Anh rất ít khi về nhà. Suốt bao nhiêu năm sống trong xa cách, nhớ nhung. Cả tháng mới được gặp vợ con một vài ngày cuối tuần ngắn ngủi. Con chưa kịp quen cha, vợ chưa kịp bén hơi chồng là lại ngậm ngùi ra đi.
Nhiều lúc mệt mỏi vì công việc, vì những chuyện xô bồ, bon chen của cuộc sống…. Anh thấy thèm biết bao nhiêu cái không khí gia đình ấm áp, ăn bữa cơm nóng vợ nấu, nghe tiếng con cười hồn nhiên… Nhưng không hề có. Lại một mình đối diện với bốn bức tường lặng thinh lạnh lẽo.
Cô đơn và anh cũng hiều hơn ai hết cái cảm giác đó một người phụ nữ phải chịu thì nó còn đáng sợ như thế nào? Nên mỗi khi được về nhà, anh đều chăm chỉ, không nề hà việc gì để giúp chị. Và với chị, những ngày có anh chỉ để khiến chị hiểu hơn những ngày vắng anh nó thiếu thổn buồn tủi như thế nào?
Rồi sau bao nhiêu năm xa cách, với bao nhiêu nỗ lực anh chị cũng được ở gần nhau. Vợ chồng được ở gần nhau mà tự dưng lại cứ ngỡ như là vợ chồng mới cưới. Cái gì cũng cảm thấy lạ lạ buồn cười. Cái cảm giác đêm đêm có người ngủ cùng lại khiến cả anh chị thao thức mất ngủ. Ờ, thì bình thường chị ngủ có hai mẹ con, anh thì một mình, giờ ba người nhét vào một cái giường lại cứ thấy nó chật chội, bức bối nên cứ trằn trọc mãi mà không ngủ được. Nhiều khi chị khẽ cười mà đùa anh: Hóa ra ngủ chung nhiều khi cũng không vui lắm anh nhỉ?
Anh cũng chỉ biết cười theo. Anh ôm chị vào lòng, khẽ hôn lại tóc chị mà nói:
Em không biết đấy thôi, nhiều đêm anh mất ngủ, chỉ có một mình, thấy đêm dài dễ sợ. Giờ có em thức cùng, thì dù sao cũng vui hơn.
***
Nhưng người ta vẫn nói: Xa thương gần thường. Ở gần nhau dần dần chị phát hiện ra những cuộc điện thoại với anh chỉ là: Anh về chưa? Có ăn cơm không? Đến đâu rồi? Anh đón con đi. Em hôm nay về muộn…. Chỉ toàn là câu ngắn. Ừ, tiền điện thoại ít tốn hơn xưa. Càng tốt. Cũng chẳng có đêm nào thức để nấu cháo điện thoại cùng anh, cũng chẳng mấy khi phải nói: Em nhớ anh, con nhớ anh hay anh nhớ em và con lắm... Hay mấy tin nhắn chúc nhau ngủ ngon nữa. Gần ngay bên cạnh nói thế có mà người ta bảo điên. Chị tặc lưỡi: Ở gần nó thế. Buồn chi?
Ở cơ quan, có người nấu ăn cho nên có khi nào anh phải nấu đâu mà biết. Chị lại tặc lưỡi. Có ai hoàn hảo bao giờ. (ảnh minh họa)
Rồi thì chị phát hiện ra, anh nấu ăn dở tệ. Nấu canh thì mặn, nấu cơm thì nhão, luộc rau thì hôm nát hôm sống… Nói chung là anh vô cùng vụng về trong khoản nấu nướng. Ngày trước khi xa, mỗi khi anh về là chị sẵn sàng vào bếp nấu cho anh những món ngon nhất chứ làm gì bắt anh nấu nướng đâu? Giờ ở gần, chia sẻ cùng nhau mới biết anh vụng. Ừ, thôi thì vụng nấu nướng nhưng biết làm những thứ khác thì cũng tạm. Ít ra nah cũng biết lau nhà và giặt quần áo, chăm con… Ở cơ quan, có người nấu ăn cho nên có khi nào anh phải nấu đâu mà biết. Chị lại tặc lưỡi. Có ai hoàn hảo bao giờ.
***
Nhưng không chỉ có thế, chị cũng nhận ra hai vợ chồng bắt đầu có những va chạm nhiều hơn. Tính anh thì xuề xòa, qua loa, tính chị thì kỹ càng cẩn thận… Nên anh làm gì cũng không còn vừa mắt chị nữa. Hồi đầu vì còn giữ ý hàng xóm mới nên chị gắng nhịn. Nhưng giờ không nhịn được nữa. Chị càu nhàu chuyện anh ăn mặc như ông cụ, chuyện anh bừa bộn quần áo, chuyện anh không biết lấy gì cho con mặc mỗi khi tắm giặt xong, chuyện anh không khéo léo nhiều khi làm mất lòng người khác, chuyện bảo anh phun thuốc muỗi thì anh cứ thế mà phịt tất lên mọi thứ trong nhà. Bảo anh thì anh cười: Anh có biết là phải dọn nhà trước đâu… Cái gì anh cứ làm trước là chị lại đi dọn sau… Nhiều khi bực mình, chị cáu lên:
- Em không thể chịu đựng anh thêm được nữa.
Dạo này mỗi khi có chuyện gì anh khiến chị bực mình chị rất hay nói ra câu ấy. Không biết chị nói quen miệng hay là như thế thật. Nhưng những khi nghe chị nói vậy anh đều yên lặng. Không biết anh nghĩ gì, nhưng mỗi lần chị nói câu ấy là anh lại yên lặng.
