Khi gieo một hạt giống, đừng quá lo lắng về việc khi nào nó sẽ nảy mầm. Một ngày nào đó nhìn lại, bạn sẽ thấy đầy những hoa và trái.
Có một công thức được nhiều người truyền nhau trên mạng internet rằng: Vấn đề = Giá trị kỳ vọng - Tình hình thực tế.
Điều này có nghĩa là nếu bạn kỳ vọng cao hơn vào một điều gì đó so với điều kiện thực tế thì vấn đề sẽ lớn hơn và từ đó dẫn đến những xích mích, mâu thuẫn. Ngẫm nhiều hơn về điều này, bạn sẽ thấy nó đúng đắn trên các phương diện của cuộc sống.
Khi bạn có kỳ vọng cao về bản thân và không tìm thấy được vị trí lý tưởng, bạn sẽ thất vọng.
Khi bạn có kỳ vọng cao đối với nửa kia của mình, bạn sẽ phát điên nếu phát hiện ra đối phương không như mình vẫn nghĩ.
Nhiều bậc cha mẹ vì đặt kỳ vọng quá cao vào con cái nên khi con thể hiện kém hơn một chút liền cảm thấy suy sụp...
Bản thân vấn đề không phải lý do mà là bởi kỳ vọng của bạn về bản thân hoặc người khác quá cao. Trong phần còn lại của cuộc đời, nếu bạn muốn cải thiện hạnh phúc của mình, hãy hạ thấp kỳ vọng.
Kỳ vọng quá cao, dễ mắc bẫy chính mình
Năm 1990, một người đàn ông tên Yao Yuan là thủ khoa của tỉnh Hồ Bắc khi thi tuyển vào Học viện Công nghệ Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp, Yuan được mời làm việc trong một viện nghiên cứu, là niềm mơ ước của rất nhiều người. Nhưng vốn là người nổi bật từ khi còn nhỏ và có kỳ vọng cao vào bản thân, Yuan nghĩ rằng mình không nên trải qua một cuộc sống nhàm chán như vậy trong viện nghiên cứu. 9 năm sau, Yuan quyết định nghỉ việc và đến Thượng Hải.
Tràn đầy tự tin khi đến Thượng Hải nhưng khi thực sự tìm việc, Yuan lại cảm thấy công việc nào cũng không đáp ứng được kỳ vọng của bản thân. Thời điểm đó, cuộc khủng hoảng tài chính bao trùm toàn thế giới, Yuan cũng nằm trong số những người thất nghiệp tìm việc trong tuyệt vọng. Yuan bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề và vì không dám đối mặt với gia đình, Yuan không còn cách nào khác ngoài việc lang thang trên đường phố trong suốt 12 năm.
Vốn xuất thân từ một ngôi trường danh tiếng, Yuan đã mắc bẫy bởi chính những kỳ vọng quá cao vào bản thân mà không hề hay biết, thậm chí đối mặt với thất bại cũng không dám. Nếu một người không thể nhìn đúng khoảng cách giữa mục tiêu và khả năng thực tế của mình, nó sẽ dẫn người đó tới một con dốc trơn trượt, nhanh chóng rơi vào vòng luẩn quẩn “càng mong càng lo, càng lo càng thất bại”.
Và kỳ vọng này không chỉ là với bản thân, mà còn đúng với kỳ vọng dành cho những người khác. Cô vợ trẻ nọ rất háo hức trước kỷ niệm ngày cưới của mình, vì trước đây chồng cô là người rất lãng mạn nên cô càng mong chờ. Kết quả là sau một ngày chờ đợi, người chồng không có động tĩnh gì. Cuối ngày, cô không nhịn được mà gọi điện hỏi mới phát hiện chồng hoàn toàn quên bẵng chuyện này nên nhận lời hẹn với đồng nghiệp.
Người vợ rất tức giận và cãi nhau với chồng. Cô cho rằng chồng không coi trọng cuộc hôn nhân này, người chồng thì cho rằng mình cũng là vì cố gắng kiếm tiền nuôi gia đình và rồi bắt đầu cuộc chiến tranh lạnh. 2 năm sau đó, vợ chồng họ đã ly hôn.
Triết gia Socrates nói: “Chỉ với mong đợi một chút bạn mới có thể tiếp cận hạnh phúc cao nhất”.
Cũng giống như khi leo núi, người kỳ vọng quá nhiều luôn mơ ước ngày lên tới đỉnh núi, nhưng rồi lại thất bại trên đường đi. Những người hạ thấp kỳ vọng, khao khát dần đạt được mục tiêu của mình và cuối cùng đã chinh phục được những đỉnh núi. Nhớ rằng, hạ thấp kỳ vọng của bạn không có nghĩa là từ bỏ chính mình.
Hạ thấp kỳ vọng, bạn sẽ thấy những điều bất ngờ
Kỳ vọng quá mức đôi khi giống như một bao cát nặng trĩu bạn tự đặt trên vai và nó khiến bạn kiệt sức khi tiến về phía trước. Chỉ bằng cách học buông bỏ đúng lúc, chúng ta mới có thể đến được bến bờ bên kia của hạnh phúc. Khi giá trị kỳ vọng là 100, bạn sẽ thất vọng nếu nhận được 99; khi giá trị kỳ vọng của bạn là 0, bạn sẽ cảm thấy có thật tốt khi nhận được 1. Điều này không chỉ đúng với bản thân bạn mà còn đúng với những người khác.
