnh viện Đắk Lắk mới đây, chỉ vì bó bột mà một cô gái đang độ tuổi xuân thì đẹp nhất ở Đăk Lắk bị mất chân, mất chân đồng nghĩa với việc bỏ lại phía sau cả tương lai rực rỡ, mọi điều rất tốt đẹp có thể sẽ đang đợi cô phía trước bỗng bị cháy rụi trong chớp mắt chỉ vì tắc trách của một bộ phận được gọi là thầy thuốc. Không thể tin nổi nhưng đã xảy ra.
Vụ nổ ở Văn Phú là nỗi ám ảnh kinh hoàng (Ảnh internet)
Cũng như bé gái học lớp 1 đội chiếc mũ hồng trong “vụ Camry điên” ở Ái Mộ Gia Lâm, Hà Nội trong sáng sớm một ngày tháng 2. Cuộc đời bé chỉ mới bắt đầu với bao ước mơ, mong mỏi của người thân, bé cần được ôm ấp vỗ về biết bao, nhưng bỗng vỡ vụn, tan tành trong nháy mắt bởi một kẻ lái xe cực kỳ nguy hiểm, bất chấp luật định, mạng sống của những người quanh mình, tự cho mình quyền say rượu, ôm vô lăng điều khiển xế hộp một cách “điên khùng”, kết cục là cái chết uổng oan của 3 người khác. Với những con người chưa bao giờ nhận được nỗi đau tột cùng từ người thân nên sẽ không bao giờ hiểu nỗi đau mất người thân chăng?
Chưa có nước nào trên thế giới này ngày ngày lại xảy ra tai nạn giao thông kinh hoàng như ở ta. Ai cũng nói vậy và ai cũng biết thế, nhưng ở trên mảnh đất cong cong chữ S ấy vẫn đang hàng ngày xảy ra những vụ tai nạn đau lòng dường vậy, khiến nhiều người khiếp đảm đến thế.
Và khi sự việc ở Ái Mộ vẫn khiến bao người còn day dứt chưa nguôi thì vụ “cưa bom” ở Văn Phú khiến 4 con người vô tội mãi mãi lìa xa vòng tay người thân. Trong đó, hình ảnh thi thể bé gái 7 tuổi mặc áo hồng khiến nhiều người ám ảnh. Một người phụ nữ đứng từ xa chứng kiến sự việc, sụp xuống, ôm mặt khóc như thể chính con mình gặp nạn. Có lẽ, trước đó vài tích tắc thôi, bé đang hạnh phúc lắm. Có thể, bé sẽ có cuộc sống bình an như bao trẻ khác, được đến trường, được nghêu ngao hát những bài hát tuổi thơ, nhưng thời khắc định mệnh đó, bé đã thôi không còn được mơ ước. Từ nay, lại thêm một nỗi sợ “cưa bom” của những ngôi nhà mang tên “đồng nát”.
Mới đây, gần 10 tấn chất cấm salbutamol đã được nhập về Việt Nam lại khiến dư luận “kinh hãi” bởi trong số này chỉ có 10 kg đang được sử dụng đúng mục đích, số còn lại ở đâu, sử dụng ra sao thì không ai hay. Đâu đó mỗi ngày, có thể chính chúng ta đang “thẩm lậu” chất này vào cơ thể từ rau, thịt, cá mú…bởi nhiều nhà quản lý “dự” rằng có thể phần lớn chất độc hại này đang đổ hết vào lĩnh vực chăn nuôi. Dù đã cảnh báo, nhưng tư duy “tiểu nông” đang khiến chúng ta đầu độc lẫn nhau. Một dự đoán giật mình về số ca mắc bệnh ung thư vào năm 2020 là 1 triệu người, nhưng với cách đầu độc nhau trên diện rộng như bây giờ, có thể, con số 1 triệu người ung thư sẽ “cán đích” sớm trước mốc 2020 là điều rất dễ hiểu.
Thực phẩm bẩn đang hoành hành (Ảnh internet)
Và rồi, ngày ngày vẫn đâu đó diễn cảnh một ông mang rổ ổi sang nhà hàng xóm: ‘Hái để biếu nhà chú ăn hôm nay, ngày mai phun thuốc bán rồi, ăn độc hại lắm”. Ôi sao nỡ, chỉ mình mới được quyền “né” độc, còn người lạ thì “sống chết mặc bay”? Giờ ở những vườn rau kinh doanh, người nông dân còn đánh dấu phân biệt, luống này để ăn, chỗ kia để bán và ở chợ bà này hướng dẫn chị kia cách biến thịt ôi thiu thành thịt tươi cả tháng. Và chính họ còn tự hào là riêng mình không bao giờ ăn thực phẩm bẩn… Nhưng họ đâu ngờ, người ăn rau sạch thì vướng thịt bẩn, còn người ăn được quả sạch thì “dính” chất cấm phở bún ướp phóc môm, huỳnh quang….
Sống vậy không lo sợ mới là điều bất thường, cũng bởi luôn sống trong nỗi sợ hãi thường trực, nên nhiều người muốn mỗi ngày sống là một ngày vui, mỗi ngày được thấy mình hạnh phúc, sống tốt và đối tốt với nhau bởi chẳng biết ngày mai có được thức dậy. Và nếu như mỗi ‘tế bào’ của xã hội ý thức được thêm rằng nếu mình sống có trách nhiệm hơn với xã hội, nỗi đau sợ hãi đó sẽ được xoa dịu đi rất nhiều, chắc chắn là như thế.