Những tháng ngày độc thân, chị em có thể thoải mái với số tiền mình kiếm được, thậm chí sẵn sàng “đốt” cả tháng lương cho chiếc túi mình thích bấy lâu để 29 ngày còn lại làm bạn với mì tôm. Thế nhưng mọi thứ sẽ thay đổi khi bạn lập gia đình, có con cái...
Gặp khó khăn trong việc quản lý chi tiêu có lẽ không phải câu chuyện của riêng ai. Ai cũng biết tiết kiệm là điều nên làm, thậm chí có thể vanh vách nói các phương pháp tiết kiệm song không phải ai cũng có thể thực hiện được những điều đó.
Với các chị em, người thường đóng vai trò “tay hòm chìa khóa” trong gia đình, chuyện chi tiêu lại càng được quan tâm hơn. Những tháng ngày độc thân, chị em có thể thoải mái với số tiền mình kiếm được, thậm chí sẵn sàng “đốt” cả tháng lương cho chiếc túi mình thích bấy lâu để 29 ngày còn lại làm bạn với mì tôm. Thế nhưng mọi thứ sẽ thay đổi khi bạn lập gia đình, các khoản phải chi tăng lên nhiều và bạn không thể để con cái “hít khí trời” mà lớn.
Bà mẹ 9x có tên Hải Vân (Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong những dòng tâm sự dưới đây chưa từng nghĩ việc chi tiêu của mình có vấn đề dù chuyện phải vay “nóng” bạn bè hay no dồn đói góp xảy ra như cơm bữa. Tuy nhiên, quyết định kết hôn vào cuối năm 2015 chính là cột mốc đánh dấu sự thay đổi lớn trong suy nghĩ và hành động của Vân.
“Hôm trước thấy có bài chia sẻ của một bạn độc thân lương 20 triệu/tháng vẫn không để được đồng tiết kiệm nào, lại nhớ đến mình của những năm ấy.
Mình là 9x đời đầu (mình sinh năm 90 nhé), hiện đã có gia đình và 1 bé trai 3 tuổi rưỡi. Ngẫm lại mới thấy độc thân đúng là quãng thời gian vô lo vô nghĩ nhất đời.
Hồi đó mình có chút may mắn khi trong mấy tháng đi thực tập thì được nhận luôn vào công ty. Ra trường không phải lo đi xin việc, sau 2 năm cũng gọi là có chút vị trí ở công ty. Những năm 2013, 2014, mức thu nhập 10 triệu/tháng cho phép mình chi tiêu một cách khá thoải mái.
Vì ở cùng gia đình nên mình tiết kiệm được khá nhiều khoản chi phí. Ngày đó, mình cũng giống nhiều bạn bè cùng trang lứa, đầu tháng sống như bà hoàng, cuối tháng lại đếm ngược chờ ngày lấy lương. Tháng nào “xào” hết tháng đó, thấy tiền tiết kiệm đúng là khái niệm xa xỉ và cũng chưa từng nghĩ rằng mình có vấn đề về chi tiêu.
Rồi mọi chuyện thay đổi khi mình quyết định kết hôn, sớm hơn dự định 2 năm. Trong khi mình tính phổi bò, ưa náo nhiệt, sống theo kiểu chuyện ngày mai chớ lo hôm nay và đôi khi hơi vô tâm thì chồng mình lại là người rất chỉn chu, cẩn thận và biết quan tâm đến mọi người.
Quan điểm về tiền bạc của Hải Vân thay đổi khi bước chân vào cuộc sống gia đình. Ảnh minh họa.
Ngay sau khi cưới, mình đề nghị anh là người cầm tiền trong gia đình vì mình biết khả năng chi tiêu của bản thân thế nào. Tuy nhiên chồng mình khi ấy nhất định từ chối, tình nguyện “nộp” hết cho mình và muốn vợ là người giữ vai trò “tay hòm chìa khóa”. Anh ấy bảo giao hết tiền cho vợ chính là thể hiện sự tin tưởng của người đàn ông.
Vậy là sau một đêm, mình nhanh chóng trở nên giàu có khi thu nhập từ 12 triệu/tháng trở thành 28 triệu/tháng (lương chồng mình là 16 triệu/tháng). Cuộc sống vợ chồng son mà, thích ăn ở nhà thì ăn, hứng lên là đi xem phim, cà phê rồi cuối tuần lại ăn hàng cho đỡ phải nấu nướng.
