Tôi thường gọi những người ở cùng với nhà tôi, nuôi con cái của tôi, dọn dẹp nhà cửa giúp tôi bằng một tên gọi ‘bác giúp việc’. Tôi chưa từng gọi họ là ô-sin hay một cái tên gì đại loại là người đi ở hay chỉ là người làm thuê.
... Bởi, với tôi, họ là những người đáng được tôn trọng, họ cũng là những người làm mẹ, làm bà như bao người khác. Một sự không tôn trọng đối với họ đều là tội lỗi. Và tôi cũng rất kị những người gọi họ bằng những từ phản cảm, coi thường.
Vì tôi tin, ở một nơi nào đó, các bác cũng có gia đình, cũng có những người thân yêu, những người hằng đêm mong ngóng bà mình, mẹ mình được sum vầy. Nhưng vì mưu sinh, vì công việc, vì cuộc sống, họ phải xa nhà, đi làm giúp việc cho nhà khác, ngay cả khi công việc gia đình mình còn bề bộn, chưa có người lo. Đó là công việc, một công việc thầm lặng, đáng ca ngợi. Bác và gia đình tôi sống vui vẻ, hòa thuận, coi nhau như người thân thiết trong gia đình.
Thế nhưng, có những ‘con sâu làm rầu nồi canh’, có những người chỉ vì họ không cam tâm làm giúp việc, hoặc họ cảm thấy công việc của mình quá vất vả, thậm chí là không tiết chế được cảm xúc của mình hoặc vì một bất cứ lý do nào khác, họ lại biến mình thành những người khiến cả xã hội lên án. Họ gây tội lên người khác, mà đối tượng họ chọn lại chính là những đứa trẻ mà mình ngày ngày chăm sóc, cưng nựng, yêu thương.
Trẻ nhỏ đáng yêu lắm, người dưng nước lã cũng sẽ cảm thấy động lòng trước một đứa trẻ mình không quen biết. Chỉ cần là trẻ nhỏ, ai ai cung sẽ yêu thương chúng. Chúng vô tội, chúng non nớt, chúng ngây thơ biết nhường nào. Ai chưa từng làm cha làm mẹ, ai đã từng sinh con, tất cả đều sẽ dành tình yêu thương cho chúng. Nhất là những người mẹ, chỉ cần là mẹ, đã từng sinh con, đã từng chăm sóc, yêu thương con của mình, chúng ta sẽ cảm thấy yêu thương bất cứ một đứa trẻ nào trên đời này. Thậm chí rơi nước mắt khi thấy chúng đau, chúng ốm. Xót xa khi thấy chúng khóc không chịu ăn.
Ấy vậy mà, có những người là phụ nữ, cũng đã từng sinh nở, cũng từng làm cha làm mẹ rồi làm giúp việc lại vô cảm. Họ hành hạ con của người khác giống như một sinh vật vô tri. Họ nhẫn tâm đánh đập, nhồi nhét, coi thường tính mạng của trẻ nhỏ chỉ vì họ tức giận hay vì họ không phải là cha, là mẹ của chúng? Hỏi có đáng trách hay không?
Trẻ 8 tháng tuổi bị bạo hành (ảnh cắt từ clip của VTV)
Trên đời này, có ai nhìn cảnh người giúp việc tra tấn một đứa trẻ mới 8 tháng tuổi mà không xót xa trong lòng, mà không đau đớn? Có phẫn uất có nước mắt rơi, có cả sự căm hờn. Đã làm người thì không nên làm thế, làm người phải tích đức về sau…
Đó là câu chuyện về người giúp việc bạo hành trẻ 8 tháng tuổi xảy ra ở phường Phú Hài, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vào ngày 25-2 vừa qua. Câu chuyện được camera của gia đình ghi lại hình ảnh người giúp việc nắm cẳng chân, xốc ngược đầu xuống và lắc lư từ ngoài cửa vào trong nhà. Điều ám ảnh nhất là tiếng khóc thét của cháu bé.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng này ở những gia đình thuê người giúp việc, thậm chí là ở những trường mẫu giáo, nơi mà các cô gái luôn hứa hẹn với phụ huynh của các em nhỏ rằng, con của các bạn cũng là con của chúng tôi.
Con người đặt niềm tin vào nhau, tin vào người giúp việc cũng như bảo mẫu, vì họ nghĩ, chẳng có ai nhẫn tâm đi hành hạ những đứa trẻ đáng yêu vô tội như thế. Ấy vậy mà, vẫn có những người lòng dạ xấu xa như thế… Họ đã và đang làm xấu hình ảnh của người giúp việc.
**
Pháp luật sẽ có biện pháp mạnh để trừng trị họ, nhưng tôi tin, tòa án lương tâm sẽ thức tỉnh những con người vô lương tâm ấy, và tòa án ấy còn lớn gấp vạn lần tất cả những sự trừng phạt kia. Họ cũng làm mẹ, cũng đã sinh con, nếu như một ngày nào đó, con họ cũng bị đối xử như thế từ người khác, không hiểu họ sẽ nghĩ những gì.
Chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng đủ để hiểu, lòng tốt của con người quá đỗi mong manh. Chúng ta muốn tin tưởng một ai đó nhưng họ lại tước đi mất niềm tin của chúng ta một cách dễ dàng. Ăn cùng nhà, uống cùng nhà, sống cùng nhà, ngủ cùng nhà, nuôi con của chủ nhà bao ngày tháng, há gì không giống như con mình?
Chỉ hi vọng xã hội không còn những người giúp việc vô lương tâm như thế, để tôi, và bao người làm cha làm mẹ khác vẫn luôn tin, giúp việc cũng có trăm kiểu người.