Anh là mẫu người đàn ông trầm tính, ôn hòa. Chỉ vì chị kỹ tính và cầu toàn đòi hỏi quá nên chị chỉ nhìn thấy những nhược điểm của anh. Còn anh thì nghĩ, bao nhiêu năm sống xa cách, giờ mới được gần nhau, anh nhường chị, nhịn chị cho yên cửa yên nhà.
Nhưng anh cũng biết tính chị phổi bò, tức lên là rủa xả cho hết. Xong thì lại cặm cụi làm mọi thứ cho anh chứ cũng không phải dạng để bụng lâu ngày. Vì thế cho nên nhiều khi vừa mới va chạm xong tí lại thấy anh chị cười hì hì với nhau được. Người ngoài nhìn vào không hiểu lại bảo là: Vợ chồng phường chèo. Chỉ có anh chị mới hiểu. Anh thì anh hiểu hơn ai hết.
***
Ngày nghỉ, chị dặn hai cha con ở nhà chăm nhau, chị đi ăn cười một cô bạn ở cơ quan. Dặn anh ở nhà nấu cháo cho con ăn, và dọn dẹp nhà cửa giúp chị. Vậy mà khi về, con thì ngồi trong tủ lạnh bọc hết mọi thứ có ở trong đó quang vứt lung tung, phô mai trát quanh mặt và bốn xung quanh tủ, ở trong nhà bếp. Bố thì đang hỉ hả với mấy ông bạn hàng xóm quanh bàn nhậu mà chắc là mỗi ông góp một ít vẫn đang say sưa bàn chuyện quốc gia đại sự, khua chân múa tay hoành tráng lắm. Chị thấy máu trong người mình như được đun lên vậy.
Mặc dù vẫn cười với mọi người nhưng chị nghĩ thầm: Không thể nào chịu đựng anh được nữa. Giá mà làm việc gì cũng ghi nhớ như chuyện đi nhậu thì tốt biết mấy?
Chị lôi con ra, đi tắm, rửa mặt mũi dọn đống đồ đạc bày ra của con và bố trong nửa ngày chị vắng nhà. Vừa dọn, cục tức lại càng như ghẹn ứ trong cổ họng. Không nói ra là không chịu được.
Lâu lâu mấy ông mới có dịp ngồi với nhau, nên anh bị chúc cho say khướt. Mấy ông bạn cũng không khá hơn. Đồng hồ điểm một giờ chiều các ông mới chịu rã đám.
Anh nằm vật xuống giường, rồi thiếp đi. Cho tận khi cơn buồn nôn dâng lên mới chạy xuống bếp nôn thốc nôn tháo ở đó. Chị lấy nước cho anh, miệng lẩm bẩm: Em không chịu đựng nổi anh nữa rồi. Nhưng vẫn đi nấu cháo trắng đợi khi anh tỉnh dậy ăn.
Anh nhớ những ngày xa nhà, mỗi khi say xong tỉnh dậy, đầu óc như bị vỡ tung ra, thèm cốc nước cũng chả có chứ nói gì tới cháo? (Ảnh minh họa)
Anh nằm tới muộn. Thế là đi toi ngày nghỉ cuối tuần. Đầu óc váng vất, nhưng anh vẫn lơ mơ nghe thấy tiếng chị càu nhàu suốt trong giấc ngủ của mình. Mà câu rõ nhất anh nghe được là: Em không thể chịu đựng được anh nữa rồi.
Anh ngồi đần mặt trên giường, cho tới khi chị cầm chiếc khăn mát đưa cho anh lau mặt và bát cháo trắng để bên cạnh. Anh có thói quen chỉ ăn cháo trắng sau khi say rượu.
Anh nhớ những ngày xa nhà, mỗi khi say xong tỉnh dậy, đầu óc như bị vỡ tung ra, thèm cốc nước cũng chả có chứ nói gì tới cháo? Có khi chán lại nằm co ro ở đó cho tới tận hôm sau. Bây giờ lần nào say cũng có cháo trắng thơm nồng của vợ. Anh khẽ cười nhìn chị. Chị lườm với tất cả cơn giận chưa xả được:
- Em không chịu được anh nữa rồi.
Chị toan bước đi thì anh nắm tay chị giữ lại. Anh khẽ nói:
- Anh cũng không thể chịu đựng được em nữa rồi.
Nghe câu nói của anh chị như vừa bước hẫng một bước vậy. Chị nhìn anh đôi mắt dần chuyển thành màu đỏ ngân ngấn. Cơn nóng giận hồi nào bỗng biến đi đâu mất sạch. Chị hỏi anh:
- Anh vừa nói cái gì?
Anh nhắc lại:
- Anh cũng không thể chịu đựng được em nữa rồi.
Chị nghẹn giọng:
- Anh!
- Hai mươi năm nữa, anh nghĩ anh sẽ nói với em như thế. Anh không thể chịu đựng được em nữa. Nhưng anh lại nghĩ, anh có thể cố được thêm hai mươi năm tiếp theo. Vì sức chịu đựng của anh rất tốt. Vậy là còn bốn mươi năm nữa, chắc chắn là anh sẽ không thể chịu đựng được em nữa đâu. Khi ấy anh sẽ suy nghĩ nên làm gì tiếp theo… Còn bây giờ: Anh nghĩ kỹ rồi, anh vẫn chịu đựng được em mà!
- Anh!
Chị lại nghẹn ngào hơn. Còn anh mỉm cười:
- Có em ở bên để chịu đựng vẫn tốt hơn là không có ai ở bên cạnh!
Nước mắt bỗng lăn trên má chị. Đúng thế, đáng nhẽ chị cũng phải hiểu điều đó chứ?