Kết thúc tháng đầu vợ chồng son viên mãn, mặt mình “ngắn tũn” khi nhận ra mình đã “nướng” gần sạch số tiền kia. Chồng mình khi ấy ngồi cạnh với thái độ hết sức bình tĩnh, không hề trách móc vợ. Mình than trời với chồng rồi nghĩ đến cảnh cô bạn thân mới nhắn tin vay tiền đi đẻ mà không khỏi lo lắng cho tương lai. Sẽ ra sao khi bọn mình có con mà vẫn chi tiêu kiểu này?
Mình muốn thay đổi và biết bản thân cần thay đổi. Cách mình đã và đang làm từ đó tới nay chính là luôn xử lý hết các khoản chi cố định ngay vào ngày nhận lương. Mình sẽ thanh toán tiền điện, nước, bảo hiểm, internet, chia sẵn tiền dành cho ăn uống, giải trí… vào các phong bì và gửi luôn tiền tiết kiệm. Đây là cách mà chồng mình đã mách cho mình.
Một thao tác đơn giản thôi nhưng đã thay đổi rất nhiều cuộc sống của mình. Mình bắt đầu biết điều chỉnh chi tiêu theo số tiền còn trong phong bì, học cách ghi chép để biết mình đang có và đã tiêu bao nhiêu. Không cho phép bản thân chi vượt quá dự định, mình học được cách xoay sở và phát hiện thực ra tiết kiệm không khó đến vậy.
Cho đến nay, mình vẫn duy trì thói quen tự động hóa tài chính và tiết kiệm 50% thu nhập gia đình. Mãi sau này chồng mình mới kể, ngày đó anh để mình giữ tiền và tiêu theo ý muốn vì muốn bản thân mình nhận ra vấn đề trong cách chi tiêu và chủ động muốn thay đổi. Anh phát hiện ra vấn đề của mình từ ngày hai đứa quen nhau nhưng không muốn áp đặt khiến vợ thấy bị gò bó. Kể ra cũng “chồng nhà người ta” đấy chứ chị em nhỉ”.
Xác lập tất cả kỳ hạn thanh toán của những chi phí cố định vào ngày nhận lương là cách vợ chồng chị Vân áp dụng.
Quả thực chi tiêu trong gia đình luôn là đề tài được hội chị em quan tâm sâu sắc. Ngay sau khi chia sẻ, bài đăng của Hải Vân đã nhận được sự quan tâm lớn của cư dân mạng.
“Chồng bạn này tâm lý quá trời. Mình vừa lấy chồng xong và cũng đang ở giai đoạn khủng hoảng hậu hôn nhân đây. Đúng là cuộc sống gia đình khác với ngày độc thân nhiều lắm. Mình sẽ thử áp dụng cách này ngay trong lần lấy lương tới mới được”.
"Đừng tiết kiệm những gì còn lại sau khi tiêu, hãy tiêu những gì còn lại sau khi tiết kiệm. Đây thực sự là chân lý đối với mình luôn".
“Em thì chưa lập gia đình nhưng đã áp dụng cách này nhờ học theo mẹ. Thực ra em nghĩ mình có thể tiết kiệm bằng nhiều cách đơn giản như: những đồ ít khi sử dụng có thể mua đồ cũ hoặc mượn bạn bè; quần áo không cần chạy đua số lượng mà nên mua đồ chất lượng, đơn giản và dễ kết hợp. À một mẹo nhỏ mà em thấy rất hiệu quả chính là chị em đừng mang theo nhiều tiền lẻ nhé! Nhiều khi mình bị cảm giác tiền lẻ thì tiêu đi cho gọn ví, không thấy tiếc như khi “phá” tờ tiền chẵn ấy!”.
“Tiết kiệm được 50% thu nhập, vợ chồng bạn quả là đáng nể đấy. Đúng là kiểu tiêu bao nhiêu không biết, kiếm được bao nhiêu không hay rất nguy hiểm. Mong sẽ có nhiều bài chia sẻ hữu ích như này nữa để chị em ta học hỏi, dần hoàn thiện mình”.
Mỗi gia đình, mỗi người sẽ có những cách tiết kiệm riêng phù hợp với hoàn cảnh và thói quen. Mỗi thay đổi tuy nhỏ đều có thể tạo nên hiệu quả lớn. Càng sớm nhận ra và giải quyết vấn đề chi tiêu của mình, bạn sẽ càng sớm đạt được ổn định tài chính, không phải lo lắng nhiều khi về già.