Nhà tâm lý học Alfred Adler từng nói: “Một số người dễ thất vọng trong cuộc sống vì kỳ vọng của họ quá cao". Nhiều người khác tràn đầy hy vọng trong cuộc sống vì kỳ vọng của họ đã được điều chỉnh xuống.
Khi bạn hạ thấp kỳ vọng của mình đối với bản thân, sau khi hoàn thành một việc nhỏ, bạn sẽ có cảm giác hoàn thành.
Khi bạn hạ thấp kỳ vọng của mình đối với nửa kia, ngay cả khi thấy họ có những thiếu sót nhỏ, bạn cũng sẽ không dễ dàng nổi giận.
Khi bạn hạ thấp kỳ vọng của mình vào con cái, chỉ cần thấy chúng vui vẻ nói cười, bạn cũng sẽ tự nhiên mà nở nụ cười trên môi.
Bạn càng ít mong đợi từ bản thân hoặc người khác, thế giới sẽ càng đối xử tốt với bạn.
Kỷ luật tự giác lớn nhất đối với người trưởng thành là hạ thấp kỳ vọng
Nếu bạn có kỳ vọng thấp, bạn có thể kiên trì. Nếu bạn có kỳ vọng cao, bạn sẽ nhanh chóng bỏ cuộc vì thất vọng. Đây là lý do tại sao những người luôn không đòi hỏi nhận về lại được nhiều phần thưởng nhất. Hạ thấp kỳ vọng sẽ giúp bạn vững bước hơn và duy trì mối quan hệ với người khác bền chặt hơn.
- "Điểm chuẩn" hợp lý để bớt so sánh
Có một thuật ngữ trong tâm lý học gọi là "hiệu ứng mỏ neo" mô tả rằng khi mọi người đánh giá một thứ gì đó, họ sử dụng các đối tượng tham chiếu mà họ đã xem làm "mỏ neo" để đưa ra quyết định.
Nếu bạn chỉ đủ tiền mua một chiếc ô tô bình thường nhưng lại đem so sánh với người đủ tiền mua một chiếc ô tô hạng sang, bạn hẳn sẽ thấy không mấy thoải mái. Nhưng nếu bạn nhìn sang những người không đủ tiền mua ô tô, bạn sẽ có cảm giác vượt trội.
Đừng luôn ghen tị với cuộc sống của người khác, đặt bản thân lên bàn cân với những người khác. Bạn sẽ thấy sự so sánh ấy là không bao giờ có hồi kết, trong khi cuộc sống của bạn thì có. Một người khôn ngoan không bao giờ lãng phí cuộc sống hữu hạn của mình trong sự so sánh vô hạn.
- Chấp nhận bản thân, không tìm kiếm sự hoàn hảo
Hãy chấp nhận cuộc sống không hoàn hảo của bạn. Trên thực tế, sức mạnh thực sự không nằm ở việc bạn khiến mọi thứ trở nên hoàn hảo ở mọi nơi mà nằm ở việc cho phép những điều không hoàn hảo xảy ra.
Nếu trên chặng đường theo đuổi sự hoàn hảo, bạn vấp phải tường ở khắp mọi nơi, bạn cũng có thể thử lùi lại một bước. Chọn cách chung sống với những điều không hoàn hảo, chúng ta mới có thể bình tĩnh đối diện với mọi nỗi đau trong cuộc đời.
- Nghĩ ít làm nhiều, tự bứt phá
Vinh quang đến từ hành động và hầu hết những thành tựu vĩ đại đều đến từ sự tĩnh lặng.
Nhiều người khi làm việc gì cũng luôn suy nghĩ rất nhiều và đặt ra kỳ vọng rất lớn, cuối cùng lại suy nghĩ nhiều hơn, đủ mọi nỗi lắng lo rồi trì hoãn hành động. Giải pháp được đưa ra ở đây chính là hành động ngay bây giờ, suy nghĩ ít hơn và làm nhiều hơn.
Tất cả những người thành công xung quanh bạn đều là những người có thể bình tĩnh và lần lượt hoàn thành những mục tiêu nhỏ. Sau một khoảng thời gian tích lũy nhất định, họ sẽ tự nhiên thoát ra khỏi kén và trở thành những con bướm. Nhớ rằng, trái tim của bạn được đặt ở đâu, hoa sẽ nở ở đó.
Nhà bác học Stephen Hawking từng nói: "Nếu bạn có thể giữ kỳ vọng của mình ở mức tối thiểu, bạn sẽ biết ơn những gì bạn có."
Khi kỳ vọng của bạn về bản thân quá cao, bạn sẽ thất vọng khi không đạt được trạng thái lý tưởng. Khi bạn mong đợi quá nhiều từ người khác, bạn sẽ gục ngã khi họ thiếu sót. Miễn là bạn biết đánh giá một cách hợp lý, chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân và tập trung vào bản chất vấn đề, bạn sẽ thấy biết ơn cuộc sống cũng như những người và vật xung quanh mình.